11:46 15/08/2024

Nhiều ứng viên đang dần thích nghi với hình thức tuyển dụng bằng AI

Sơn Trần

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, có tiềm năng thúc đẩy tiến bộ và thay đổi nhiều lĩnh vực, trong đó tuyển dụng cũng không ngoại lệ. Doanh nghiệp thì rất nóng lòng ứng dụng công nghệ để tìm kiếm nhân tài, nhưng ứng viên thì không mấy hào hứng…

Tính đến 2022, 65% chuyên gia tuyển dụng bắt đầu sử dụng AI trong quá trình làm việc.
Tính đến 2022, 65% chuyên gia tuyển dụng bắt đầu sử dụng AI trong quá trình làm việc.

Tính đến năm 2022, 65% chuyên gia tuyển dụng đã bắt đầu sử dụng AI trong quá trình làm việc. Với doanh nghiệp, công nghệ có thể giúp họ tìm kiếm nhiều ứng viên giỏi trong khoảng thời gian ngắn và tránh sự thiên vị, theo Tech Node.

Có thể dự đoán, khi xu hướng tiếp tục, ứng viên sẽ thay đổi cách tiếp cận trong quá trình tìm việc. Vì vậy, các công ty đang tận dụng tối đa công nghệ AI nên chú ý đến một số ảnh hưởng sau.

KHÓ CHỊU VÀ CĂNG THẲNG

Nhìn chung, người lao động đang cảm thấy khó chịu về triển vọng tuyển dụng của AI. Trong cuộc phỏng vấn do Guardian thực hiện, một ứng viên đã gọi trải nghiệm với người phỏng vấn AI là "rùng rợn" và đề cập đến việc bot liên tục ngắt lời họ. Một ứng viên khác mô tả cảm giác tự ti khi không có ai trong cuộc trò chuyện video, sự phân tâm và thiếu phản hồi khiến hiệu suất của cô bị hạn chế.

Mặc dù phỏng vấn do AI thực hiện đang dần trở nên phổ biến, nhưng chúng vẫn chưa được thiết lập đủ để các ứng viên cảm thấy thoải mái. Một số chia sẻ như Guardian trích dẫn đặt ra nhiều nghi vấn về việc liệu chúng có thể thay thế sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay không?

Theo nghiên cứu, việc thiếu vắng sự hiện diện của con người gây ảnh hưởng tiêu cực đến người được phỏng vấn.

Trong nhiều trường hợp, sự khó chịu và căng thẳng xung quanh AI khiến ứng viên không thể ứng tuyển. Theo cuộc khảo sát của Pew Research Center, 66% người trưởng thành ở Hoa Kỳ sẽ không muốn nộp đơn ở những nơi mà AI đóng vai trò quyết định kết quả tuyển dụng.

Sự tránh né này xuất phát từ một số niềm tin cơ bản về AI. Nghiên cứu cho thấy, 47% số người được hỏi cho biết AI có thể tốt hơn trong việc đối xử bình đẳng với ứng viên; nhưng chỉ 27% nghĩ rằng chúng sẽ tốt hơn trong việc xác định ứng viên đủ tiêu chuẩn; 17% tin rằng AI có thể nhìn ra tiềm năng ở những người chưa hoàn toàn phù hợp với trình độ - điều mà nhà tuyển dụng thường cân nhắc.

TỔN HẠI ĐẾN HÌNH ẢNH CÔNG TY

Tương tự, sự kỳ vọng về kết quả tốt của nhiều ứng viên giảm sút sau khi tương tác với AI trong quá trình phỏng vấn. Các chuyên gia cho rằng, tham gia phỏng vấn với AI có thể dẫn đến hiệu ứng "ma ám", bởi ngay cả những người phỏng vấn thành công cũng không nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng. Việc mất đi phản hồi tương tác dẫn đến cảm giác mất niềm tin và thất vọng.

Những cảm xúc này gây tổn hại đến hình ảnh tổ chức trong mắt người lao động. Những ứng viên bị bỏ rơi sẽ không có khả năng liên hệ với doanh nghiệp hoặc ứng tuyển cho vị trí khác. 

KHI ỨNG VIÊN ÁP DỤNG AI 

Khi AI trở nên dễ tiếp cận hơn, một bộ phận ngày càng tăng những người tìm việc đang bắt đầu chấp nhận công nghệ. Cụ thể, họ học cách sử dụng công cụ tạo sinh để xây dựng và tinh chỉnh sơ yếu lý lịch hoặc thư xin việc.

Xu hướng này cũng xuất hiện trong ngành giáo dục, không chỉ với những người tìm việc. Nhiều sinh viên cảm thấy thất vọng bởi 90% người nộp đơn vào các trường hàng đầu cùng điểm SAT hoàn hảo, GPA 4.0 vẫn không được nhận và phải sử dụng AI để viết bài luận tốt hơn. 

Mặc dù AI tạo sinh không hoàn hảo, nhưng sinh viên và người tìm việc có thể cảm thấy cần sử dụng vì bên kia cuộc phỏng vấn cũng sử dụng.

Bên cạnh đó, một số ứng dụng nhắc nhở AI phổ biến ra đời, lắng nghe câu hỏi phỏng vấn và đề xuất câu trả lời cho người tìm việc. Một mặt, chúng giúp ứng viên lo lắng thể hiện tốt hơn. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn không có nhiều dữ liệu giá trị về ứng viên, vì robot là người trả lời tất cả câu hỏi.

DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ?

Trước phản ứng của ứng viên, phần lớn công ty ủng hộ AI đang suy nghĩ lại về việc sử dụng công nghệ trong tuyển dụng.
Trước phản ứng của ứng viên, phần lớn công ty ủng hộ AI đang suy nghĩ lại về việc sử dụng công nghệ trong tuyển dụng.

Trước phản ứng của ứng viên, phần lớn công ty ủng hộ AI đang suy nghĩ lại về việc sử dụng công nghệ trong tuyển dụng. Mặc dù chúng giúp tiết kiệm thời gian và làm nổi bật những hồ sơ lý tưởng, nhưng lại khiến mọi người quay lưng và thúc đẩy tình trạng thiếu trung thực hơn là giúp ích.

Sự minh bạch là kim chỉ nam nếu doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ hiệu quả trong quá trình tuyển dụng. Mặc dù nhiều người cảm thấy không thoải mái với công cụ tuyển dụng AI, nhưng theo Pew Research Center, mọi người không hoàn toàn loại bỏ khái niệm này. 

Nhiều người cho rằng AI có thể cải thiện một số khía cạnh nhất định trong quá trình tuyển dụng, miễn là không đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó, doanh nghiệp nên công khai cách họ sử dụng AI, bao gồm lời hứa chỉ sử dụng AI như một công cụ, chứ không phải là người ra quyết định cuối cùng.

Duy trì kết nối giữa con người và con người cũng rất quan trọng. Thiếu vắng con người là nguyên nhân chính gây cảm giác khó chịu cho ứng viên trong cuộc phỏng vấn do AI dẫn dắt.

Thay vì tự động hóa hoàn toàn, doanh nghiệp có thể sử dụng AI làm nổi bật hồ sơ hoặc phân tích ứng viên trong cuộc phỏng vấn do con người làm chủ. Ít nhất nên có một người góp mặt trong cuộc trò chuyện.

AI là một công cụ mạnh mẽ nhưng đi kèm với đó là những hậu quả không thể lường trước. Khi doanh nghiệp đổ xô sử dụng trong lĩnh vực tuyển dụng, tác động tiêu cực với ứng viên được ghi nhận nhiều hơn là tích cực. 

Hơn ai hết, doanh nghiệp phải chủ động đấu tranh để xây dựng các cuộc phỏng vấn thực sự chân thành và không làm mất lòng ứng viên; sử dụng AI một cách vừa phải và đúng mực thì hiệu quả sẽ rất xứng đáng.