16:25 15/11/2017

Nhiều sự kiện "vô lý đến kỳ lạ" trong cạnh tranh

Nguyễn Lê

Cơ quan nhà nước vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà...

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại nghị trường.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại nghị trường.

Cơ quan nhà nước vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà...

Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng 15/11 tại Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã điểm danh những sự kiện được cho là "vô lý đến kỳ lạ" trong cạnh tranh.

Tác động rất mờ nhạt

Kỳ lạ, theo Chủ tịch VCCI đó là giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng trong khi giá nguyên liệu không tăng. Rồi cơ quan nhà nước vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà...

 Những quyết định hành chính như vậy đã can thiệp trực tiếp vào cung cầu, đại biểu nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI thì Luật Cạnh tranh là nền tảng vận hành của nền kinh tế thị trường và cũng rất có lý khi nói rằng đó là bản Hiến pháp của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau 12 năm thực thi thì tác động của Luật Cạnh tranh ở Việt Nam rất mờ nhạt. Khi mà số lượng vụ việc được kết luận là hạn chế cạnh tranh rất ít, trong 12 năm mới có 8 vụ điều tra chính thức, tức là trung bình 0,7 vụ/ năm. Và với những việc như đã nêu trên thì người lạc quan nhất cũng không thể nó rằng môi trường kinh doanh cạnh tranh hoàn hảo.

Sửa luật, như nhiều đại biểu nhấn mạnh là  rất quan trọng. Song, như nhận xét của Chủ tịch VCCI thì nhiều quy định quan trọng cốt lõi nhưng còn quá chung chung. 

Chẳng hạn về các căn cứ để miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thì dự thảo quy định tác động thúc đẩy khoa học kỹ thuật, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với các căn cứ chung chung như thế thì thỏa thuận nào cũng có thể giải thích là cần thiết cả và được loại trừ, ông Lộc phân tích. 

Rồi về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế - là ranh giới giữa quyền và hạn chế quyền, nhưng dự thảo luật lại không quy định mà lại giao cho nghị định. Theo đại biểu thì cần phải được quy luật ngay trong luật.

Nhiều doanh nghiệp Việt rơi nước mắt.

Nhấn mạnh là không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài song đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) băn khoăn: "vấn đề là hàng trăm tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, hàng tỷ USD đầu tư FDI và hàng trăm tỷ đầu tư gián tiếp trong 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực Việt Nam".

Ông Nghĩa nói: nhiều tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia và các cơ quan nhà nước Việt Nam đã chỉ rõ, chúng ta đã mất rất nhiều tài nguyên, mất nhiều lao động giá rẻ, mất nhiều ưu đãi về thuế và đất cát cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng kết quả đem lại không tương xứng.

Các ví dụ từ các ngành cơ khí, chế tạo, khoáng sản, thực phẩm chế biến, may mặc, da giầy, nông nghiệp và cả bán buôn, bán lẻ và cả trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đã cho thấy điều này.

Theo đại biểu thì nhiều năm trước đã báo động việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài hầu như không đóng thuế thu nhập hàng chục năm, vì họ luôn khai lỗ trong khi doanh số vẫn tăng đều, cơ sở luôn mở rộng. Nhưng sau đó chuyển nhượng lại với giá cao và số lãi không nhỏ.

Cũng đáng báo động là tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành ôtô, điện tử sau hàng chục năm hầu như không nhích lên như cam kết. Việt Nam đã mất nhiều thị phần trong nước về thức ăn gia súc, thuốc thú y. Gần đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, khám chữa bệnh, vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và nổi lên là điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn đang báo động về việc họ đang từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước.

Nhưng, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán, sáp nhập, trốn thuế bằng công nghệ cao và bằng cách điều chuyển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn.

Còn "các doanh nghiệp Việt thì bị hạch sách, nhũng nhiễu, nhiều trường hợp không có phong bì thì không qua được các cửa ải hành chính, nhiều người Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất chủ quyền ngay trên chính quê hương mình", ông Nghĩa phát biểu.

Tình hình trên, theo đại biểu không chỉ được giải quyết được bằng Luật Cạnh nhưng ông Nghĩa cho rằng Luật Cạnh tranh phải đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường nội lực Việt nam, nếu không thì những cái bấm nút của đại biểu sẽ không tròn trách nhiệm.