10:07 09/05/2007

Nhiệm vụ cấp bách của ADB là xóa đói nghèo

Quốc Trung

Hội nghị thường niên của ADB vừa kết thúc tại Kyoto (Nhật Bản) sau 4 ngày làm việc

Khu vực châu Á- Thái Bình Dương vẫn còn khoảng 600 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ.
Khu vực châu Á- Thái Bình Dương vẫn còn khoảng 600 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ.
Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã kết thúc tại Kyoto (Nhật Bản) ngày 7/5, sau 4 ngày làm việc.

Đại biểu các nền kinh tế thành viên dự hội nghị đều kêu gọi ADB tiếp tục xác định xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính; ủng hộ chiến lược của ADB mở rộng vai trò mới do sự phát triển nhanh chóng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng các nước vẫn bất đồng về việc cải tổ ADB.

Hội nghị của ADB lần này thu hút 3.000 đại biểu đến từ 67 quốc gia thành viên tham dự; thảo luận một loạt vấn đề, như bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những thách thức về thị trường, hội nhập kinh tế, năng lượng sạch, nguồn vốn tư nhân, giảm đói nghèo, vấn đề môi trường...

Bất đồng về việc cải tổ ADB

Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda khẳng định lập trường của ADB tiếp tục đấu tranh chống đói nghèo, đặc biệt là tại những nước có thu nhập thấp, đồng thời ủng hộ lập trường mở rộng hơn nữa vai trò của tổ chức này. Ông cũng nhấn mạnh rằng ADB sẽ phải đối phó với "những thách thức nghiêm trọng mới nổi lên" như sự phát triển và đổi mới công nghệ, sự hội nhập ngày càng sâu sắc của khu vực. Lập trường này của Chủ tịch ADB đã được hầu hết các nền kinh tế thành viên của ADB ủng hộ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koji Omi cho biết, khu vực châu Á- Thái Bình Dương vẫn còn khoảng 600 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ, do đó, nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của khu vực là giảm đói nghèo.

Tuy nhiên, kết thúc hội nghị, các quốc gia thành viên vẫn bất đồng ý kiến xung quanh việc cải tổ ngân hàng này để tương ứng với các nền kinh tế châu Á đang ngày càng phát triển. Một số nước thành viên hối thúc ADB theo kịp những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của khu vực, trong khi một số khác cảnh báo rằng thay đổi quá nhiều sẽ bỏ rơi những quốc gia nghèo nhất của châu Á. Các nước thành viên cũng bất đồng về việc ADB có nên tập trung vào hòa nhập khu vực, các vấn đề môi trường, những bất bình đẳng ngày càng lớn giữa các nước giàu và nghèo hay việc làm thế nào để khai thác kho dự trữ ngoại tệ và tiền tiết kiệm khổng lồ của châu Á.

Cuộc tranh cãi về cải tổ ngân hàng là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của ADB. Những kiến nghị về cải tổ ADB bao gồm việc tập trung hơn nữa vào sự tăng trưởng bền vững, chú trọng sự phát triển thân thiện với môi trường, và thu hút nguồn vốn của châu Á thay vì các quỹ ngoài châu lục. Theo Chủ tịch ADB Kuroda, sự tăng trưởng kinh tế của châu Á đưa khu vực thoát khỏi nghèo đói, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng, điều này "đe dọa sự gắn kết xã hội và đe dọa chính tiến trình tăng trưởng".

Trong khi đó, hạ tầng cơ sở bị quá tải của khu vực cần khoản đầu tư mới hơn 3 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới chỉ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Kuroda cho rằng trong bối cảnh châu Á đang biến đổi từ một khu vực đi vay nợ thành một câu lạc bộ giàu có với khoảng 3,1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, đã tới lúc châu Á phải huy động chính nguồn vốn của mình để đáp ứng những nhu cầu này.

Theo đuổi chính sách thân thiện với môi trường

Các vấn đề môi trường cũng là chủ đề trọng tâm bàn thảo tại hội nghị lần này. Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Chủ tịch ADB Kuroda cam kết theo đuổi các chính sách "thân thiện với môi trường" và tiếp tục phát triển các dự án cải thiện môi trường. Theo ông, ô nhiễm môi trường đang nổi lên như một trong những thách thức gay gắt nhất đối với các nước châu Á, khu vực đang có các nền kinh tế phát triển mạnh. Các nước khu vực cần tập trung nỗ lực để giải quyết vấn đề này.

Giám đốc ADB phụ trách chính sách năng lượng Woo Chong Um cho biết, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho các nước châu Á là hướng chính của ADB nhằm xóa đói nghèo ở khu vực này. Theo ông Um, ADB sẽ đẩy mạnh các dự án phát triển nguồn năng lượng thay thế, như năng lượng mặt trời, đồng thời khuyến khích các nước xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện mới môi trường nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường.

Các nhà hoạt động môi trường đã yêu cầu ADB chi nhiều tiền hơn để phát triển công nghệ năng lượng sạch thay thế việc ủng hộ các dự án dùng nhiên liệu than. Hiện ADB chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho các dự án phát triển năng lượng sạch, nhưng chưa có kế hoạch ngừng tài trợ cho các dự án khai thác than đá, loại nhiên liệu kinh tế đối với các nước châu Á. Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koji Omi đã công bố kế hoạch của Nhật Bản đóng góp 100 triệu USD để ADB thành lập Quỹ năng lượng sạch của châu Á nhằm đối phó với sự ấm lên của trái đất và Quỹ tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.