12:07 05/02/2024

Nhiều CEO công nghệ chỉ trích chính sách mới trên App Store của Apple là “bước thụt lùi”

Sơn Trần

Mới đây, Apple đã thay đổi chính sách App Store nhằm tuân thủ bộ quy định mới của EU về nền tảng kỹ thuật số. Một vài ông lớn trong ngành chỉ trích đây là “bước thụt lùi” của hãng...

Chính sách mới trên App Store được cập nhật nhằm tuân thủ quy định của Liên minh Châu Âu đang hứng chịu làn sóng phản ứng dữ dội. Nhiều CEO cho rằng Apple đang cố tìm cách thu lợi từ những điều khoản không rõ ràng trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), theo Yahoo Finance.

Trong quá khứ, Apple và một số đại gia công nghệ khác được ví như "người gác cổng". Theo lý thuyết, hãng phải tuân thủ quy định thúc đẩy cạnh tranh trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, Apple lại cố gắng lách luật, bằng cách áp đặt mức thuế cao hơn với nhà phát triển bên thứ ba.

Quy định mới của EU buộc Apple phải mở cửa cho các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba, tương tự như nền tảng Windows 11. Trên Windows 11, bất kỳ ai cũng có thể tạo, bán ứng dụng mà không phải trả phí cho Microsoft. Đối với Android cũng vậy, tuy nhiên, Google hạn chế ứng dụng và dịch vụ bên thứ ba hiển thị ở vị trí ưu tiên. Hãng kiểm soát chặt chẽ ứng dụng và dịch vụ mặc định trên nền tảng. 

Ngoài ra, EU cũng buộc Google phải hỏi ý kiến người dùng trước khi đặt công cụ tìm kiếm của hãng làm mặc trên trên thiết bị điện thoại mới.

Nhưng Apple là trường hợp hoàn toàn khác, hãng đã chặn hầu hết dịch vụ mua bán ứng dụng như Xbox Game Pass và NVIDIA GeForce Now. Có lẽ Apple cho rằng công ty sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn để kiếm tiền từ người dùng ứng dụng nếu họ có thêm nhiều lựa chọn thay thế trên nền tảng. 

Hiện, Microsoft đang nỗ lực phát triển ứng dụng và cửa hàng trò chơi dành riêng cho hệ điều hành iOS cũng như Android với hy vọng Ủy ban Châu Âu cho phép hoạt động. Đáng buồn thay, có vẻ như Apple đã tìm ra cách để tránh tuân thủ đầy đủ quy định.

CÁC CEO LÊN TIẾNG CHỈ TRÍCH

Chủ tịch Microsoft Gaming Sarah Bond nhận định chính sách mới của đại gia công nghệ là "bước đi sai hướng" và kêu gọi Apple "lắng nghe phản hồi" nhiều hơn. Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Spotify Daniel Ek chỉ trích Apple luôn có "hành vi xấu" trong nhiều năm qua.

"Theo điều khoản mới, nếu chúng tôi ở lại App Store và chuyển sang cung cấp phương thức thanh toán riêng biệt, chúng tôi sẽ phải trả mức hoa hồng 17% và khoản phí trị giá 0,5 EURO cho mỗi lần cài đặt trong năm sau khi cán mốc 1 triệu lượt download", CEO Ek tiếp tục, "Điều này tương đương với việc chúng tôi phải đối mặt với tình trạng tương tự hoặc thậm chí tệ hơn khi áp dụng bộ quy tắc cũ. Và nếu chúng tôi xóa ứng dụng khỏi App Store và chỉ sử dụng cửa hàng ứng dụng thay thế, một số khoản phí vẫn tồn tại. Vì vậy, chúng tôi phải trả tiền cho mỗi lần cài đặt hoặc cập nhật ứng dụng, ngay cả đối với những người không còn sử dụng dịch vụ nữa, từ đó chi phí mua lại khách hàng có thể tăng gấp nhiều lần so với hiện tại”.

Mozilla, Epic Games và nhiều công ty khác đồng loạt chỉ trích Apple về bộ quy tắc mới, cho rằng bản cập nhật quy định tạo ra nhiều rào cản, thách thức và thuế ẩn cho nhóm nhà phát triển đang nỗ lực xây dựng ứng dụng không phụ thuộc vào hệ sinh thái Apple. 

DMA của EU cũng quy định Apple phải cho phép các công cụ trình duyệt thay thế hoạt động trên iOS. Tuy nhiên, Apple đang cố gắng gây khó khăn cho nhiều công cụ trình duyệt bên thứ ba như Chromium với một loạt rào cản khắc nghiệt. Rõ ràng, đề xuất của Apple không mang đến cho người dùng lựa chọn khả thi bằng cách khiến những trình duyệt thay thế trở nên phức tạp, khó thao tác. 

Giám đốc Điều hành Epic Games kiêm đồng sở hữu trò chơi phổ biến Fortnite cũng chỉ trích Apple, "Việc độc quyền quyết định công ty nào được phép cạnh tranh và đưa ra một loạt điều khoản khắt khe, Apple đang nhạo báng thị trường tự do".

TUÂN THỦ “CHO CÓ”

Lập trường phản cạnh tranh lâu đời của Apple đã biến hãng trở thành công ty giàu có bậc nhất trong vài thập kỷ qua, từ đó xây dựng hệ sinh thái toàn diện mang lại nhiều trải nghiệm phụ ẩn đằng sau lý do muôn thuở "quyền riêng tư".

Khoản phí hoa hồng của Apple đối với nhà phát triển và gánh nặng tuân thủ quy định khiến ngay cả những công ty lớn nhất cũng không thể cạnh tranh với dịch vụ mặc định hãng sở hữu, mang lại lợi thế hoàn toàn không công bằng cũng như làm “xói mòn” cảm xúc nhóm người dùng sẵn sàng trải nghiệm một số dịch vụ thay thế. Ví dụ, nếu bạn đăng ký tài khoản trên NVIDIA GeForce Now hoặc Xbox Game Pass, Apple không muốn bạn có quyền truy cập vào các dịch vụ đó trên nền tảng của hãng, nhưng cũng không cung cấp được tính năng tương tự.

Nhiều chuyên gia nhận định hành vi của Apple làm giảm sự lựa chọn của người tiêu dùng đồng thời gia tăng giá thành và kìm hãm đổi mới.