Ngân hàng nào nhận "thưởng" chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2019?
Dự kiến Vietcombank, VIB và OCB sẽ là ba ngân hàng thương mại đầu tiên
Ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước bước đầu đưa ra định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14%, không thay đổi so với mức ước tính thực hiện trong năm 2018.
14% là phù hợp
Về kết quả năm 2018, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước dẫn lại, định hướng đưa ra đầu năm khoảng 17%, nhưng thực tế thực hiện linh hoạt và kết năm ước khoảng 14%.
Bà Hồng cho biết, trong điều hành Thống đốc luôn quan tâm đến việc tập trung tín dụng sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời ngay từ đầu năm đã có chỉ thị kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn mức độ rủi ro cao hơn.
Mặc dù 2018 là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát đạt mục tiêu, yếu tố tiền tệ được kiểm soát chặt chẽ qua lạm phát cơ bản luôn ở mức thấp, nhưng Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi mà quy mô tín dụng đối với nền kinh tế đã lên tới trên 130% GDP.
Mặt khác, mức 14% năm cũng thể hiện các kênh đầu tư của nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn, gắn với tăng trưởng GDP đạt mức cao.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng chỉ 14%, với phương châm mở rộng tín dụng gắn liền với an toàn và hiệu quả. Nhà điều hành sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể tới từng tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát, xem xét linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phối hợp với các bộ ngành để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi nói về chỉ tiêu tín dụng.
Dự kiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm có các chỉ thị cụ thể định hướng điều hành và hoạt động ngành năm 2019, trong đó có định hướng chi tiết hơn về phát triển tín dụng.
Còn qua năm 2018, năm đầu tiên toàn hệ thống thực hiện chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng, cho thấy các chỉ tiêu giao đầu năm hầu hết ở mức thấp hơn những năm trước và gần như không nới lên với phần lớn các thành viên, một số trường hợp được "nới room" chỉ sau khi cân đối lại vài tháng cuối năm.
Theo đó, năm 2019 dự kiến mức độ 14% tiếp tục là giới hạn khó có điều chỉnh lớn ở các tổ chức tín dụng cụ thể.
Tuy nhiên, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng có gợi mở, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại đáp ứng được các chuẩn mực Basel 2 thì sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập tổ thẩm định kết quả thực hiện Basel 2, và hiện đã có ba ngân hàng thương mại đã triển khai thành công.
Điểm danh ứng viên
Cụ thể, cuối 2018, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã có Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Phương Đông (OCB) chính thức được Ngân hàng Nhà nước công nhận triển khai thành công Basel 2.
Theo đó, dự kiến Vietcombank, VIB và OCB sẽ là ba ngân hàng thương mại đầu tiên có "phần thưởng" về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019. Riêng trường hợp Vietcombank dự kiến có thêm thuận lợi khi vốn cấp 1 tăng thêm từ kế hoạch bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đầu năm nay.
Ngoài ba trường hợp trên, dự kiến từ đầu 2019 hệ thống sẽ có thêm một số ngân hàng thương mại khác đăng ký và được thẩm định về kết quả áp dụng Basel 2. Nếu thành công, có thể kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tại những trường hợp này.
Việc Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tăng trưởng tín dụng theo kết quả thực hiện Basel 2 có thể hiểu nhằm thúc đẩy hệ thống từng bước củng cố an toàn hoạt động, theo các chuẩn mực quốc tế tốt hơn.
Trong tiêu chí trên, yêu cầu đủ vốn và nâng cao chất lượng tài sản khi thực thi Basel 2 là thử thách với hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo đó, yêu cầu và áp lực tăng vốn tiếp tục đặt ra trong năm 2019.
Trước thềm năm nay, thị trường cũng đã ghi nhận một số thành viên chủ động tăng được vốn điều lệ qua huy động thêm nguồn lực mới bằng phát hành riêng lẻ, như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) tăng từ hơn 14.294 tỷ đồng lên hơn 15.231 tỷ đồng; Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) tăng từ gần 5.466 tỷ đồng lên 7.688 tỷ đồng vào cuối 2018.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối cũng đã và đang có kế hoạch tăng vốn từ nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Riêng trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương (VietinBank) vẫn còn khó khăn trong triển vọng tăng được vốn điều lệ, do đặc thù và giới hạn nội tại.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) hiện vẫn chưa thực hiện xong kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư Hana Bank để có được mức vốn điều lệ mới.
Trong khi đó, Agribank, VietinBank và BIDV là ba thành viên lớn, chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần tín dụng toàn hệ thống. Hạn chế ngắn hạn ở đây cũng góp phần lý giải cho định hướng tăng trưởng tín dụng chung năm 2019 bước đầu khá thấp.
Ngược lại, tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, do được "nới room" tăng trưởng tín dụng vào cuối 2018, một thuận lợi nhất định cũng đã có từ mẫu số dư nợ có điều kiện mở rộng thêm năm qua để tham chiếu lớn hơn cho năm nay dù chỉ tiêu bước đầu giao có thể ở mức thấp quanh 14%.