Nhiều đề xuất, kiến nghị nóng về thuế - hải quan từ doanh nghiệp
Các vấn đề như quy định hàng xuất nhập khẩu tại chỗ, trần chi phí lãi vay ở mức 20% nhận được nhiều ý kiến từ doanh nghiệp
Thuế và hải quan được đánh giá là hai lĩnh vực đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn còn gặp quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất - kinh doanh.
Ngày 27/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018.
Chưa hướng dẫn rõ thuế đối với xuất nhập khẩu tại chỗ
Dù có nhiều cải cách của cơ quan thuế, hải quan thời gian qua nhưng hội nghị vẫn nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Là doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực dệt, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH dệt Pacific Crystal cho biết, doanh nghiệp đang gặp vướng mắc khi Tổng cục Hải quan ra văn bản số 5826 ngày 5/10 yêu cầu các cơ quan hải quan ấn định thuế nhập khẩu và tính tiền chậm nộp với doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tại chỗ.
Bản thân Pacific Crystal có nhập khẩu nguyên liệu về, sản xuất vải và giao nội địa cho doanh nghiệp gia công tại Việt Nam để doanh nghiệp này tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài. Theo Nghị định 134/CP thì hình thức xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế nhập khẩu, theo bà Phương, quy định này chưa hợp lý, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, về cơ sở pháp lý, Nghị định 08/2015/CP, Chính phủ quy định chi tiết hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ, luật cũng quy định miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu... Ở đây là do sự không thống nhất rõ ràng của các văn bản pháp lý.
Bên cạnh đó, việc không miễn thuế xuất khẩu tại chỗ này gây bất lợi cho doanh nghiệp dệt may và nền kinh tế. Quy định không miễn thuế xuất khẩu tại chỗ làm tăng chi phí doanh nghiệp, kéo dài thời gian lưu thông, tăng thời gian thủ tục chờ đợi, tăng thủ tục hải quan.
Vì nếu vậy, vải của doanh nghiệp sản xuất ra phải xuất khẩu ra nước ngoài, sau đó mới được nhập khẩu trở lại. Với quy định miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu - chính điều này không khuyến khích doanh nghiệp trong nước sử dụng hàng hóa trong nước, không khuyến khích doanh nghiệp có hoạt động phụ trợ tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã xin ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 134/CP hướng dẫn về Luật Thuế Xuất nhập khẩu, trong đó vấn đề rất lớn là chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ. Nghị định 134/CP hướng dẫn Luật Thuế Xuất nhập khẩu có hiệu lực 1/9/2016, trong đó lại chưa hướng dẫn rõ thuế đối với xuất khẩu tại chỗ thế nào và thuế nhập khẩu tại chỗ thế nào. Vì thế, Tổng cục Hải quan – Cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, để đảm bảo chặt chẽ nên đã ra văn bản 5826.
Sau khi có văn bản của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp. Bộ đang nghiên cứu với xuất khẩu tại chỗ cũng là hình thức xuất khẩu và cũng được miễn thuế và hướng dẫn rõ ở nghi định sửa đổi Nghị định 134/CP. Còn nhập khẩu tại chỗ có chịu thuế không, trong Luật Thuế Xuất nhập khẩu đã quy định rõ nhập khẩu tại chỗ vẫn chịu thuế như các hình thức nhập khẩu khác và thuế suất ưu đãi đặc biệt...
Bất cập khống chế lãi vay 20%
Bên cạnh lĩnh vực thuế, Nghị định 20/CP cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20/CP là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia nhưng trên thực tế lại ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con.
Cụ thể, đại diện Vingroup chia sẻ, tập đoàn này đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp nặng. Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận, do đó toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, các dự án không thể vay vốn ngân hàng được mà chủ yếu thông qua công ty mẹ nên chi phí lãi vay của công ty mẹ lớn.
Vì thế, việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế. Do đó, vị đại diện doanh nghiệp kiến nghị được tiếp tục thực hiện tính toán chi phí không trừ theo luật hiện hành, tạm thời chưa áp dụng Nghị định 20/CP. Đồng thời đề xuất sửa Nghị định 20/CP cho phù hợp với thực tiễn.
Đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng đồng tình cho rằng, Nghị định 20/CP không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cụ thể như, Công ty chứng khoán Vietcombank - VCBS chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, hoạt động chuyển giá hoàn toàn gần như không thể nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20% và sau khi loại chi phí vượt quá thì phải kê khai nộp thuế bổ sung là không phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế đánh giá, tỷ lệ khống chế 20% lãi vay trên lợi nhuận thuần là hoàn toàn hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế; tuy nhiên, với điều kiện cụ thể của Việt Nam cần xem xét lại. Theo bà Cúc, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định mức khống chế vốn mỏng, khống chế lãi vay với các doanh nghiệp nên vô hình trung chúng ta quy định tỷ lệ khống chế lãi vay 20% áp dụng với những đơn vị có giao dịch liên kết là chưa thực sự phù hợp.
"Ở Việt Nam có nhiều tập đoàn, tổng công ty có cùng một thuế suất thu nhập doanh nghiệp, khả năng chuyển giá gần như là không có, vì thế trong trường hợp họ không được ưu đãi thuế thì việc khống chế tỉ lệ lãi vay đa hợp lý chưa?", bà Cúc đặt câu hỏi.