16:24 05/01/2010

Nhập siêu: 12 đồng hàng hoá, 1 đồng dịch vụ

Khi hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu, một số lĩnh vực sẽ khó lòng cạnh tranh hơn nếu chỉ dựa vào lợi thế giá và nhân công

Tàu du lịch năm sao đưa khách quốc tế đến Việt Nam, tỷ trọng doanh thu của phía Việt Nam rất thấp trong gói tour này - Ảnh: Trần Việt Đức.
Tàu du lịch năm sao đưa khách quốc tế đến Việt Nam, tỷ trọng doanh thu của phía Việt Nam rất thấp trong gói tour này - Ảnh: Trần Việt Đức.
Khi hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu, một số lĩnh vực sẽ khó lòng cạnh tranh hơn nếu chỉ dựa vào lợi thế giá và nhân công.

Ngoài 12,2 tỉ USD nhập siêu hàng hoá trong năm qua, Việt Nam còn nhập siêu dịch vụ 1,071 tỉ USD, tăng 17% so với năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ của cả năm 2009 ước đạt hơn 6,8 tỉ USD.

Vận tải biển: Yếu trên sân nhà

Trong cơ cấu nhập khẩu dịch vụ, cước phí vận tải và bảo hiểm hàng nhập khẩu chiếm 52,3%. Hơn 20 năm qua, Việt Nam theo mô hình phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu. Có lợi thế 3.260km bờ biển, lượng hàng hoá xuất nhập khẩu năm 2009 khoảng 144 tỉ USD, trong đó 80% là vận tải bằng đường biển.

Tuy vậy, đội tàu biển Việt Nam mới chiếm 20% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, theo báo cáo phân tích ngành vận tải Việt Nam năm 2009 của tổ chức Business Monitor Intelligence (BMI).

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân vận tải biển Việt Nam thua sút có phần do thói quen bán theo FOB, mua CIF của các doanh nghiệp trong nước. Từng có những khuyến khích nặng tính bảo hộ như hỗ trợ miễn giảm thuế cho hàng xuất khẩu nếu sử dụng tàu của Việt Nam, nhưng thị trường vẫn có các quy tắc sàng lọc được các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, khả năng cạnh tranh thấp.

Cho dù doanh nghiệp xuất, nhập khẩu từ bỏ thói quen mua CIF bán FOB, thì đội tàu biển 17 tuổi như của Việt Nam hiện nay vẫn khó cạnh tranh được, bởi chi phí bảo hiểm cho tàu càng già sẽ càng lớn. Chưa kể tới năng lực vận tải của đội tàu trong nước vẫn còn thấp. Trọng tải trung bình của đội tàu Việt Nam hiện nay là hơn 5,5 ngàn tấn, trong khi của Thái Lan là trên 6,5 ngàn tấn và của Trung Quốc là 12 ngàn tấn, theo số liệu phân tích của Công ty Chứng khoán Phố Wall.

Do khó tìm được nguồn hàng, doanh nghiệp vận tải buộc phải kiếm sống bằng cho thuê định hạn. Điều này chứng tỏ chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trên các con tàu không phải yếu mà do năng lực khai thác và quản trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Thua sút trong thị trường vận tải, doanh nghiệp trong nước cũng thua kém trong việc phát triển dịch vụ hậu cần vận tải, với thứ hạng 53 trong tổng số 150 nước về chỉ tiêu đánh giá dịch vụ logistic.

Vì vậy, để giảm dần tỷ trọng nhập siêu dịch vụ, chìa khoá không chỉ nằm trong tay doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải mà cần có sự chung tay của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng. Trong môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu như vận tải biển, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh được ở mức độ quy mô và khả năng vận hành mạng lưới vận tải một cách chuyên nghiệp. Khi quyền quyết định mở các điểm trung chuyển phụ thuộc vào các hãng tàu lớn thì doanh nghiệp nhỏ khó lòng chen chân.

Du lịch: Hiệu quả thấp

So với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch năm 2009 đạt 3,05 tỉ USD, chiếm 52,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Điều đáng nói là doanh thu xuất khẩu dịch vụ du lịch giảm nhiều hơn so với mức độ suy giảm lượng khách đến. Trong khi lượng khách ước đạt 3,8 triệu lượt, giảm 10,9% thì doanh thu xuất khẩu dịch vụ du lịch giảm 22,4%.

Việc doanh thu giảm mạnh hơn lượng khách cho thấy hiệu quả khai thác dịch vụ của ngành được mệnh danh là công nghiệp không khói chưa thật cao. Báo cáo về lữ hành và du lịch Việt Nam phát hành tháng 12.2009 của EuroMonitor Intelligence nhận xét, trong khi nhu cầu du lịch và lữ hành tăng nhanh trong những năm gần đây, hạ tầng của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Để thấy rõ hơn điểm yếu của du lịch Việt Nam, có thể dựa vào báo cáo đánh giá chỉ số cạnh tranh về lữ hành và du lịch Việt Nam do diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cuối quý 1 năm ngoái. Trong 140 nước và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 96 về năng lực cạnh tranh trong ngành du lịch.

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam, theo báo cáo trên, là giá rẻ, xếp thứ bảy trong 140 nước, lãnh thổ. Các lợi thế cạnh tranh gồm có khả năng phát triển du lịch bền vững, ít ô nhiễm, chính sách ổn định, mạng lưới giao thông, tài nguyên về cảnh quan, thiên nhiên. Trong khi đó, chất lượng về hạ tầng giao thông, số lượng phòng khách sạn không đủ đáp ứng nhu cầu, tai nạn giao thông, chất lượng nguồn nhân lực đã làm giảm khả năng thu hút khách của Việt Nam.

Tuy có được lợi điểm về di sản văn hoá, nhưng Việt Nam cũng mất điểm trong lĩnh vực này do thiếu các sự kiện triển lãm văn hoá hay hội chợ tầm cỡ quốc tế, theo đánh giá của WEF.

Câu chuyện nhập siêu dịch vụ cho thấy, nhân công giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần vai trò lợi thế cạnh tranh và trong đó, bài toán quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực.

Quốc Khánh (SGTT)