10:10 29/08/2024

Nhà đầu tư không ưu tiên startup phụ thuộc hoàn toàn vào gọi vốn để duy trì hoạt động

Bảo Bình

Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên những doanh nghiệp không phụ thuộc hoàn toàn vào việc gọi vốn để duy trì hoạt động. Nếu một startup chỉ có thể tồn tại nhờ vào việc gọi vốn liên tục, việc thu hút đầu tư trong thời điểm này sẽ rất khó khăn…

giáo dục tiếp tục là một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý nhiều nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ nhìn vào thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa
giáo dục tiếp tục là một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý nhiều nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ nhìn vào thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa

Dù vẫn thu hút quan tâm của các nhà đầu tư song startup edtech Việt vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức gọi vốn. 

NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG CÒN HÀO PHÓNG NHƯ TRƯỚC

Theo ông Vương Nhật Anh, Giám đốc Quỹ Đầu tư Do Ventures, trong hai năm gần đây, tổng số tiền đầu tư vào các startup Việt Nam đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao năm 2021, khi tổng số tiền đầu tư đạt hơn 1,4 tỷ USD. Hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 500 đến 600 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, một điểm sáng trong bức tranh này là mặc dù số tiền đầu tư giảm mạnh, số lượng các thương vụ đầu tư chỉ giảm nhẹ. 

“Điều này cho thấy các quỹ đầu tư vẫn quan tâm đến việc rót vốn vào các startup. Nhưng thay vì đầu tư những khoản lớn, các quỹ đang tập trung vào các giai đoạn đầu của startup, và số tiền đầu tư cho mỗi thương vụ có xu hướng giảm so với trước đây”, lãnh đạo Quỹ đầu tư Do Ventures cho biết. “Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng lĩnh vực edtech trên toàn cầu hiện đang trải qua một giai đoạn không mấy tươi sáng và không phải là thời kỳ rực rỡ nhất”

Theo ông Vương Nhật Anh, nhìn vào Việt Nam, điểm tích cực là giáo dục vẫn luôn là một trong những ưu tiên chi tiêu hàng đầu của các gia đình cho con cái. Số tiền dành cho giáo dục luôn được bố mẹ ưu tiên, vì vậy sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam vẫn rất lớn.

Tuy vậy, các nhà đầu tư hiện nay thận trọng hơn trong việc ra quyết định và không còn đầu tư một cách thoải mái và hào phóng như trước, mặc dù mức độ quan tâm vẫn rất cao. Nhìn chung, giáo dục tiếp tục là một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý nhiều nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ nhìn vào thị trường Việt Nam.

Bà Đào Hương Lan, Giám đốc điều hành Teky, cho biết Việt Nam có tiềm năng thị trường rất lớn trong lĩnh vực giáo dục, với 22 triệu học sinh trong độ tuổi K-12. Chính phủ chi khoảng 15% ngân sách quốc gia cho giáo dục, trong khi các gia đình dành khoảng 38% ngân sách để đầu tư cho con cái học tập. Tuy nhiên, thị trường giáo dục hiện đang ở trong giai đoạn khó khăn, giống như một "mùa đông". Việc gọi vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trở nên vất vả hơn nhiều, và họ đang phải cố gắng xoay sở để tiếp tục phát triển kinh doanh.

Các dấu hiệu vĩ mô như suy thoái kinh tế, lạm phát cao, và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đều cho thấy thị trường đang gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp giáo dục đã phải đóng cửa, và phụ huynh trở nên nhạy cảm hơn với học phí. Thêm vào đó, tỷ lệ tuyển sinh mới và tái tục học sinh đều có dấu hiệu suy giảm. Đây là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp giáo dục tại Việt Nam hiện nay.

Các doanh nghiệp với chiến lược phát triển đúng đắn vẫn có cơ hội thu hút đầu tư. Theo đó, sản phẩm của doanh nghiệp cần phải độc đáo, tạo ra sự khác biệt và có tiềm năng thâm nhập thị trường. Thứ hai, đội ngũ sáng lập, lãnh đạo phải có kinh nghiệm, năng lực, và đặc biệt là khả năng xoay xở trong bối cảnh kinh doanh hiện tại. 

“Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên những doanh nghiệp không phụ thuộc hoàn toàn vào việc gọi vốn để duy trì hoạt động. Nếu một startup chỉ có thể tồn tại nhờ vào việc gọi vốn liên tục, việc thu hút đầu tư trong thời điểm này sẽ rất khó khăn”, bà Đào Hương Lan nói.

Chính vì vậy, các đội ngũ cần thể hiện khả năng thích ứng với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, chẳng hạn như bằng cách cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả làm việc của nhân viên. Điều quan trọng là phải chứng minh được năng lực quản trị và điều hành trong quá trình làm việc với các quỹ đầu tư, chủ động thể hiện khả năng xoay xở của mình.

Bà Đào Hương Lan cho rằng bức tranh tài chính của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, để có thể khả thi trong việc gọi vốn, doanh nghiệp cần phải chú ý đến các chỉ số về doanh thu và chi phí. Các quỹ đầu tư thường tìm kiếm những doanh nghiệp có thể tự duy trì và có lãi, dù chỉ là một chút. Miễn là doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng và đội ngũ đủ năng lực, cơ hội gọi vốn sẽ cao hơn.

TẠO TÁC ĐỘNG XÃ HỘI: ĐIỂM CỘNG LỚN THU HÚT ĐẦU TƯ

Đặc biệt, một xu hướng quan trọng khác mà các quỹ đầu tư đang hướng tới là các chỉ tiêu về phát triển bền vững và tác động xã hội. “Nếu các startup có thể tập trung vào những chỉ số này, ví dụ như hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ phụ nữ yếu thế, hay phát triển bền vững và xanh, thì họ có thể mở rộng danh mục các nhà đầu tư tiềm năng.

Mặc dù khái niệm này còn tương đối mới ở Việt Nam, nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp có yếu tố tác động xã hội. Đây sẽ là một điểm cộng lớn và có thể giúp mở rộng khả năng thu hút đầu tư”, bà Đào Hương Lan nói.

Toàn bộ thị trường edtech Việt Nam đang có khoảng hơn 800 sản phẩm, được phát triển bởi hơn 400 công ty khác nhau. Ảnh minh họa
Toàn bộ thị trường edtech Việt Nam đang có khoảng hơn 800 sản phẩm, được phát triển bởi hơn 400 công ty khác nhau. Ảnh minh họa

Ông Phạm Quang Tú, Giám đốc Điều hành Prep - đơn vị gần đây đã gọi vốn thành công 7 triệu USD, cho biết các quỹ đầu tư đã trở nên kỹ lưỡng và chi tiết hơn nhiều. 

“Trước đây, trong các vòng gọi vốn mà tôi từng tham gia vào khoảng năm 2022-2023, nhà đầu tư thường chú trọng đến câu chuyện và tầm nhìn của nhà sáng lập. Nếu họ cảm thấy phù hợp và tin tưởng vào đội ngũ, họ sẽ quyết định đầu tư nhanh chóng”, ông Phạm Quang Tú nói.

“Nhưng trong thời điểm hiện tại, các quỹ đầu tư xem xét kỹ lưỡng hơn. Họ đi sâu vào kiểm tra toàn bộ hồ sơ, sổ sách, giấy tờ tài chính, và đặc biệt là sự minh bạch và tin cậy của công ty. Họ chú ý đến từng chi tiết nhỏ, đảm bảo rằng công ty tuân thủ đúng các quy định, khiến quá trình đầu tư trở nên khắt khe và cẩn trọng hơn rất nhiều”.

Hiện tại, các nhà đầu tư đã thu hẹp danh mục đầu tư của mình và chỉ chọn các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn. Ông Tú cho rằng đây vừa là một cơ hội, vừa là một thử thách cho các doanh nhân khởi nghiệp. 

Khi việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn hơn, các nhà sáng lập và đội ngũ buộc phải suy nghĩ sáng tạo và tìm ra những cách mới để vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, và tạo ra tác động tích cực lớn hơn cho cộng đồng và xã hội. Thời điểm hiện tại cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thực hiện điều này, nhờ vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể và tăng cường khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn.

Hiện nay, toàn bộ thị trường edtech Việt Nam đang có khoảng hơn 800 sản phẩm, được phát triển bởi hơn 400 công ty khác nhau. Theo ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Công ty Edtech Agency, các tổ chức, công ty trên thế giới đã tổ chức một số hội thảo ở thị trường Việt Nam hoặc đang có mối liên kết với các công ty trong nước, chứng tỏ sự quan tâm nhất định của thế giới đến thị trường edtech Việt.