Nghiên cứu: ChatGPT đang gây suy giảm khả năng tư duy phản biện
Nghiên cứu gần đây của Media Lab thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy việc sử dụng ChatGPT hay chatbot trí tuệ nhân tạo trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nhận thức người dùng…

Trong vòng bốn tháng, những người sử dụng ChatGPT thường xuyên thể hiện sự suy giảm rõ rệt về mặt thần kinh, ngôn ngữ và hành vi, báo cáo do nhà khoa học Nataliya Kos’myna chỉ rõ.
Kết quả làm dấy lên lo ngại về tác động lâu dài đối với giáo dục nếu con người ngày càng phụ thuộc vào công cụ AI, đồng thời cho thấy cần có nghiên cứu sâu hơn về vai trò của AI trong học tập, theo Tech News World.
“Tôi quyết định công bố nghiên cứu này trước khi có phản biện khoa học đầy đủ vì tôi lo rằng chỉ 6 đến 8 tháng nữa, sẽ có nhà hoạch định chính sách nghĩ đến chuyện đưa GPT vào… mẫu giáo”, ông Kos’myna e dè. “Tôi cho rằng đó là điều rất tệ hại. Trẻ em với não bộ đang phát triển là đối tượng dễ bị tổn thương nhất”.
54 người tham gia nghiên cứu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 39 được chia thành ba nhóm, thực hiện viết bài luận SAT. Một nhóm sử dụng ChatGPT, nhóm thứ hai tra cứu bằng Google, và nhóm cuối cùng không dùng bất kỳ công cụ hỗ trợ nào. Hoạt động não bộ của tình nguyện viên được theo dõi bằng thiết bị EEG trên 32 vùng não khác nhau. Kết quả cho thấy nhóm dùng ChatGPT có mức độ hoạt động não thấp nhất.
Ngoài ra, sau nhiều tháng, người dùng ChatGPT có xu hướng ngày càng sao nhãng, thường xuyên chỉ sao chép kết quả do chatbot tạo ra mà không chỉnh sửa hay đánh giá lại.
BÁO ĐỘNG ĐỎ VỀ LẠM DỤNG AI
“Thật tuyệt khi thực hiện nghiên cứu này”, giáo sư Karen Kovacs North tại Trường Truyền thông và Báo chí Annenberg (Đại học Nam California) nhận xét. “Nhiều người rất hào hứng với AI và những tiềm năng mà công cụ mang lại, nhưng luôn phải đặt ra câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra với tư duy phản biện khi con người phụ thuộc vào AI để giải quyết vấn đề?”.
Theo bà North, MIT đã dũng cảm đi đầu trong nghiên cứu mối liên hệ giữa AI và tư duy phản biện, và kết quả cho thấy điều nhiều người lo ngại: AI có thể làm suy yếu khả năng suy nghĩ độc lập.

Dù kết quả nghiên cứu đáng báo động, nhưng ông Mark N. Vena, Chủ tịch hãng phân tích SmartTech Research (Las Vegas), cho rằng nghiên cứu còn hạn chế về quy mô khi chỉ 54 người tham gia và 18 người được theo dõi tiếp sau đó. “Việc công bố sớm phản ánh tính cấp thiết, nhưng vẫn cần đánh giá thêm” ông Vena nói. “Nghiên cứu nêu bật nguy cơ suy giảm trí nhớ và tư duy phản biện khi lạm dụng AI, nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận tác hại trên diện rộng”.
Theo ông Boaz Ashkenazy, Giám đốc Điều hành Augmented AI Labs, lĩnh vực pháp lý là dẫn chứng rõ ràng nhất cho thấy nguy cơ "thoái hóa tư duy" do AI. “Khi luật sư trẻ dựa vào AI để lập luận hoặc tóm tắt bản án thay vì tự mình suy nghĩ, họ đánh mất quá trình học hỏi nền tảng quan trọng”, ông cảnh báo. “Tình trạng này có thể xuất hiện ở nhiều ngành khác, khi con người quá phụ thuộc vào AI và đánh mất khả năng suy luận, giải quyết vấn đề và tư duy chiến lược”.
RẢO CẢN SÁNG TẠO
Ông David Bader, Giám đốc Viện Khoa học Dữ liệu thuộc Viện Công nghệ New Jersey, nhận định nghiên cứu của MIT là bằng chứng thần kinh đầu tiên xác thực mối nghi ngờ lâu nay rằng AI có thể thay đổi cách bộ não con người hoạt động.
“Điều khiến tôi lo nhất là mức độ suy giảm diễn ra chỉ sau vài lần sử dụng, điều này cho thấy nếu quá dựa dẫm vào AI, con người có thể rơi vào vòng lặp: càng phụ thuộc, càng ít tự suy nghĩ”.
Ông Rob Enderle, nhà phân tích của Enderle Group, cũng thừa nhận: “Càng dựa vào AI, bạn càng làm ít đi. Nếu không tích cực trau dồi kỹ năng đặt lệnh (prompting), kỹ năng của bạn sẽ mai một”.
Ông Ryan Trattner, đồng sáng lập nền tảng giáo dục AI StudyFetch, khẳng định: “ChatGPT không phải công cụ học tập. Ngược lại, chatbot cản trở quá trình học, giết chết khả năng tư duy phản biện và tính sáng tạo của học sinh. ChatGPT giống như bạn đồng hành hoàn hảo, nhưng cũng tệ hại nhất. Công cụ làm hết phần việc, không phàn nàn, nhưng người còn lại thì chẳng học được gì”.
MÔ HÌNH KHIẾN NHẬN THỨC SUY GIẢM
Ông John Bambenek – chuyên gia an ninh mạng và tác giả cuốn Lies, Damn Lies, and AI – cho rằng kết quả nghiên cứu MIT lặp lại xu hướng từng thấy với công nghệ như mạng xã hội, blog, internet: tiện lợi, nhưng làm giảm khả năng tư duy độc lập. “ChatGPT đặc biệt nguy hiểm vì công cụ đưa ra câu trả lời trông rất hợp lý nhưng thiếu chiều sâu”.
Doanh nhân và nhà đầu tư AI Pedro David Espinoza cũng đồng tình: “AI đang làm suy giảm nhận thức con người với tốc độ chóng mặt. Thật đáng buồn!”.
Theo ông Bambenek, giáo dục là lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất. “Giá trị thật sự của việc viết bài luận nằm ở quá trình học, hiểu và tổng hợp thông tin. Nếu để AI làm thay, học sinh chỉ sở hữu một sản phẩm trống rỗng”.
Vấn đề lớn nhất, theo ông Bambenek, là rất khó ngăn chặn gian lận nếu không tổ chức thi tại chỗ hoặc thi vấn đáp.
Giáo sư Dan Kennedy (Đại học Northeastern, Boston) kết luận: “Không nghi ngờ gì nữa, AI được dùng ngày càng nhiều cho một số nhiệm vụ nhàm chán như viết bài luận. Nhưng điều đáng lo là người ta sẽ dùng nó cho cả tác vụ sáng tạo, dẫn đến sản phẩm tuy ‘đủ điểm’ nhưng vô hồn, thiếu dấu ấn cá nhân”.
“Bạn không thể học viết nếu không tự mình viết. Nếu AI cướp đi cơ hội đó, chúng ta có lý do để lo ngại, không chỉ trong giáo dục mà còn ở mọi lĩnh vực khác”.