Nghiêm cấm làm lộ bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ
Làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ là một trong 8 hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Cảnh vệ
Làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ là một trong 8 hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Cảnh vệ vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/6, có hiệu lực từ 1/7/2018.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo luật trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vì cho rằng, Chánh án là người đứng đầu cơ quan tư pháp, được Quốc hội bầu, đồng thời bảo đảm tương xứng với vị trí quan trọng của cơ quan lập pháp và hành pháp.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là một số lãnh đạo chủ chốt cấp bộ, ngành, cấp tỉnh được áp dụng biện pháp cảnh vệ.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đối tượng cảnh vệ phải là người có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc, cần có chế độ bảo vệ đặc biệt. Việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đó phải là người có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc, cần có chế độ bảo vệ đặc biệt.
Ngoài ra, cần phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tăng biên chế, tổ chức.
Hơn nữa, nếu bổ sung các đối tượng này thì cũng cần bổ sung các chức vụ khác tương đương - ông Việt giải thích.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cũng báo cáo, thực tế cho thấy, quy định về các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Trong trường hợp thật sự cần thiết, Chính phủ sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ (theo quy định tại khoản 5 điều 10).
Do đó, 18 nhóm các chức danh được áp dụng chế độ cảnh vệ được giữ nguyên như dự thảo luật.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng hồi âm ý kiến đề nghị cân nhắc làm rõ quy định Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối tượng cảnh vệ để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Cơ quan giải trình cho rằng, theo quy định hiện hành, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối tượng cảnh vệ. Đây là khu vực đặc biệt quan trọng, việc tổ chức công tác bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Công an giao Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đảm nhiệm thực hiện các hoạt động cảnh vệ theo quy định của pháp lệnh cảnh vệ. Còn Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiệm vụ chính là giữ gìn, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phối hợp trong công tác bảo vệ. Từ trước đến nay, hai cơ quan đã phối hợp tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ, luật có một điều khoản quy định nghiêm cấm cán bộ cảnh vệ làm lộ thông tin, bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ. Có ý kiến cho rằng, đã có quy định này thì không cần quy định về nguyên tắc “tuyệt đối giữ bí mật về công tác cảnh vệ” (điều 19) nữa.
Giải trình nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống thì yêu cầu giữ bí mật về công tác cảnh vệ là nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ, cần phải quy định rõ. Còn quy định về hành vi cấm là áp dụng chung đối với tất cả các đối tượng.
Do đó, luật được giữ nguyên cả quy định buộc cán bộ cảnh vệ tuyệt đối giữ bí mật và quy định cấm làm lộ thông tin, bí mật về yếu nhân.
Về quy định nổ súng của cán bộ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ (điều 21), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật nêu rõ, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định khi nổ súng phải tuân thủ nguyên tắc của Bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng và quy định về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Các quy định này đã phù hợp với nguyên tắc phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các trường hợp nổ súng. Có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “hành vi tấn công trực tiếp”.
Cơ quan giải trình viện dẫn, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cán bộ cảnh vệ nổ súng vào đối tượng có “hành vi tấn công trực tiếp” đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ là căn cứ vào quy định của pháp luật liên quan và tình hình cụ thể để quyết định nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, nên việc quy định chi tiết từng trường hợp nổ súng là khó khả thi.
Do đó, nội dung này trong dự thảo luật cũng được giữ nguyên.