09:12 17/02/2018

Ngày Tết nói chuyện tri ân “Người có công”

Lý Hà

Mỗi năm, Đảng, Nhà nước cũng quan tâm, ưu tiên tăng phụ cấp, trợ cấp ưu đãi đối với người có công, nguồn kinh phí mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Rất nhiều chuyện để nói về ngành lao động thương binh và xã hội khi năm cũ trôi qua với một năm đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ như Thủ tướng Chính phủ đánh giá. Trong mười sự kiện nổi bật nhất năm 2017 của Ngành thì có hai sự kiện liên quan đến người có công. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn nhiều trăn trở khi nói về những “món nợ” đang được ngành lao động Thương binh và Xã hội nỗ lực giải quyết.

Thưa Bộ trưởng, sự trăn trở, day dứt đó phải chăng là khi ông nói về một bộ phận nhỏ người có công chưa được hưởng các chính sách ưu đãi?

Chăm sóc người có công chính là lương tâm và trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là những người làm công tác lao động thương binh và xã hội với những người có công. Vì vậy, sự trăn trở, day dứt đó không phải của riêng tôi mà còn của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thế hệ lãnh đạo ngành lao động thương binh và xã hội...

Có quốc gia nào trên thế giới từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và kéo dài như Việt Nam ta? Có đất nước nào mà số người có công chiếm tới 10% dân số, tức là khoảng trên 9 triệu người thuộc 12 nhóm đối tượng người có công mà Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 quy định như ở ta không? 

Năm nào, Đảng, Nhà nước cũng quan tâm, ưu tiên tăng phụ cấp, trợ cấp ưu đãi đối với người có công, nguồn kinh phí mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng... Năm 2017, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP, điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công từ 1.318.000 đồng lên 1.417.000 đồng.

Nhưng sự trăn trở, day dứt nhất của chúng ta, của những gia đình người có công vào dịp Tết đến. Mặc dù đã rất cố gắng tìm kiếm nhưng đến nay vẫn còn trên 200 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. 

Chiến tranh đã qua gần 50 năm rồi nhưng các anh, các chị vẫn nằm đâu đó bên bìa rừng, bờ khe, sông suối... Và vẫn còn khoảng 300 ngàn liệt sĩ chưa rõ danh tính, mà mỗi lần đến viếng tại các nghĩa trang chúng ta thấy trên bia mộ còn khắc chữ “liệt sĩ chưa biết tên” hoặc “liệt sĩ chưa rõ danh tính”.

Ngoài ra, sự trăn trở là còn một bộ phận người có công, thương binh, liệt sĩ, có nhiều người đã cao tuổi... nhưng vì một lý do nào đó vẫn chưa được công nhận.

Nhưng năm vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả rất lớn trong việc thực hiện chính sách đối với người có công, thưa Bộ trưởng?

Năm 2017, chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là “Năm đền ơn đáp nghĩa” để nhắc nhở nhau việc thực hiện tốt nhất chính sách đối với người có công, theo tinh thần: Nghiêm túc - Đầy đủ - Kịp thời - Chính xác. khi giải quyết hồ sơ tồn đọng phải thêm 4 chữ nữa là: thông thoáng và cụ thể.

Với tinh thần đó, Bộ đã phối hợp cùng các ban, bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, thiết thực, sâu rộng, ấm áp để tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Năm 2017, Bộ đã cùng với các địa phương nỗ lực tập trung giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng từ nhiều năm nay. 

Qua một năm nỗ lực giải quyết hồ sơ tồn đọng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm cao, cách làm sáng tạo nên ngành lao động - thương binh và xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới và đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công làm cơ sở để giải quyết chính sách.

Toàn quốc đã xác nhận 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 1.250 liệt sĩ. Mà phần đông số này xác nhận đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp.

Đã có lần Bộ trưởng nói về 2 điều khó trong chính sách công nhận người có công. Nếu thông thoáng quá sẽ khó kiểm soát việc trục lợi chính sách. Nếu chặt quá thì nguy cơ người có công thực sự lại khó được công nhận. Làm sao để giải 2 vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

Tạo ra sự đột phá, sáng tạo trong việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công chính là cách giải 2 khó này. Chặt chẽ đến độ nào để không làm khó cho người có công thực sự khi họ không còn hoặc thất lạc hồ sơ, không có người làm chứng? Thông thoáng đến đâu để người muốn lợi dụng trục lợi cũng không thể và không dám làm? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

Vì thế, sau khi nghe Bộ báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Tất cả đều đồng ý về chủ trương giải quyết theo quy trình cá biệt xác nhận, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người thực sự có công. 

Và tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”. Còn những trường hợp cố tình khai man, trục lợi chính sách người có công thì phải kiên quyết xử lý.

Tôi nghĩ, “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” thì việc giải 2 khó này cần phải dựa vào dân. Thực chất của Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH là quy trình làm xác nhận dựa vào dân, dựa vào lực lượng các cụ lão thành cách mạng, những người tham gia kháng chiến cùng thời kỳ. 

Đặc biệt, quy trình hoàn toàn thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng rõ, cùng thấy, cùng tham gia và giám sát. Đó là chìa khóa quan trọng giúp chúng ta giải quyết được một số lượng lớn hồ sơ tồn đọng hàng chục năm nay.

Nhờ đó, dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, chúng tôi đã xác nhận và trình Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 498 trường hợp là liệt sĩ trong đó có 94 cụ đã hy sinh từ 60 năm trở lên, đến nay mới được công nhận liệt sĩ.

Bộ trưởng có thể kể một số trường hợp đặc biệt nhờ được làm theo quy trình 408?

Thật ra, trong khi xem một số hồ sơ tôi cảm thấy buồn day dứt, nhưng đến khi trao bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân người có công thì vừa vui và tự hào. Đó là những cảm giác đan xen nhau, khó tả. Và rất nhiều câu chuyện thật cảm động về tình cảm đồng đội, đồng chí được khơi dậy, nhớ lại trong từng trường hợp, trong từng gia đình người có công, khiến những người thực hiện chính sách phải cảm động.

Để hoàn thiện hồ sơ xác nhận mộ liệt sĩ, nhiều nơi đã phải vận dụng tối đa các phương pháp thu thập từ trong dân, từ các hồ sơ và kể cả từ các nhà tù địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan. 

Một số nơi như: Long An, Vĩnh Long, An Giang... còn tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Có trường hợp không còn hồ sơ, cơ quan chức năng phải lần tìm tại 4 quân khu, gần 10 địa phương xác lập, củng cố hồ sơ từ đầu để công nhận liệt sĩ. Những hồ sơ còn có những điểm nào vướng mắc hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận.

Nhiều trường hợp được công nhận liệt sĩ khá đặc biệt, đó là cụ Đặng Văn Tiết sinh năm 1891 ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh năm 1942 - nghĩa là liệt sĩ đã nằm trong nghĩa trang cách đây 76 năm, đồng đội của cụ đều liệt sĩ. Cụ chưa được công nhận liệt sĩ vì hồ sơ không có bất cứ giấy tờ gì. 

Khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mời các cụ lão thành cách mạng công tác cùng thời với cụ Tiết thì mọi người đều nghĩ cụ đã được công nhận liệt sĩ, vì thế các cụ đều nhất trí cao kiến nghị cụ Đặng Văn Tiết là liệt sĩ. Cuối cùng Liệt sĩ Đặng Văn Tiết được công nhận. Ngày đưa liệt sĩ về, bà con địa phương ra đón về như đón người thân.

Hay cụ Nguyễn Ngọc Gấm ở Hoài Đức, Hà Nội hy sinh từ năm 1950, hồ sơ tồn đọng trên 30 năm vì thất lạc giấy tờ gốc nên vừa rồi làm bổ sung theo quy trình 408 để được công nhận là liệt sĩ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang và sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết chính sách đối với người có công. Tôi nghĩ, đó là cách bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công với cách mạng sau chiến tranh.