23:26 19/03/2009

Nhận diện “lá chắn” cho nhà đầu tư vàng

Kiều Oanh

Tham gia sàn giao dịch vàng đồng nghĩa với nhà đầu tư chấp nhận một cuộc chơi với mức độ rủi ro lớn

Nhà đầu tư vàng tại sàn SBJ của Sacombank.
Nhà đầu tư vàng tại sàn SBJ của Sacombank.
Tham gia sàn giao dịch vàng đồng nghĩa với nhà đầu tư chấp nhận một cuộc chơi với mức độ rủi ro lớn.

Tuy nhiên, những công cụ bảo vệ nhà đầu tư ở các sàn vàng dường như vẫn chưa nhiều tới mức đủ để giảm thiểu những rủi ro này.

Rủi ro từ mọi phía

Có thể phân loại rủi ro mà nhà đầu tư trên sàn vàng thường xuyên phải đương đầu ra làm bốn loại.

Thứ nhất là rủi ro đến từ biến động giá vàng thế giới. Do chịu tác động cùng lúc từ rất nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, chính trị thế giới, thị trường chứng khoán, tỷ giá đồng USD, giá dầu, tình hình cung cầu, thậm chí cả hoạt động thao túng thị trường vàng quốc tế của những quỹ đầu tư lớn, mà những yếu tố này cũng thường xuyên có những diễn biến bất ngờ, nên dự báo giá vàng không dễ như… dự báo thời tiết.

Phiên giao dịch ngày 18/3 tại thị trường New York là một bằng chứng rõ ràng cho thấy tính “đỏng đảnh” của thị trường vàng thế giới. Ở nửa đầu của phiên giao dịch, giá vàng tiếp tục giảm sâu, kéo dài đà giảm sẵn có của hai phiên trước, khiến không ít nhà đầu tư tin chắc thị trường vàng có thể lặp lại chuỗi ngày giảm giá lên tới 8 phiên liên tục cách đây ít lâu. Nhưng ngay sau đó, từ mức đáy 882,8 USD/oz, giá vàng lại tăng vọt lên 950,6 USD/oz.

Thứ hai là rủi ro từ giá vàng trong nước. Hiện nay, một số sàn giao dịch vàng có giá khớp lệnh bám sát giá vàng thị trường tự do, nhưng một số sàn lại có giá khớp lệnh bám sát giá vàng thế giới. Trong khi đó, thị trường vàng trong nước tạm thời ở trạng thái không liên thông với thị trường thế giới (nhập khẩu vàng chưa được cấp phép trở lại), nên giữa giá vàng trong nước và thế giới nhiều khi có những biến động “lệch pha”, khiến các nhà đầu tư không biết đâu mà lần.

Rủi ro thứ ba đến từ chính… bản thân các nhà đầu tư. Tương tự như trên các sàn giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư tham gia sàn vàng thuộc rất nhiều đối tượng, từ các nhà đầu tư gạo cội từ thị trường chứng khoán chuyển sang, công chức, buôn bán nhỏ, tới những bà nội trợ, các cụ hưu trí… Nhiều nhà đầu tư trong số này chỉ lên sàn chơi theo cảm tính và phong trào, chứ hầu như không có kinh nghiệm hay kiến thức gì nhiều về thị trường vàng.

Anh T., chủ một tiệm vàng nhỏ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho hay, trước đây, anh đã từng thua lỗ khá nặng trên thị trường chứng khoán. Khi các sàn vàng mở ra, anh chuyển sang đầu tư vàng trên sàn với hy vọng tìm lại số vốn đã mất, nhưng ngay lập tức vấp phải thua lỗ do thiếu kinh nghiệm. “Chơi vàng trên sàn, lãi vừa vừa, lỗ đậm là chuyện phổ biến”, anh T. nói.

Rủi ro thứ tư đến từ phía các sàn giao dịch. Những sự cố như trục trặc kỹ thuật, nghẽn mạng, sập sàn… hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chỉ cần vài phút sàn vàng ngừng giao dịch, giá vàng thế giới đã có thể đổi chiều từ tăng sang giảm và ngược lại, làm mất đi cơ hội chốt lãi hoặc cắt lỗ của nhà đầu tư.

Cách đây chưa đầy một năm, sự cố sập sàn đã xảy ra vài lần ở sàn vàng ACB, khiến các nhà đầu tư “khóc dở mếu dở”. Khoảng hơn 1 tháng trước, sàn vàng Phương Nam thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam cũng xảy ra sự cố sập mạng.

Thêm vào đó, hiện nay số lượng các sàn vàng đang ở thời kỳ nở rộ, khiến không ít người ví von “ra ngõ gặp… sàn vàng”. Trong số này, có những sàn vàng do các ngân hàng lớn thành lập như sàn ACB, sàn SBJ của Sacombank, sàn SJC-Eximbank của ngân hàng Eximbank... có không ít các sàn vàng quy mô nhỏ do các công ty chứng khoán lập nên.

Giả sử vì một sự cố nào đó, các nhà đầu tư giao dịch trên sàn đồng loạt muốn rút vàng miếng, không rõ liệu những sàn vàng “hẻo” vốn có đủ vàng để trả cho nhà đầu tư?

Đi tìm “lá chắn”

Vậy trong cuộc chơi đầy may rủi này, nhà đầu tư trên sàn vàng được trang bị những loại “lá chắn” nào?

Ở hai rủi ro đầu tiên trong phân tích ở trên, có lẽ nhà đầu tư phải tự mình bảo vệ mình qua việc trang bị kiến thức, học hỏi kinh nghiệm. Đảo qua một số sàn vàng, có thể thấy, nhiều nhà đầu tư lên sàn với máy tính xách tay, thường trực trên đó là các website về thị trường vàng quốc tế, các trang thông tin tài chính hàng đầu như Bloomberg, Reuters, CNBC… Tuy nhiên, cũng không ít nhà đầu tư liều lên sàn ở tư thế “tay không bắt giặc”.

Hiện nay, các sàn giao dịch vàng đều cung cấp cho các nhà đầu tư rất nhiều thông tin bổ trợ như các chỉ số kinh tế quan trọng sẽ công bố trong ngày, diễn biến giá dầu, tỷ giá USD, những trang kiến thức cơ bản về vàng và giao dịch vàng. Một số sàn vàng lớn như Eximbank, SBJ… đã ra bản tin tư vấn thị trường vàng hàng ngày. Sàn SBJ mới thành lập nhưng đã có một cuốn cẩm nang “Đầu tư vàng” dành cho các nhà đầu tư.

Về rủi ro đến từ phía các sàn vàng, có lẽ cần nhất lúc này là một quy chế để đưa giao dịch trên các sàn vàng vào khuôn khổ. Tuy nhiên, quy chế cho sàn giao dịch vàng vẫn đang trong quá trình được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khác gấp rút soạn thảo và sẽ sớm được ban hành.

Hy vọng, với những quy định về vốn pháp định của sàn vàng, tỷ lệ đặt cọc, trách nhiệm và nghĩa vụ của sàn vàng và nhà đầu tư… được thiết lập ở mức phù hợp và áp dụng chung, quy chế sàn vàng khi được ban hành sẽ hỗ trợ nhà đầu tư nhiều hơn so với khi các sàn vàng mỗi nơi áp dụng một kiểu quy chế riêng như hiện nay.

Tuy nhiên, có thể thấy, do sức ép cạnh tranh đến từ thực trạng “nhà nhà mở sàn vàng”, nhiều sàn giao dịch thời gian qua đã và đang tung ra những công cụ hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Với mức phí giao dịch phổ biến 2.000 đồng/lượng (bên bán và bên mua cùng phải trả phí), các nhà đầu tư cũng đang được hưởng những dịch vụ “đáng đồng tiền bát gạo” hơn.

Chẳng hạn, nhiều sàn giao dịch vàng đang kéo dài thời gian giao dịch sang buổi tối, thời gian giá vàng thế giới có nhiều biến động nhất, như sàn SJC-Eximbank có thời gian giao dịch kéo dài tới 20h, hoặc mở thêm phiên tối từ 18h đến 23h như sàn SBJ...

Ngoài ra, những công cụ khác như lệnh chốt lời và lệnh cắt lỗ đã được nhiều sàn vàng áp dụng. Sàn SBJ của Sacombank hiện đang còn dự kiến áp dụng biên độ giá +/-1% so với giá tham chiếu đầu ngày và giá khớp lệnh gần nhất trong phiên, nhằm giúp nhà đầu tư hạn chế thua lỗ.