15:53 05/01/2009

Triển vọng kinh tế Trung Quốc 2009: Ẩn số niềm tin

Kiều Oanh

Người Trung Quốc không coi năm 2008 là một năm tốt đẹp, và nhìn về năm 2009 với ngổn ngang lo toan

Cảnh sát Trung Quốc cố gắng kiểm soát đám đông người xin việc tại một hội chợ việc làm tại Quảng Châu vào dịp cuối năm - Ảnh: AP.
Cảnh sát Trung Quốc cố gắng kiểm soát đám đông người xin việc tại một hội chợ việc làm tại Quảng Châu vào dịp cuối năm - Ảnh: AP.
Đối với các nhà kinh tế học khắp thế giới, câu hỏi "Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế Trung Quốc năm 2009?" là một câu hỏi khó.

Một số người cho rằng, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lớn thứ hai châu Á này sẽ giảm xuống dưới 7% trong năm nay, trong khi một số khác vẫn cho rằng, Trung Quốc sẽ giữ được tốc độ tăng trên 9%.

Thị trường chứng khoán sụt mất 65% trong năm 2008, tăng trưởng giảm tốc, tỷ lệ thất nghiệp leo thang. Trung Quốc đang áp dụng rất nhiều biện pháp để giải quyết những khó khăn nội tại của nước này. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm sẽ là một vấn đề lớn mà nền kinh tế này đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt trong năm 2009.

Những số liệu đáng ngại

Những người lạc quan tin rằng, Trung Quốc sẽ có đủ khả năng để chống chọi với sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này ở Mỹ và châu Âu. Họ đặt hy vọng nhiều hơn cả vào chương trình kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD của Trung Quốc. Với các biện pháp của Chính phủ Trung Quốc như tập trung vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, gia tăng phúc lợi, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay… người tiêu dùng và các công ty ở nước này có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Tuy nhiên, loạt số liệu thống kê mới nhất về tình hình kinh tế Trung Quốc lại khiến niềm tin trên sứt mẻ phần nào. Trong tháng 11/2008, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,2%, đánh dấu tháng giảm đầu tiên từ năm 2001 tới nay. Xu thế đi xuống này của xuất khẩu được dự báo là sẽ còn tiếp diễn trong năm 2009 này. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 giảm còn 5,4%, thấp nhất từ tháng 2/200 tới nay.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp, với chỉ số PMI (chỉ số các giám đốc mua hàng – PMI) trong tháng 11 chỉ còn 40,9 điểm, so với mức 45,2 điểm của tháng 10. Sau nhiều tháng lo ngại về lạm phát, nhiều khả năng Trung Quốc đang tiến tới đi vào giảm phát, với giá cả tiêu dùng chỉ tăng 2,4% trong tháng 11.
 
Giới quan sát cho rằng, việc đảo chiều tụt - giảm của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhiều vào vấn đề niềm tin. Giữa lúc kinh tế thế giới là cả một bức tranh u ám ở thời điểm cuối năm 2008, đầu 2009, Trung Quốc vẫn hy vọng vào việc thị trường tiêu dùng trong nước sẽ đủ mạnh để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài. Tuy nhiên, cũng giống như ở nhiều nơi khác trên thế giới, tại Trung Quốc niềm tin là một thứ xa xỉ vào lúc này.

Niềm tin suy giảm

Người dân thành thị Trung Quốc không coi năm 2008 là một năm tốt đẹp. Thị trường chứng khoán nước này sụt mất 65% trong năm qua, khiến tiền tiết kiệm của nhiều hộ gia đình hao tổn nặng. Tại Thâm Quyến và nhièu thành phố khác, giá nhà đất sụt mất khoảng 10%.

Tại Bắc Kinh và Thượng Hải - hai thành phố mà thị trường địa ốc vững vàng nhất trên cả nước - giá nhà đất đang đứng yên. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế và giáo dục cùng tăng cao, khiến chỉ số niềm tin tiêu dùng của người Trung Quốc sụt giảm với tốc độ kỷ lục 4% trong tháng 10 vừa qua so với cùng kỳ năm trước.

Những người Trung Quốc ở nông thôn và lao động nông thôn nhập cư vào thành thị cũng suy giảm niềm tin nghiêm trọng. Nhiều người trong số những lao động Trung Quốc từ nông thôn ra thành phố làm việc có lẽ sẽ về nhà ăn Tết âm lịch trong năm nay mà không có tiền.

Lý do là sự đi xuống của xuất khẩu đã khiến rất nhiều nhà máy ở Quảng Đông và nhiều khu vực khác phải đóng cửa, khiến công nhân bị sa thải hàng loạt mà không được trả lương.

Ông Jeongwen Chiang, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Cheung Kong Graduate School of Business ở Bắc Kinh ước tính, trong năm qua, đã có khoảng 70.000 công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc phá sản. Cũng theo ông Chiang, tỷ lệ vỡ nợ của các công ty xuất khẩu ở khu vực miền Nam Trung Quốc năm 2008 có thể là 20%. “Tới một lúc nào đó, động lực tăng trưởng có thể không còn. Các công ty thì chưa được chuẩn bị cho điều đó. Họ không biết đương đầu ra sao với suy thoái”, ông Chiang nói.

Xu hướng phá sản doanh nghiệp được dự báo là sẽ dẫn tới tình trạng thất nghiệp tăng vọt ở Trung Quốc trong năm 2009. Lĩnh vực nông nghiệp cũng không thể tạo nhiều việc làm cho những công nhân thất nghiệp. Công ty tư vấn McKinsey & Co. tính toán rằng, có khoảng 300 triệu cư dân nông thôn Trung Quốc phải di cư tới thành thị trong vòng 7 năm tới.

Hiện mỗi năm, Trung Quốc có 5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và số sinh viên này cũng rất khó tìm việc làm. “Tình hình việc làm ở Trung Quốc hiện còn ảm đạm. Trong quý 1 năm tới, khó khăn sẽ còn lớn hơn”, Bộ trưởng Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc Yin Weimin nói. Ông Yin cũng chỉ ra rằng, tình trạng vỡ nợ của các doanh nghiệp ảnh hưởng tới công nhân di cư là một nhân tố chính dẫn tới tình trạng này.

Mới đây, hàng chục ngàn công nhân mất việc do công ty phá sản di cư đã xuống đường biểu tình tại các thành phố phía Nam Trung Quốc như Đông Quan, Thâm Quyến… yêu cầu được trả lương. Ở Quảng Châu và Trùng Khánh cũng đã xảy ra một số vụ biểu tình của lái xe taxi.

Thực tế này đã buộc phải các cơ quan chức năng Trung Quốc vào cuộc để kiềm chế bất ổn. Tại Đông Quan, cơ quan lao động địa phương đã phải trả một phần lương cho công nhân. Ở Trùng Khánh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai đã có cuộc gặp gỡ với đại diện của các lái xe taxi biểu tình để giải quyết khúc mắc của họ.

Các biện pháp của Chính phủ

Chính phủ Trung Quốc đang kỳ vọng gói kích thích kinh tế 600 tỷ USD của nước này sẽ giúp tạo việc làm và duy trì tốc độ tiêu dùng của người dân. Chính phủ cũng đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay, để đạt mục tiêu cho vay tổng số tiền 588 tỷ USD trong năm 2009. Mục tiêu tăng cung tiền năm nay của Trung Quốc đã được điều chỉnh lên mức 17% so với năm ngoái, từ mức 14,8% đặt ra trong tháng 11.

Vào giữa tháng 12 vừa rồi, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một loạt chính sách nhằm kích thích hoạt động cho vay, bao gồm việc mở rộng phát hành trái phiếu doanh nghiệp liên quan tới cơ sở hạ tầng và nới rộng quyền hạn cho các ngân hàng trong việc định lãi suất cho vay.

Vào ngày 22/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ 5 liên tiếp từ tháng 9 tới nay, đưa lãi suất cơ bản cho vay và gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm đồng Nhân dân tệ xuống mức lần lượt là 5,31% và 2,25%.

Theo chuyên gia Jing Ulrich, Giám đốc phụ trách bộ phận thị trường chứng khoán Trung Quốc của Ngân hàng JPMorgan (Mỹ), các biện pháp trên có thể thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư liên quan tới cơ sở hạ tầng - bộ phận đầu tư chiếm 25% tổng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc.

Tuy nhiên, thách thức sẽ là kích thích tăng trưởng đầu tư liên quan tới thị trường bất động sản và sản xuất, các lĩnh vực lần lượt chiếm 24% và 32% trong tổng đầu tư ở nước này và đều đang gặp khó khăn vì công suất dư thừa. Doanh số thị trường địa ốc thương mại ở Trung Quốc giảm tới 19,8% trong 11 tháng đầu năm 2008, trong khi doanh số thị trường nhà ở giảm 20,6%.

Cùng lúc, các ngành công nghiệp của Trung Quốc từ sản xuất thép, ôtô, tới hàng điện tử, đồ chơi và hàng may mặc đều đang phải đối mặt với lượng hàng tồn kho khổng lồ và giá cả sụt giảm. Trên thực thế, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định ở Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm đã giảm xuống mức 26,8% từ mức 27,2% trong 10 tháng đầu năm. Các chuyên gia dự báo, tốc độ tăng trưởng đầu tư ở Trung Quốc sẽ còn giảm trong ngắn hạn do ngành xuất khẩu vật lộn với nhu cầu sụt giảm, trong khi các công ty bất động sản tập trung vào việc giảm số lượng nhà tồn kho.

Do đó, giới quan sát cũng không kỳ vọng niềm tin của các công ty Trung Quốc sẽ khởi sắc thời gian tới. Thậm chí cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tăng đầu tư, cũng ít khả năng các ngân hàng nước này sẽ cho vay dễ dàng ngay lập tức. Trong vấn đề cấp vốn, các ngân hàng quốc doanh ở Trung Quốc vẫn ưu tiên các công ty quốc doanh lớn, thay vì những công ty tư nhân - đối tượng khách hàng có khả năng phá sản cao trong bối cảnh hiện nay.

“Các hộ gia đình không thể tăng chi tiêu, các doanh nghiệp cũng không thể. Vậy thì tất cả phụ thuộc nhiều vào Chính phủ”, Giáo sư tài chính Michael Pettis thuộc Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh nhận xét.

Tuy nhiên, vị giáo sư này lo ngại, việc Chính phủ Trung Quốc làm chậm lại quá trình lên giá của đồng Nhân dân tệ và tăng hoàn thuế xuất khẩu cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khu vực xuất khẩu có thể dẫn tới một làn sóng phản đối chủ nghĩa bảo hộ nhằm vào nước này.

(Theo Business Week)