Nợ bảo hiểm xã hội: Ngôi “vô địch” về tay khối FDI
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2014
Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2014 vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Ở thông tin chung, Chính phủ cho biết ước đến cuối năm 2014, tổng số kết dư quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 305.799 tỷ đồng, tăng 60.716,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 24,7% so với năm 2013.
Trong năm 2014, số nợ bảo hiểm xã hội là 5.578 tỷ đồng, bằng 4,93% tổng số phải thu, giảm 10,8% so với năm 2013, tương ứng với số nợ giảm là 678 tỷ đồng.
Bất ngờ là doanh nghiệp có vốn nước ngoài và tổ chức nước ngoài có số nợ nhiều nhất, chiếm ngôi đầu của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Cụ thể, năm 2013 doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ đến 3.824 tỷ, chiếm 15,98% số nợ phải thu. Đến 2014 số nợ của khối này là 1.896 chiếm 6,42%, giảm trên 50%.
Với khối doanh nghiệp FDI, số nợ của 2013 là 731 tỷ còn 2014 là 2.138, tăng 192,48%.
Vẫn là con số ước tính đến ngày 31/12/2014, Chính phủ cho biết tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước là 9.213.302 người, chiếm 80,5% tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 537.221 người, tương ứng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Nợ bảo hiểm thất nghiệp là 336 tỷ đồng, bằng 2,95% tổng số phải thu, giảm 41,3% so với năm 2013, tương ứng với số giảm là 237 tỷ đồng. Ước tính đến cuối năm 2014, tổng số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 41.558 tỷ đồng, tăng 9.688,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 30,4% so với năm 2013.
Nhận định tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội còn diễn ra phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhưng báo cáo không nêu cụ thể số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội đã bị khởi kiện như ở báo cáo năm 2013.
Thông tin chung được Chính phủ cho biết đã đôn đốc bảo hiểm xã hội địa phương tiến hành khởi kiện các trường hợp nợ đọng kéo dài với số tiền lớn và cũng đã thu được những kết quả khả quan. Một số doanh nghiệp đã chấp nhận thu xếp trả nợ bảo hiểm xã hội trong giai đoạn hòa giải.
Chính phủ cũng “hứa” sẽ nghiên cứu phương án xử lý tiền nợ bảo hiểm xã hội tồn đọng của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.bỏ trốn, hoặc các doanh nghiệp nợ đóng kéo dài.