12:00 09/05/2022

Nhiều người tiêu dùng Việt đang tiếp tay cho hàng giả?

Hoàng Việt - Đức Long

Năm 2021, các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp rất nhiều khó khăn do việc kinh doanh, sản xuất bị đình đốn, ế ẩm vì Covid -19. Nhưng ở chiều ngược lại, vấn nạn hàng nhái, hàng giả, buôn lậu vẫn “phát triển” như nấm sau mưa.

Ở phần nổi của tảng băng hàng giả, hàng nhái, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.

Ngoài các mặt hàng buôn lậu “truyền thống” như thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... tình trạng hàng điện tử, hàng tiêu dùng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ cũng được buôn bán đánh về ồ ạt từ các tỉnh biên giới phía bắc, sau đó chia nhỏ và tiêu thụ tràn lan trên thị trường nội địa.

Mới đây nhất, quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ một cơ sở sản xuất sạc điện thoại Samsung giả với số lượng rất lớn, tuy nhiên công nghệ sản xuất hàng giả mà các đối tượng này áp dụng khiến rất nhiều người bất ngờ.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sau thời gian trinh sát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng quản lý thị trường đã đột kích kiểm tra và phát hiện cơ sở kinh doanh Đức Hải, địa chỉ 141 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đang lắp ráp, gia công hàng chục ngàn sản phẩm là sạc điện thoại, ipad in thương hiệu Samsung.

Đáng chú ý, toàn bộ bo mạch, vỏ sạc dùng để lắp ráp là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, có 3 nhân viên đang sử dụng các thiết bị, công cụ, máy móc thô sơ để gia công, lắp ráp các bo mạch vào các vỏ sạc điện thoại, ipad. Mỗi một sạc điện thoại thành phẩm, cơ sở bán ra với giá từ 25.000 - 30.000 đồng thông qua hình thức bán trực tiếp hoặc bán online trên các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cơ sở này còn thu gom các bo mạch đã hỏng sau đó về sửa chữa, gia công, lắp ráp, hô biến thành hàng mới, chính hãng. Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng (sinh năm 1983), chủ cơ sở kinh doanh, toàn bộ số bo mạch, vỏ sạc được thu mua trôi nổi trong các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội facebook hoặc thông qua các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, việc lắp ráp, gia công các loại sạc từ những linh kiện, thiết bị trôi nổi trên thị trường hết sức nguy hiểm cho người dùng, dễ gây cháy nổ và nhiều hệ lụy khác.

Do tính chất rất khá đặc biệt, nguy hại của loại hàng giả này, nên Tổng cục Quản lý thị trường đã đưa sản phẩm này tới triễn lãm hàng thật, hàng giả để cảnh báo người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, những sản phẩm sạc điện thoại giả hiện nay xuất hiện trên thị trường quá nhiều, người tiêu dùng muốn mua bao nhiêu cũng có, và hầu hết đều biết đó là hàng giả. Tuy nhiên, do tâm lý ham rẻ nên nhiều người đã “nhắm mắt đưa chân”.

Hiện tại, trên trận địa chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam có đến 7-8 lực lượng tham gia... Ngay từ cửa khẩu, chúng ta có lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan và cảnh sát biển chống hàng lậu, hàng xâm phạm. 

Vào sâu trong nội địa là các lực lượng như quản lý thị trường, công an, lực lượng chuyên ngành kiểm tra, giám sát xử lý các sản phẩm vi phạm đặc thù về hàng hóa y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp... Nhưng đến nay, công tác này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Một phần nguyên nhân là do sự thỏa hiệp, tiếp tay của người tiêu dùng.