10:36 28/11/2008

Nông nghiệp ASEAN đối phó khủng hoảng

Đình Nam

ASEAN nên tổ chức các liên minh mặt hàng như: liên minh gạo, liên minh cà phê, liên minh hồ tiêu, hạt điều, cao su

Cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực, tiếp đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đặt ra cho các nước ASEAN những thách thức hết sức to lớn đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực, tiếp đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đặt ra cho các nước ASEAN những thách thức hết sức to lớn đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tăng cường tính liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, tạo lập thị trường nông sản chung, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn... là những vấn đề được thảo luận hết sức cởi mở tại Hội thảo "Hợp tác phát triển nông nghiệp, hướng đến cộng đồng kinh tế ASEAN" lần thứ 33 do Hội Khoa học kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 27-28/11.

Cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực, tiếp đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đặt ra cho các nước ASEAN những thách thức hết sức to lớn đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn là yếu tố quan trọng trong trụ cột phát triển kinh tế của cộng đồng ASEAN.

Thách thức từ khủng hoảng toàn cầu

Nguyên Phó tổng thư ký Ban thư ký ASEAN Trần Đức Minh cho rằng, các nước thành viên của khối có rất nhiều lợi thế trong phát triển các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, cao su, thủy sản... nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ để có thể làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường châu Á, cũng như thế giới.

Cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hồi đầu năm 2008 đã cho thấy rõ sự liên kết lỏng lẻo giữa các nước khi Indonesia, vốn là nước chuyên nhập khẩu gạo, đã phải tăng trợ cấp nông nghiệp để có thể tự đảm bảo lương thực do khó tìm kiếm được các hợp đồng nhập khẩu từ bên ngoài.

Nhiều tham luận tại hội thảo đều nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia thành viên ASEAN.

Trên thị trường thế giới, các nước ASEAN chiếm ưu thế trong sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với những sản phẩm: lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, dầu cọ, hoa quả, tôm, cá... Vì vậy, phát triển nông nghiệp không chỉ là yêu cầu bảo đảm cải thiện đời sống cho nông dân mà còn là nền tảng quan trọng cải thiện thu nhập, nâng cao mức sông cho khu vực nông thôn các nước ASEAN.

Tuy nhiên, nông nghiệp trong khu vực cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi, lại chưa huy động được nhiều nguồn lực cho nghiên cứu khoa học-công nghệ, phát triển sản xuất.

Thực tế, thời gian qua, sự hợp tác về nông nghiệp của các nước ASEAN chưa đạt được mục tiêu như mong đợi; chưa tạo ra được thương hiệu chung cho nông, lâm, thủy sản toàn khối, chưa có những tổ chức liên kết chặt chẽ đủ sức mạnh tạo nên sức cạnh tranh và chưa có những hình thức cơ chế phối hợp hài hòa với nhau trên thị trường thế giới.

Thêm nữa, những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế, đã khiến khu vực nông thôn ở nhiều nước ASEAN gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp; khuyến khích tiếp tục hợp tác trong công tác xoá đói giảm nghèo... được nhiều nhà kinh tế nông nghiệp ASEAN coi là các giải pháp hết sức cần thiết và phải triển khai ngay trong thời gian tới.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 30 (AMAF 30), tổ chức tại Hà Nội ngày 23-24/10, Bộ trưởng các nước ASEAN cũng đã thông qua Chương trình Khung về An ninh lương thực Tổng hợp ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động Trung hạn về An ninh lương thực ASEAN (SPA-FS).

Bên cạnh đó, là các dự án về an ninh lương thực; phân tích thống kê nông nghiệp, an toàn và tiêu chuẩn thực phẩm, quản lý sau thu hoạch, kiểm dịch thực vật, khuyến nông cũng như khuyến khích sử dụng sinh khối bền vững; hợp tác ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng các tiêu chuẩn và kế hoạch chung về sản xuất lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp. Vấn đề là các nhà khoa học cần phải tham vấn để đưa ra những chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp cho nông nghiệp, nông thôn trong tình hình hiện nay.

Hỗ trợ toàn diện cho nông nghiệp, nông thôn

Theo ông Trần Đức Minh, để cạnh tranh tồn tại trên thương trường đầy biến động ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác cùng nhau nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, nhất là giống và bảo vệ thực vật để nâng cao năng suất, sản lượng lương thực và cây công nghiệp, biến đổi gien, bảo tồn và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Các doanh nghiệp ASEAN nên tổ chức các liên minh mặt hàng như: liên minh gạo, liên minh cà phê, liên minh hồ tiêu, hạt điều, cao su... Đây là các tổ chức xuất khẩu mặt hàng nông sản, giống như tổ chức xuất khẩu dầu lửa OPEC. Họ tập hợp lại các nước sản xuất mặt hàng đó cùng nhau hoạt động theo điều lệ, chính sách chung, lập kho dự trữ để có thể điều tiết được sản xuất và xuất khẩu nhằm ổn định thị trường giá cả.

Ông Minh nhấn mạnh các nước, các doanh nghiệp tham gia nên có suy nghĩ tầm khu vực, làm việc tầm khu vực, dám hy sinh lợi ích cá nhân trước mắt, đổi lấy lợi ích chung lâu dài cả về sản xuất và xuất khẩu của cả ASEAN.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, ước tính việc phát triển Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể tiết kiệm cho người tiêu dùng 28 tỷ USD/năm. Bổ sung cho ý tưởng này, TS. Hutabarat, Hội Kinh tế Indonesia, cho rằng: việc thành lập các liên minh về nông sản trong khu vực là hết sức quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay.

Nó giúp các nước đoàn kết, thống nhất trong hành động để đạt được hiệu quả ứng phó tốt nhất. Việc dự báo xuất khẩu nông sản trong năm 2009 của khu vực không phải là dễ dàng.

Tuy nhiên, các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng cần quan tâm tới thị trường trong nước. Nhà nước cần có chế độ, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là nông dân nghèo để người dân có thể mua được các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ. Có như vậy, đời sống xã hội khu vực nông thôn mới ổn định và vượt qua được cơn bão khủng hoảng này.

Đối với các chính sách đảm bảo an ninh lương thực ở trong khối ASEAN, GS. Chamuri Siwar để xuất những hành động khẩn cấp trước mắt như: dỡ bỏ các biện pháp cấm, hạn chế xuất khẩu nông nghiệp để có thể giảm giá lương thực khoảng 30%; thi hành chương trình sản xuất lương thực khẩn cấp đồng thời thay đổi chính sách về phát triển nhiên liệu sinh học từ cây lương thực.

Về dài hạn, các nước ASEAN cần chủ động tự túc lương thực thông qua đầu tư cho tăng trưởng nông nghiệp bền vững, hỗ trợ an sinh xã hội nhiều hơn cho nông dân, nông thôn...