10:25 08/02/2009

Người chuyên “gây sự”

Hỏi chuyện TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)

TS. Lê Hồng Sơn.
TS. Lê Hồng Sơn.
Năm 2008, dư luận xôn xao trước quy định “thấp bé, nhẹ cân, ngực lép” không được lái xe máy trên 50 cc; học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật không được biểu diễn ở các quán bar, vũ trường...

Bộ Tư pháp vào cuộc, khẳng định những văn bản nói trên là sai trái, yêu cầu cơ quan ban hành phải thu hồi, hủy bỏ. Công luận thở phào: Bộ Tư pháp đã “thổi còi” tốt!

Vậy mà Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - nơi tung ra những “phán quyết” dễ “mếch lòng” ấy, TS. Lê Hồng Sơn, lại nói rằng ông thực sự thấy buồn và tiếc về những sự cố trên.

“Cơ chế đặt ra là cơ chế huy động trí tuệ tập thể, có sự tham gia ý kiến, phản biện của các cơ quan, của xã hội, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Hơn thế, trước khi văn bản được ban hành còn có cơ chế thẩm định - “tiền kiểm” đối với các dự thảo. Nếu thực hiện thật nghiêm sẽ không có sạn, nếu có cũng cực hiếm và sạn không to đùng như thế”, ông Sơn trầm giọng.

Làm ngon thì không sợ mất lòng

Thưa ông, vậy phải chăng việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành hiện nay chỉ mang tính hình thức?

Đúng là thẩm định hiện nay cũng còn hời hợt lắm. Trong thực tế, có khi thẩm định bị ỉm đi hoặc trốn thẩm định. Cá biệt, có cơ quan soạn thảo “qua mặt” cơ quan thẩm định bằng cách khi gửi thẩm định, có một vài nội dung họ biết là sai trái nên đã rút đi, chờ sau khi thẩm định xong mới đưa vào để trình thông qua!

Ông từng nói “đừng nghĩ thẩm định không có tiêu cực”. Nên hiểu điều này thế nào?

Bất kỳ một hoạt động nào mang tính quyền năng, kiểm tra, phán xét thì đều có thể phát sinh tiêu cực ở mức này mức khác. Có khi công chức thẩm định sử dụng quyền năng của mình một cách thiếu thiện chí, o ép, gây khó khăn cho phía soạn thảo. Hoặc khi tham gia soạn thảo để phục vụ thẩm định, anh lại ký hợp đồng làm tác giả, nhận thù lao cao để rồi sau đó rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai”...

Vấn đề là người tham gia thẩm định phải có trình độ, bản lĩnh nhưng cũng phải có tâm và cả đạo đức nữa. Vì thực tế cũng rất khó để tỉnh táo vượt ra khỏi cám dỗ để thực hiện nhiệm vụ thẩm định một cách khách quan.

Nhưng cái cơ chế “huy động trí tuệ tập thể” mà ông nói trên kia cũng có hạn chế vì các bộ, ngành rất có thể sẽ “bắt tay nhau” để các dự thảo đều dễ dàng “qua truông”?

Đúng là đã có tình trạng e ngại, sợ va chạm, muốn “dĩ hòa vi quý”... Nhưng quan điểm của tôi lại khác. Phải công tâm, khách quan, nêu thật trúng, thật đúng vấn đề đi, rồi sau đó cùng với cơ quan soạn thảo làm cho nội dung văn bản tốt hơn, hoàn thiện hơn. Như vậy thì không sợ mất lòng, thậm chí họ còn biết ơn và nể phục.

Từng bị bêu xấu, đe dọa...

Ở vị trí luôn phải “săm soi” để tìm ra “lỗi” của cơ quan soạn thảo, những phân tích, phản biện của ông nhiều khi cũng làm người ta ngại?

Dự họp ở một số nơi, đối với một số dự thảo, mình phân tích, phản biện rất ghê. Lúc đầu họ hoang mang không biết ông Sơn ủng hộ hay gây sự đây? Thậm chí, một vài ánh mắt nhìn mình không thiện chí.

Nhưng mình nói: “Tôi nêu hết để các đồng chí thấy. Nếu các đồng chí cần, tôi sẵn sàng ngồi trao đổi và cùng các đồng chí đưa ra phương án nhằm hoàn thiện dự thảo”. Và thực tế là mình nói được và cũng làm được, giúp được người ta... (Cười).

Ông cũng từng nói rất thật rằng nếu không có bản lĩnh thì không thể ngồi được ở cái ghế kiểm tra văn bản. Vậy, chiếc ghế đó thực sự “nóng” đến mức nào?

Tâm lý người đời, có ai muốn những cái sai của mình bị phanh phui? Mà nếu bị thì ngay lập tức có những phản ứng, như gọi điện thoại đến cấp nọ cấp kia để giải trình, thậm chí nhờ một số người can thiệp, gây áp lực. Lại có trường hợp dùng cả phương tiện thông tin đại chúng để “tự vệ”.

Vì thế, mình nói bản lĩnh là ở chỗ, thứ nhất phải phát hiện cho được. Đây là việc cực kỳ khó, vì đòi hỏi phải có trình độ, bản lĩnh chuyên môn để phát hiện cho đúng, kịp thời. Thứ hai là bản lĩnh trong xử lý. Phát hiện rồi thì phải nêu chứ phát hiện rồi lại đến cơ quan kia “trao đổi” rồi ỉm đi, như thế là không đúng.

Cũng xin nói thật là cơ chế để bảo đảm an toàn cho người kiểm tra, nhất là thủ trưởng cơ quan kiểm tra, đang là một vấn đề. Bởi người ta không “chống” được mình chỗ đó thì sẽ gây sự chỗ khác.

Tôi đã từng bị bêu xấu, bị “đe dọa”... Đôi khi không chính thức đâu mà bằng những cú điện thoại hay phát ngôn ở chỗ này chỗ khác, cố làm giảm uy tín, làm giảm giá trị công tác của mình, thậm chí đánh cả vào cá nhân mình nữa. Có buồn không?... (Khẽ thở dài)

Phối hợp ăn ý với báo chí

Nhiều lần, ngay khi ký một văn bản “tuýt còi”, ông cũng kịp thời cung cấp cho báo chí. Đây là mẹo để hạn chế bị “tác động”?

Nói vậy cũng hơi quá. Trong nhận thức của tôi, báo chí là kênh thông tin rất quý, giá trị. Báo chí giúp mình nhiều, ngay cả việc đưa lên công luận cũng là một cách giúp rất hiệu quả, rất hay. Thế nên phải có cơ chế phối hợp, cả hai giúp nhau để làm phần việc của mình cho tốt hơn, có lợi cho xã hội hơn. Nói thật là nhiều văn bản mình rất biết ơn báo chí.

Như Quyết định 33, 34 (của Bộ Y tế, quy định thấp bé, nhẹ cân, ngực lép không được điều khiển xe máy trên 50 cc - PV) là báo chí đi trước, rồi mình mới từ đấy tập trung nghiên cứu xử lý cho chuẩn. Vả lại, nếu rộng đường công luận, những cơ quan khác sẽ biết để tránh đi vào “vết xe đổ”.

Nhưng thực tế, nhiều cơ quan bị “tuýt còi” rồi vẫn cố “vượt đèn đỏ”...

Đây cũng là một thực tế đáng buồn, tuy không nhiều. Điều này cho thấy trật tự kỷ cương không được bảo đảm ngay tại một số cơ quan công quyền. Người ta cứ hay đòi hỏi công dân phải tuân thủ pháp luật, vi phạm phải bị xử nghiêm. Nhưng cũng đừng quên rằng ngay trong đội ngũ công chức, các cơ quan công quyền, trật tự kỷ cương, kỷ luật hành chính càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt...

Vậy có bao giờ vì áp lực này kia mà ông phải nương nhẹ khi xử lý?

Nương nhẹ thì chưa. Chỉ có trường hợp mình phát hiện được, mời người ta đến họp, họ nhận sai và đề nghị khoan phát công văn để họ xử lý, hoàn thiện nghiêm chỉnh. Khi đó, mình làm theo đề xuất của họ, miễn là xử lý được, không cần rùm beng làm gì. Còn nương nhẹ thì không, vì tính mình vốn bộc trực, thẳng thắn.

Nếu khôn khéo hơn thì...

Dân gian có câu “thẳng thắn thường thua thiệt”. Vận vào mình, ông thấy đúng không?

Một là bản chất mình thế, bản lĩnh chuyên môn mình thế nên cấp trên mới giao việc này. Tất nhiên, nếu mình khôn khéo hơn thì có thể mọi việc đã khác đi (Cười lớn)... Cũng có người không thích mình, “choạnh chọe” với mình ở điểm này điểm khác nhưng đáng mừng là ai cũng thừa nhận bản lĩnh chuyên môn của mình.

Với công việc ông đang làm, với tính cách ông vốn có, cân đong đo, đếm lại, ông cho rằng trong số những người quen biết, số người quý ông nhiều hơn hay ghét nhiều hơn?

Mình không biết. Nhưng mình biết chắc một số trường hợp người ta ác cảm, rồi bằng cách này cách khác tác động tới mình khiến mình phải chịu áp lực ngược. Nhưng một số khác khi mình phát hiện và nêu vấn đề họ sửa, sau đó thì họ cám ơn, thậm chí rất nể, trân trọng ý kiến mình. Có nhiều cơ quan khi thảo luận nội dung văn bản vấn đề gì đang còn đang tranh cãi, chưa thật “sáng” thì lãnh đạo bảo “nên sang tham khảo ý kiến ông Sơn đã” (Cười).

* TS. Lê Hồng Sơn:

- Sinh ra ở Nghệ An.

- Thời học phổ thông là dân chuyên văn, từng thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, có giải.

- Năm 1993: Làm tiến sĩ luật ở Liên Xô (cũ).

- Thâm niên 30 năm trong nghề.

- “Tuýt còi...” một số văn bản: Quyết định 33, 34 (năm 2008) của Bộ Y tế về chuẩn thấp bé, nhẹ cân, ngực lép; Quyết định 16, 17 (năm 2007) của Bộ Giao thông Vận tải buộc xã viên phải chuyển xe vào sở hữu hợp tác xã; nội dung “có “giấy đỏ” mới được xây nhà” trong Quyết định 79 (năm 2007) của UBND thành phố Hà Nội...

Thu Nguyệt (Pháp luật Tp.HCM)