06:22 21/10/2013

Những tâm tư trước kỳ họp lịch sử của Quốc hội

Nguyên Thảo

Dài nhất nhiệm kỳ, gánh trách nhiệm lịch sử, khối lượng công việc đồ sộ, là kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 13

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - một trong hai ứng viên phó thủ tướng sắp tới - bên hành lang Quốc hội - Ảnh: N.H.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - một trong hai ứng viên phó thủ tướng sắp tới - bên hành lang Quốc hội - Ảnh: N.H.
Dài nhất nhiệm kỳ khóa 13, gánh trách nhiệm lịch sử, khối lượng công việc đồ sộ... là những cụm từ thường xuyên xuất hiện cùng với kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 13, bắt đầu từ sáng nay (21/10).

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được thông qua. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng không thể lùi thêm. Tái cơ cấu nền kinh tế còn ngổn ngang trăm mối. Chống tham nhũng chưa hiệu quả, lãng phí còn có mặt ở nhiều nơi nhưng vẫn phải cân nhắc tăng bội chi và phát hành thêm trái phiếu…

33 ngày làm việc theo dự kiến dường như cũng chưa phải đã dư dả thời gian cho gần 500 vị đại biểu ở cơ quan quyền lực cao nhất.

Có thể, vất vả đến mấy rồi cũng hoàn thành hết tất cả các nội dung. Nhưng cử tri cảm nhận thế nào có lẽ là điều khiến các vị đại diện cho dân không thể không quan tâm. Bởi, nói như đại biểu Dương Trung Quốc thì có thể “thở phào” nhưng không nhẹ nhõm. Vì, đầu việc đã xong nhưng tâm tư còn nhiều cấn cá.

Được gắn với hai từ “lịch sử” là bởi không phải nhiệm kỳ nào Quốc hội cũng được thực hiện vai trò lập hiến, như tại kỳ họp thứ sáu này.

Theo tài liệu được thông tin cho báo chí từ Văn phòng Quốc hội thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này đã bám sát cương lĩnh năm 1991 (bổ sung phát triển năm 2011) các văn kiện của Đảng và nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu và những quan điểm cơ bản, định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đồng thời là người phát ngôn của Quốc hội cũng khẳng định, dự thảo vẫn Hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vì đây là điều “đương nhiên”.

Một cử tri là thạc sỹ luật bày tỏ sự lo lắng nếu sự “đương nhiên” này được Quốc hội chấp nhận, sau khi dẫn ra rất nhiều phân tích của cả các quan chức cùng đại biểu và các nhà kinh tế về sự không cần thiết (và không thể) hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Ngược thời gian một chút, khi việc không hiến định vai trò của kinh tế nhà nước đang được bàn thảo sôi nổi với nhiều ý kiến đồng tình, TS. Nguyễn Đình Cung, người vừa được giao nắm quyền quản lý Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận rằng đây chính là động lực mới cho sự thay đổi của nền kinh tế, không chỉ trong năm 2013.

Nhìn rộng hơn toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một vị doanh nhân nhận xét, nhiều vấn đề lớn về bản chất là vẫn như cũ. Một số nội dung đặt vấn đề thay đổi thì lại chưa chín nên chưa đủ thuyết phục.

Rồi tái cấu trúc nền kinh tế cũng nói mãi, nhưng kỳ nào cũng nghe điệp khúc “đã có nhiều cố gắng tuy nhiên còn không ít khó khăn vì đây là vấn đề phức tạp…”, trong khi nền kinh tế ngày càng khó khăn trầm trọng hơn.

Bên cạnh sửa Hiến pháp, Luật Đất đai được sửa đổi như thế nào cũng là “đại vấn đề” của kỳ họp thứ sáu, khi còn quá nhiều băn khoăn của cả đại biểu và cử tri.

Cuộc giao lưu trực tuyến do VnEconomy vừa tổ chức đã đón nhận hàng trăm câu hỏi từ bạn đọc liên quan đến thu hồi, định giá đất.

Tại đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của dự án Luật Đất đai sửa đổi là tìm được cơ chế xác định thật khách quan giá đất phù hợp thị trường để tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Nếu không làm được việc này, thì chắc chắn, khó giảm được lượng khiếu kiện của dân.

Thế nhưng, chính ông trả lời bạn đọc là, về định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản mới nhất chưa có gì đổi mới so với Luật Đất đai 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Không phải kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mà phê chuẩn cùng lúc hai phó thủ tướng, đó cũng là điểm nhấn đặc biệt của kỳ họp thứ sáu. Một cử tri hỏi, hai vị được giới thiệu làm phó thủ tướng có gì nổi trội hơn các vị bộ trưởng khác? Đại biểu Quốc hội đánh giá họ thế nào?

Quá khó để trả lời, bởi thảo luận về nhân sự luôn họp kín trong phạm vi từng đoàn đại biểu Quốc hội, còn trong chương trình dự kiến của kỳ họp cũng không thấy phần dành cho hai vị trình bày chương trình hành động.

Vẫn như các kỳ họp trước, những cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu này tràn ngập lo lắng và cả bức xúc của cử tri về tình hình tham nhũng không được đẩy lùi mà còn có chiều hướng gia tăng.

Tìm trong các báo cáo được gửi đến Quốc hội cũng có khá nhiều tâm tư của cử tri được phản ánh, với “quốc nạn” này.

Chính phủ đánh giá “tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội”.

Được thực hiện bởi Ủy ban Tư pháp, báo cáo giám sát xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ viết “nhiều địa phương cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm, có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng và lan rộng sang cả lĩnh vực hỗ trợ dạy nghề ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… gây bức xúc, bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Thực trạng xử lý không đúng pháp luật một số vụ tham nhũng và tình hình tham nhũng ngay trong chính các cơ quan tư pháp đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, vẫn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013.

Lại nhớ lời Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng trên VnEconomy từ trước thềm năm mới 2013, là “không được phép phung phí niềm tin của dân thêm nữa”.