16:26 25/08/2017

Người thừa kế Samsung lĩnh án 5 năm tù

Kim Tuyến

Bản án được cho là sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng toàn cầu cũng như chiến lược dài hạn của Tập đoàn Samsung

Lee Jae-yong - người thừa kế tập đoàn Samsung - tại tòa án ngày 25/8 - Ảnh: New York Times.<br>
Lee Jae-yong - người thừa kế tập đoàn Samsung - tại tòa án ngày 25/8 - Ảnh: New York Times.<br>
Theo hãng tin Yonhap News của Hàn Quốc, trong phiên toà diễn ra tại Tòa án Quận Trung tâm Seoul vào ngày thứ 6 (25/8), Lee Jae-yong, phó chủ tịch, cũng là người thừa kế của tập đoàn Samsung, bị kết tội tham nhũng, tham ô cùng một số tội danh khác và lĩnh án 5 năm tù.

Tội danh của Lee Jae-yong có liên quan tới bê bối tham nhũng lớn khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất hồi đầu năm.

Ông Lee bị buộc tội liên quan tới khoản hối lộ trị giá 7,2 tỷ Won (6,38 triệu USD) cho con gái của Choi Soon-sil - bạn thân của bà Park Geun-hye. Đồng thời, người thừa kế Samsung cũng bị kết tội tham ô khi giấu tài sản ở nước ngoài và khai man tại cuộc điều trần trước quốc hội về vụ việc này. Đây được cho là “vụ án thế kỷ” với phạm nhân là người thừa kế tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

Theo đó, Lee Jae-yong, còn được gọi là “Thái tử Samsung”, bị kết án 5 năm tù giam - bản án được cho là sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng toàn cầu cũng như chiến lược dài hạn của Tập đoàn Samsung.

Bản án này cũng đặt dấu hỏi cho các kế hoạch của ông Lee trong thời gian tới sau khi chính thức tiếp quản tập đoàn sau khi cha ông - chủ tịch Lee Kun-hee - bị suy tim vào năm 2014.

Trước đó, các công tố viên trong vụ án này đề nghị mức án 12 năm tù đối với ông Lee với cáo buộc hối lộ 43,3 tỷ Won (38 triệu USD) để được sự hậu thuẫn của chính phủ trong việc sáp nhập các công ty con của Samsung nhằm tăng cường quyền lực của mình tại đế chế Samsung.

Theo Yonhap News, đây là một trong những bản án nặng nhất đối với người đứng đầu một nghiệp đoàn lớn tại Hàn Quốc.

Kể từ khi bị bắt tạm giam hồi tháng 2, ông Lee phủ nhận mọi cáo buộc.

"Điểm mấu chốt của vụ án này là sự thông đồng giữa quyền lực chính trị và tài chính”, Thẩm phán Kim Jin-dong nói. “Tôi hy vọng rằng quyền lực chính trị sẽ được dùng để phục vụ người dân và các doanh nghiệp lớn có trách nhiệm với xã hội thông qua các hoạt động kinh tế hợp pháp”.

Phía luật sư của ông Lee từ chối đưa ra bình luận về bản án này và cho biết sẽ tiếp tục kháng án.

Trước đây, nhiều doanh nhân quyền lực của Hàn Quốc cũng từng bị kết án nhưng không hề phải ở tù. Đơn cử như trường hợp của Lee Kun-hee, cha của ông Lee, từng hai lần bị kết án với tội danh hối lộ và trốn thuế nhưng không hề phải ở tù ngày nào.

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, có nhiều lý do để tin rằng vụ án lần này hoàn toàn không giống như vậy. Vì bê bối tham nhũng liên quan tới cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye, Tổng thống kế nhiệm Moon Jae-in đang “để mắt” tới các nghiệp đoàn kinh tế trong bối cảnh Hàn Quốc nỗ lực tìm cách giảm sức ảnh hưởng của các đế chế kinh doanh tới chính trị.

Tại Hàn Quốc, người dân cũng tỏ ra phẫn nộ trước sự thống trị và quyền lực của các tập đoàn kinh tế lớn - còn gọi là chaebol. Doanh thu của 10 chaebol lớn nhất nước chiếm tới hơn 80% GDP của Hàn Quốc. 6 trong số 10 lãnh đạo các chaebol này từng bị kết án với các tội kinh tế khác nhau, nhưng đa số được ân xá hoặc giảm án.