Những dấu ấn tiêu biểu của giáo dục tiểu học năm học 2024-2025
Năm học 2023-2024 toàn quốc có 14.545 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, với 15.268 điểm trường...
Chiều 23/7, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục tiểu học.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023- 2024 đối với cấp tiểu học, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, năm học 2023-2024 toàn quốc có 14.545 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, với 15.268 điểm trường. Tổng số học sinh tiểu học là 8.919.198 (giảm 313.518 học sinh so với năm học trước).
Đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.
Theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, năm học vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Những năm qua, các địa phương đã chú trọng rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp hơn cho việc trẻ em đến trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học giúp các cơ sở giáo dục ngày càng được hoàn thiện và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.
Thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Các địa phương đã không ngừng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hướng đến đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy học học tích cực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về tổ chức dạy học, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sự chủ động của các nhà trường, sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, kết quả học tập của học sinh qua đánh giá và kiểm tra định kỳ cuối học kỳ được duy trì ổn định, chất lượng giáo dục của học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 được đảm bảo.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiểu học, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý những nội dung cần quan tâm trong thời gian tới. Trong đó, Vụ Giáo dục Tiểu học ghi nhận, tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ, các địa phương, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn nhiệm vụ năm học và trình lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành để các địa phương làm căn cứ triển khai hướng dẫn nhiệm vụ năm học.
Đối với các Sở giáo dục đào tạo, Thứ trưởng nhấn mạnh các yêu cầu về đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; tập trung nâng cao chất lượng phổ cập các cấp học, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học; khắc phục ngay những hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo và trong quá trình thực hiện; tập trung nâng cao chất lượng dạy học; thực hiện đồng bộ các giải pháp quan tâm, thu hút học sinh, tạo cho các em niềm vui đến trường, bắt đầu từ học sinh lớp 1.
Với mỗi thầy cô giáo, cần nâng cao chất lượng dạy học, bằng cách thường xuyên giao lưu, trao đổi học tập; thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn trao đổi để khắc phục những lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu trong triển khai chương trình. Điều này đã được thực hiện tốt tại nhiều địa phương.
“Để thực hiện tốt, chúng ta phải xác định rất rõ đặc điểm của học sinh tiểu học, đặc điểm của cán bộ, giáo viên tiểu học.
Bởi mỗi vùng miền, mỗi học sinh khác nhau có những đặc điểm khác nhau, đó là bức tranh hết sức sinh động, cần thầy cô giáo tiểu học có những kỹ năng đặc thù. Đó là tính kiên trì, nhẫn nại, vừa “dạy” vừa “dỗ”, vừa hướng dẫn”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng đề nghị các Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 3 công khai trong giáo dục, đặc biệt là thực hiện chế độ chính sách cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chế độ của học sinh bán trú ở các trường, an toàn trường lớp, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Cùng với đó, các địa phương cần tích cực phát động, xây dựng các phong trào thi đua, nhưng phải phù hợp điều kiện thực tiễn của từng trường và từng địa phương, không gây ra áp lực, không tạo ra bệnh thành tích.
Chia sẻ với sự khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo, Thứ trưởng bày tỏ, với ngành giáo dục liên quan đến con người, liên quan đến kiến thức, đến số đông, nên không thể không có nhiều cái khó. Điều đó cần sự đổi mới, sự kiên trì, kỹ năng, kiến thức, và cần nhiều tâm huyết của các thầy cô.