18:52 26/08/2024

Những khó khăn khi triển khai dịch vụ công trực tuyến tại tỉnh miền núi Hà Giang

Bảo Bình

Nhiều người dân tộc thiểu số có thể không biết rằng khi sinh con cần phải làm giấy khai sinh, vì trước đây họ không cần đến giấy tờ này. Chính quyền phải tuyên truyền và hướng dẫn họ làm giấy khai sinh trực tuyến…

Phần lớn dân số ở Hà Giang là người dân tộc thiểu số. Ảnh: Internet
Phần lớn dân số ở Hà Giang là người dân tộc thiểu số. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành Chính công tỉnh Hà Giang, cho biết khi nhắc đến Hà Giang, đặc điểm đáng chú ý chính là địa hình.

“Chúng ta biết đây là một tỉnh miền núi biên giới với địa hình chia cắt phức tạp và điều kiện thiên nhiên khá khắc nghiệt”, ông Nguyễn Đức Mạnh nói.

Chính vì thế, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến rất rõ ràng, người dân không phải di chuyển quãng đường rất xa để nộp hồ sơ trực tiếp. Dịch vụ trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí và thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân.

NHIỀU NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ THỂ KHÔNG BIẾT RẰNG KHI SINH CON CẦN PHẢI LÀM GIẤY KHAI SINH

Tuy vậy, phần lớn dân số ở Hà Giang là người dân tộc thiểu số, người Kinh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Điều này dẫn đến trình độ dân trí ở đây còn khá thấp; nhiều gia đình người dân tộc thiểu số không biết chữ, không biết tiếng phổ thông. Ngoài ra, nhiều người dân chưa hiểu rõ các dịch vụ công cần thiết để thực hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Một khó khăn khác khi triển khai dịch vụ công trực tuyến là thiếu thốn thiết bị và hạ tầng. Ngay cả việc cung cấp kết nối internet đầy đủ vẫn đang là một thách thức lớn, bởi ở Hà Giang vẫn có những khu vực hoàn toàn không có sóng điện thoại. Bên cạnh đó, các điều kiện về cơ sở vật chất như thiết bị máy tính và điện thoại di động thông minh cũng rất hạn chế. 

Ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết đã từng có ý tưởng cấp máy tính cho người dân, nhưng điều này cũng không khả thi. Nguyên nhân là do điều kiện nhà ở của người dân ở đây thường là nhà tranh vách đất, thiếu thốn, dễ bị ẩm mốc, và thiết bị như máy tính có thể hư hỏng nhanh chóng, mà người dân lại không biết cách sử dụng.

Xuất phát từ những khó khăn này, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết trước đây việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Hà Giang rất hạn chế. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, tình hình đã có những cải thiện đáng kể. Tỉnh Hà Giang đã xác định chuyển đổi số không thể chỉ dừng lại ở việc mua sắm công nghệ, mà cần tập trung vào chiến lược và mục đích cụ thể.

“Do đó, điều đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thấy rõ lợi ích của dịch vụ công trực tuyến”, ông Nguyễn Đức Mạnh nói.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng tăng cường công tác hỗ trợ. Để thực hiện điều này, Hà Giang đã thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng. Quan trọng hơn, tỉnh đã thành lập các tổ dịch vụ công tại bộ phận một cửa, nơi các cán bộ đóng vai trò là người hỗ trợ trực tiếp. 

“Nhiều người dân tộc thiểu số có thể không biết rằng khi sinh con cần phải làm giấy khai sinh, vì trước đây họ không cần đến giấy tờ này. Chính quyền phải tuyên truyền và hướng dẫn họ làm giấy khai sinh trực tuyến”, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết.

“Tương tự, khi các cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu lý lịch tư pháp, bộ phận một cửa cũng hướng dẫn về thủ tục này. Tại bộ phận một cửa, Hà Giang đã lắp đặt các ki-ốt để người dân có thể tự gửi hồ sơ và nhận hướng dẫn từ cán bộ về các thủ tục cần thiết. Các cây ki-ốt được trang bị màn hình cảm ứng, cho phép tải dữ liệu và truy cập dịch vụ công trực tuyến”.

Hiện tại, có một số khó khăn ở giai đoạn đầu đối với dịch vụ công kết hợp giấy và hồ sơ điện tử. Người dân gửi hồ sơ điện tử nhưng vẫn phải gửi hồ sơ gốc để nhận kết quả. Do đó, đối với các dịch vụ công thiết yếu, nên cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, vì hồ sơ thường không quá phức tạp và chỉ yêu cầu thông tin cơ bản.

DỊCH VỤ CÔNG CẦN CHUYỂN TỪ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH SANG PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN

Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Hà Giang đã thực hiện đề án phát triển dịch vụ công trực tuyến, từ đó hiểu rõ hơn về những khó khăn của người dân. Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết tỉnh Hà Giang xác định rõ vai trò quan trọng của thể chế. “Địa phương có thể thực hiện việc tái cấu trúc quy trình sao cho bớt rườm rà và đơn giản hóa hồ sơ để thuận lợi hơn cho người dân”.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành Chính công tỉnh Hà Giang
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành Chính công tỉnh Hà Giang

Hiện tại, Hà Giang đã cung cấp 615 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.195 dịch vụ công trực tuyến một phần. Hà Giang vẫn đang thiết lập các quy trình trên hệ thống. Từ năm 2023, Hà Giang đã đưa vào sử dụng hệ thống mới và đang từng bước cải thiện để đáp ứng các tiêu chí mà Chính phủ quy định, cũng như nâng cao tính thân thiện và ứng dụng của hệ thống.

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Hà Giang đang cần kết nối 38 hệ thống, nhưng mới hoàn thành được 17 kết nối. vẫn còn rất nhiều kết nối khác chưa thực hiện được. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo kết nối giữa phần mềm hộ tịch với hệ thống của các tỉnh, điều này đã hỗ trợ đáng kể cho cán bộ, giúp giảm thời gian làm việc vốn phải thực hiện trên nhiều hệ thống và sổ sách giấy tờ trước đây. Điều này mang lại thuận lợi và giúp người dân dễ dàng xác định địa chỉ gửi hồ sơ hơn.

“Tôi hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ cố gắng hoàn tất các kết nối và chia sẻ dữ liệu để đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, cũng như để người dân biết rõ địa chỉ gửi hồ sơ”, ông Nguyễn Đức Mạnh nói.

“Chúng tôi mong muốn cung cấp dịch vụ trên một cổng chính thống là cổng quốc gia, sau đó các hệ thống của tỉnh sẽ xử lý quy trình nội bộ liên thông giữa các cơ quan một cách thuận lợi hơn. Như vậy, người dân chỉ cần truy cập vào đó là có thể hoàn tất các dịch vụ, thay vì phải tìm kiếm một cách khó khăn như hiện nay”.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Mạnh cho rằng rõ ràng người dân có nhu cầu và mong muốn thực hiện các thủ tục hành chính, họ chỉ cần nhà nước cung cấp và đáp ứng các yêu cầu để thực hiện công việc của mình. 

“Do đó, dịch vụ công cần chuyển từ quản lý hành chính sang phục vụ người dân. Chúng ta cần thấu hiểu và thông cảm với họ, đặt ra những câu hỏi là để phục vụ người dân và giải quyết hồ sơ, chúng ta cần làm như thế nào?”

Theo đại diện của tỉnh Hà Giang, về mặt quy trình hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, cần xây dựng quy trình dịch vụ công liên thông, để các cơ quan phối hợp giải quyết các vấn đề chung. Một quy trình liên thông có thể giải quyết nhiều vấn đề của người dân một lần, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Cần có sự liên thông giữa các cơ quan để giải quyết vấn đề hiệu quả.

Bên cạnh đó cần đơn giản hóa giấy tờ bằng cách kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu. Người dân chỉ cần cung cấp thông tin cần thiết, và các điều kiện để cấp giấy phép có thể được kiểm tra và cấp ngay mà không cần nộp nhiều giấy tờ. Nhiều thủ tục hiện tại yêu cầu gửi giấy tờ quá nhiều, gây khó khăn trong việc xác định và nộp hồ sơ đúng cách.

Chẳng hạn, đối với thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nếu thành phần hồ sơ phức tạp, các thủ tục nên được đơn giản và tối ưu hóa. Cần tận dụng cơ sở dữ liệu và ban hành các văn bản quy định thủ tục, sau đó triển khai trên hệ thống dịch vụ công. Tất cả các dịch vụ công nên được thực hiện toàn trình để tránh việc sử dụng giấy và tạo sự thuận lợi cho người dân.