07:00 17/08/2023

Nhật Bản dẫn đầu làn sóng khởi nghiệp deep tech

Bảo Ngọc

Sự kiện KANSAI Startup Night Vol.4 gần đây đã chính thức giới thiệu các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu (deep tech) ở khu vực Kansai (Nhật Bản) theo kế hoạch phát triển khởi nghiệp đầy tham vọng của đất nước…

Tháng 11/2022, Nhật Bản đã công bố "Kế hoạch 5 năm phát triển khởi nghiệp". Sáng kiến quốc gia đầy tham vọng nhằm mục đích đầu tư 10.000 tỷ ¥ (gần 70 tỷ USD) vào các công ty khởi nghiệp, dự kiến tạo ra 100.000 startup và thúc đẩy 100 kỳ lân vào năm 2027. 

Theo KrASIA, trọng tâm của Nhật Bản là các công ty công nghệ sâu có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Trong 5 năm tới, Nhật Bản đặt mục tiêu có những bước tiến đáng kể tại lĩnh vực này.

Đặc biệt, khu vực Kansai là nơi quy tụ nhiều công ty, trường đại học và viện nghiên cứu công nghệ hàng đầu Nhật Bản. Chính phủ cũng như các trường đại học khu vực Kansai đã phát triển nhiều chương trình hỗ trợ nhà khởi nghiệp, không chỉ dành cho doanh nhân Nhật Bản mà còn cho cả đối tác nước ngoài. Đối với nhiều doanh nghiệp, đầu tư và hợp tác với startup công nghệ sâu khu vực Kansai là một cơ hội đầy hứa hẹn.

Nhiều công ty trong số này sở hữu năng lực công nghệ cao, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như già hóa dân số và biến đổi khí hậu, không chỉ đạt được thành công ở Nhật Bản mà còn bắt đầu hình thành mối quan hệ đối tác tích cực với một số công ty nước ngoài.

CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP NỔI BẬT

Glafit

Glafit - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Wakayama đặt tham vọng trở thành nhà sản xuất xe thế hệ tiếp theo hàng đầu Nhật Bản. 

Vào tháng 7/2023, luật giao thông đường bộ sửa đổi Nhật Bản đã giới thiệu phương tiện "xe cơ giới loại nhỏ trong danh sách chỉ định", không yêu cầu giấy phép và dành cho người từ 16 tuổi trở lên.

Trong danh mục mới này, các phương tiện di động kiểu kickboard (ván trượt) đã thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, xe của Glafit không hoàn toàn giống như ván trượt, mang lại cảm giác thoải mái và ổn định với phần ghế ngồi được bổ sung. Những đặc điểm này giúp sản phẩm trở nên phù hợp với xã hội già hóa Nhật Bản.

Tại đất nước mặt trời mọc, khoảng 600.000 người cao tuổi tự nguyện nộp lại bằng lái xe mỗi năm do lo ngại về an toàn. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng, sau khi từ bỏ giấy phép, những cá nhân này vẫn thấy khó khăn trong việc di chuyển. Mặc dù xe đạp là một lựa chọn, nhưng chúng có thể gây rủi ro cho người cao tuổi bởi các vấn đề về thăng bằng. Xe của Glafit là một phương tiện di động điện không bàn đạp, được coi là một giải pháp thay thế phương tiện an toàn.

Thị trường xe cơ giới loại nhỏ toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 7.000 tỷ ¥ (gần 50 tỷ USD) vào năm 2023 lên 15.000 tỷ ¥ (hơn 100 tỷ USD) vào năm 2027, nổi bật là các startup trên khắp Đông Nam Á và Trung Quốc, thu hút nhà đầu tư toàn cầu.

NUProtein

NUProtein có trụ sở tại Kobe, một thành phố nổi tiếng về ngành y tế, điều hành các phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Hyogo và Tokushima. Là một liên doanh sinh học, công ty chuyên sản xuất hàng loạt protein tái tổ hợp hiệu quả về chi phí, an toàn và nhanh chóng. Tận dụng thế mạnh, NUProtein mong muốn đóng góp sản phẩm cho các ngành công nghiệp khác nhau bao gồm thịt nhân tạo, dược phẩm và năng lượng sinh khối. Đặc biệt, công ty giải quyết được các vấn đề xã hội như giảm khí nhà kính và thiếu lương thực do gia tăng dân số bằng cách cung cấp cho các nhà sản xuất thịt nhân tạo protein có nguồn gốc từ gạo biến đổi gen, OmnivoRice™.

Theo nhà sáng lập Masataka Minami, một thách thức đáng kể với thịt nhân tạo là chi phí protein chức năng cao. Để sản xuất một tấn thịt nhân tạo cần 607 gram protein chức năng, theo ước tính con số này có thể tiêu tốn 970 triệu ¥ (gần 7 triệu USD). Tuy nhiên, với việc công ty thực hiện sáng kiến trồng cây lúa lùn và cải thiện năng suất trên mỗi khu vực, chi phí này có thể giảm xuống còn 1,4 triệu ¥ (gần 10.000 USD).

NUProtein cũng đã thành lập liên minh kinh doanh với UmamiMeats, một công ty tiên phong có trụ sở tại Singapore trong việc phát triển hải sản nhân tạo.

C4U

C4U là công ty liên doanh công nghệ sinh học từ Đại học Osaka, tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ chỉnh sửa bộ gen hoàn toàn mới. Sử dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gen tiên tiến được phát minh trong nước, CRISPR-Cas3, C4U mở ra hướng đi tích cực cho nhiều phương pháp chữa trị bệnh khác nhau bao gồm cả một số bệnh di truyền. 

Vào tháng 5 năm nay, C4U đã huy động được tổng cộng 1,5 tỷ ¥ (khoảng 1 triệu USD) trong vòng gọi vốn Series B, dẫn đầu bởi DCI Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm lĩnh vực dược phẩm và y học tái tạo, cùng với 6 nhà đầu tư khác.

Nền tảng chỉnh sửa bộ gen của C4U được dự đoán sẽ có những đóng góp đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, dược phẩm, chẩn đoán, liệu pháp gen, công nghệ sinh học, nông nghiệp và sinh khối.

Với một công nghệ tương đương CRISPR-Cas9 đạt giải Nobel vào 3 năm trước, C4U có kế hoạch nỗ lực theo đuổi hợp tác kinh doanh với các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học lớn tại Đông Nam Á và Trung Quốc.

Total Brain Care

Total Brain Care được thành lập vào năm 2015 với mục đích phát triển và cung cấp CogEvo, một hệ thống dựa trên đám mây hỗ trợ đo lường và đào tạo chức năng nhận thức của con người. 

Theo chủ tịch Total Brain Care Shinsuke Kawagoe, mặc dù cong người có thể sống tới 100 năm nhưng khả năng nhận thức bắt đầu suy giảm dần sau khi đạt đỉnh ở tuổi 40. Duy trì chức năng nhận thức là điều cần thiết để đảm bảo hiệu suất công việc và mang lại cuộc sống thoải mái khi về già. 

Cho đến nay, thị trường chỉ ra mắt các công cụ chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ. Ngược lại, CogEvo cho phép người dùng theo dõi chức năng nhận thức theo thời gian thông qua các trò chơi đơn giản, hấp dẫn.  Hệ thống có thể tự động tạo báo cáo kết quả và chia sẻ dữ liệu với bác sĩ điều trị hoặc thành viên gia đình.

Toyota, ông lớn ngành vận tải nổi tiếng với cam kết quản lý sức khỏe của nhân viên, đã bắt đầu thiết lập hệ thống đo lường chức năng nhận thức khi tất cả nhân viên đến tuổi 36.