15:25 10/09/2014

Nhiều “tài sản quốc gia” đã biến nhà công thành nhà tư

Nguyên Hà

Vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau về nhà ở công vụ, tại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Khu nhà công vụ Hoàng Cầu được đưa vào sử dụng từ năm 1999, thuộc quyền quản lý của Văn phòng Chính phủ - Ảnh: Minh Minh.
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu được đưa vào sử dụng từ năm 1999, thuộc quyền quản lý của Văn phòng Chính phủ - Ảnh: Minh Minh.
Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng chỉ nên có nhà công vụ cho cán bộ cao cấp, vì đó là tài sản quốc gia. Nhưng “ông nghị” Lê Như Tiến nhận xét, nhiều “tài sản quốc gia” đã biến nhà công thành nhà tư.

Phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của các vị đại biểu chuyên trách sáng 10/9 ghi nhận nhiều quan điểm khác nhau về nhà ở công vụ, vấn đề vốn đã nóng ở  các lần thảo luận trước đó.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh sự không công bằng trong sử dụng nhà công vụ khi nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở.

Nên có nhà công vụ nhưng phạm vi cần thu hẹp lại, còn như hiện nay là không công bằng, chỉ lại nghiêng về người có điều kiện. Trừ trường hợp lãnh đạo cần đảm bảo bảo vệ an ninh chính trị còn các đối tượng luân chuyển khác thì nên mua nhà thương mại để bố trí, ông Vinh góp ý.

Vị đại biểu này cũng nêu thực tế vì chưa có chế tài xử lý khi sử dụng sai nhà công vụ nên một loạt nhà khi người ở hết thời gian công tác cũng chưa lấy lại được để phân cho những người nhận công tác mới.

Cần quy định trong luật phải thông báo cho người ở nhà công vụ trước 6 tháng khi họ hết thời gian luân chuyển công tác để họ trả lại nhà bố trí cho người mới đến, ông Vinh đề nghị.

Và theo ông Vinh, giá thuê nhà công vụ cũng phải công bằng với các đối tượng khác, trừ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Không công bằng cũng là điều được đại biểu Chu Sơn Hà nhấn mạnh ngay sau đó.

Ông Hà cho rằng chỉ nên bố trí nhà công vụ cho cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước, vì đó là tài sản quốc gia, để tạo điều kiện cho họ cống hiến, còn các đối tượng khác không cần thiết.

Theo đại biểu Hà thì nên khuyến khích các cơ quan ở vùng sâu vùng xa tạo điều kiện cho cán bộ có nhà công vụ, còn cán bộ ở khu đô thị không khuyến khích mà nên giao cho một doanh nghiệp cho thuê như đối tượng khác.

"Anh về đô thị đã được bao cấp hạ tầng xã hội, điện nước, văn hóa, cái đó bao cấp không tính được giá trị bằng tiền được, đã không công bằng ngay cả giữa cán bộ với nhau", đại biểu Hà phân tích.

Cụ thể hơn về sự bất công, ông Hà so sánh hiện tại nhiều khu công nghiệp công nhân phải thuê nhà với giá 24 ngàn đồng một mét vuông, còn cán bộ ở nhà công vụ chỉ phải trả 600 ngàn đồng cho 100 mét vuông, tức là chỉ 6 ngàn đồng một mét vuông. Giá công nhân thuê gấp 4 lần cán bộ thuê là rất bất hợp lý, ông Hà nói.

Đăng đàn ngay sau đó, đại biểu Lê Như Tiến cũng cho rằng hiện chính sách nhà công vụ không đúng đối tượng.

Nhiều “tài sản quốc gia” đã biến nhà công vụ thành nhà tư vụ, về quê vẫn không trả chìa khóa, ông Tiến nhận xét và đề nghị tại kỳ họp tới Chính phủ cần báo cáo về tình hình sử dụng nhà công vụ để Quốc hội nắm rõ tình hình.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Lê Nam cho rằng nhu cầu nhà công vụ không chỉ là ở cán bộ cấp cao. Bản thân ông đã đi giám sát ở xã vùng cao thấy bí thư đảng ủy xã được điều động từ nơi khác cách 15 km đến mà không có chỗ nào ở.

Nhà ở công vụ là vấn đề quan trọng, không chỉ ở Hà Nội và không phải ai cũng thích về Hà Nội nên bố trí nhà công vụ là cần thiết, ông Nam nêu quan điểm.

Theo đại biểu Lê Nam, luật phải quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý loại công sản này và quy định rõ hơn đối tượng được ở nhà công vụ.

Tuy nhiên đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng dự thảo luật đã quy định rất công khai minh bạch về nhà công vụ.

"Đối tượng được thuê nhà ở công vụ ở điều 32 rất rõ rồi, tôi tán thành cao, không sửa chữa gì nữa", đại biểu Khánh phát biểu và hội trường ồ lên tiếng cười.

Bà Khánh cũng cho rằng một trong những lý do nhiều người chưa trả nhà công vụ là vì nhà không đảm bảo chất lượng nên đã phải đầu tư sửa chữa nhiều và bây giờ không biết lấy lại tiền đầu tư đó như thế nào.