08:03 10/12/2020

Nghiên cứu nguyên nhân trượt lở đất tại các tỉnh miền Trung

Văn Anh

Các hiện tượng thời tiết bất thường gây mưa lớn, cộng với hoạt động phá rừng, xây dựng giao thông, nhà cửa đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất, nhất là trượt lở đất đá ngày càng lớn

Sạt lở đất xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3.
Sạt lở đất xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nguyên nhân trượt lở đất tại các tỉnh khu vực miền Trung vừa qua.

Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua, báo chí có phản ánh: Theo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, các hiện tượng thời tiết bất thường gây mưa lớn, cộng với hoạt động phá rừng, xây dựng giao thông, nhà cửa đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất, nhất là trượt lở đất đá ngày càng lớn, thiệt hại ngày càng tăng.

Do đó cần thành lập bộ phận chuyên trách về sạt lở đất ở các địa phương có nguy cơ cao; tập huấn cho người dân về dấu hiệu của sạt lở đất, các kỹ năng cơ bản để giảm thiểu thiệt hại; áp dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo sạt lở đất.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nguyên nhân trượt lở đất tại các tỉnh khu vực miền Trung vừa qua, đề xuất phương án xử lý, hạn chế thiệt hại do trượt lở đất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã có báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguyên nhân dẫn đến các sự cố sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người trong đợt mưa lũ thời gian qua.

Cụ thể, tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nơi xảy ra 2 đợt sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, mất tích, các nhà khoa học nhận định, nhóm nguyên nhân rõ ràng nhất là mưa và cắt xẻ taluy cao và dốc để làm công trình, đường giao thông, lấy mặt bằng xây dựng nhà ở làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá. Khu vực này trước đó đã được cảnh báo có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000.

Sự cố trượt lở tại Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có một điều khá đặc biệt. Năm 2018, khi điều tra hiện trạng sạt lở đất ở đây, các nhà khoa học chưa thấy dấu hiệu nào của hoạt động trượt lở, chỉ xác định được 1 điểm trượt lở quy mô nhỏ cách đó khoảng 650m về phía đông nam.

Nhóm chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự cố thương tâm tại Đoàn 337 liên quan mưa lớn kéo dài làm cho vật liệu vỏ phong hóa chảy nhão, mất liên kết. Phần thấp của sườn núi bị xói mòn (do dòng nước ở khe suối tác động) làm mất chân của sườn núi dẫn đến sạt lở ở phía trên. Đồng thời, dòng nước ở khe suối cũng làm cho vật liệu trượt lở di chuyển xa hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn.