17:07 27/02/2017

Nông sản từ Trung Quốc và những câu hỏi nơi biên giới

Nhật Mai

Bà con ở biên giới có bao giờ nghe chuyện “hoa quả để hàng năm không hỏng do tẩm hoá chất Trung Quốc”?

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại Tân Thanh (Lạng Sơn).
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại Tân Thanh (Lạng Sơn).
“Báo chí có đăng nghi vấn cam, táo để cả năm không hỏng do chất bảo quản từ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ mang đến phòng thí nghiệm nào để tìm ra chất đó. Vậy bà con ở đây có nghe nói câu chuyện người Trung Quốc tẩm chất gì vào hoa quả không?”.

Đây là câu hỏi được Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh đặt ra tại buổi làm việc ngày 27/2 giữa đoàn giám sát của Quốc hội với các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn tại cửa khẩu Tân Thanh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Trưởng đoàn giám sát là Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ông Khánh là khách mời, tham gia báo cáo giải trình.

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đã đi thực tế tại cửa khẩu Tân Thanh, nơi giao thương khá nhộn nhịp giữa hai nước Việt - Trung.

Nêu bức xúc từ cử tri cứ nói đến hàng Trung Quốc là cảnh giác, có khi còn khiến hàng Việt Nam bị oan, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, tỷ lệ kiểm soát an toàn thực phẩm tại Tân Thanh là bao nhiêu?

Liên quan đến câu chuyện này, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, ông Nguyễn Bảo Ngọc cho biết, các mặt hàng xuất khẩu thực phẩm qua chi cục chủ yếu là hoa quả, nông sản như chuối, dưa hấu, quả vải... và bánh kẹo, gạo, chiếm khoảng 80% lượng hàng hoá xuất khẩu của đơn vị.

Các mặt hàng nhập khẩu thực phẩm gồm hoa quả như táo, lê, cam quýt và thuỷ sản sống chiếm 90% lượng hàng nhập khẩu qua chi cục.

Số liệu cụ thể từ 2011 - 2016 cho thấy kim ngạch xuất khẩu gấp nhiều lần kim ngạch nhập khẩu.

Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu 4,7 tỷ USD với 490 ngàn tấn, trong khi nhập khẩu chỉ có 299 triệu USD với 280 ngàn tấn. Con số tương tự của 2016 là xuất 1,3 tỷ USD với 1,4 triệu tấn, nhập 83,9 triệu USD với 501 ngàn tấn.

Các năm từ 2012 đến 2015 xuất đều từ 500 triệu đến trên 700 triệu USD, nhập từ 52 triệu USD đến 308 triệu USD.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói, ông rất băn khoăn về số liệu ở bản báo cáo. Như năm 2011 giá bình quân của xuất khẩu là 9.700 USD một tấn, loại quả nào mà giá tốt thế?

Ông Khánh cũng nêu tiếp câu hỏi về chuyện báo chí cứ râm ran rằng, “hoa quả để hàng năm không hỏng do tẩm hoá chất Trung Quốc”, thế thì bà con ở sát biên giới có bao giờ nghe câu chuyện này không?

Câu trả lời của ông Ngọc không làm rõ được băn khoăn thứ nhất của Thứ trưởng Khánh. Ông Ngọc thừa nhận có thực tế là giá trị khai báo và giao dịch có du di.

Với câu hỏi thứ hai thì cấp trên của ông Ngọc cho biết, vẫn mua, vẫn ăn hoa quả ở cửa khẩu, nhưng chưa từng phát hiện chất cấm như ông Khánh đề cập.

Thông tin từ cơ quan kiểm dịch thực vật là hàng hoá nhập khẩu đều được kiểm tra, “test” nhanh và những chỉ lô hàng đảm bảo mới được thông quan.

“Năm 2016 chống buôn lậu đã phát hiện bao nhiêu vụ? Đặc biệt là hàng nhập, xử phạt thế nào?”, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển tiếp tục đặt một câu hỏi khác.

Ông Ngọc cho biết đã bắt được một số vụ buôn bán ma tuý, pháo nổ, còn gia cầm nhập lậu thì gần như không có.

“Các mặt hàng nhập khẩu đều đảm bảo vậy, tại sao xuất hiện nhiều thuốc trừ sâu không có nhãn mác nhưng lại được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, vậy nó ở đâu ra? Thỉnh thoảng bắt được gà, trứng lậu, thì nó ở đâu về?”, ông Hiển tiếp tục đặt vấn đề.

Ông Ngọc cho biết hiện nay cư dân biên giới được mua hàng mỗi tháng bốn lần, mỗi lần không quá hai triệu đồng, nên có thể do người dân tích cóp dần những hàng hoá không nhãn mác.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói, thông tin từ những bản báo cáo và câu trả lời trực tiếp vẫn khiến ông băn khoăn, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
 
“Buôn lậu thẩm lậu qua biên giới có giai đoạn khá phức tập, có phần do công tác quản lý có lúc buông lỏng, nên ở nội địa, cứ nói đến sản phẩm Trung Quốc thì đều băn khoăn và băn khoăn chắc có lý”, ông Hiển đánh giá.

Nhấn mạnh cần quan tâm đến xuất xứ hàng hoá, ông Hiển cho rằng không thể chủ quan được, dù báo cáo đều nói chưa phát hiện được lô hàng nào vi phạm.

Thực tế ở chợ dân sinh ngay gần đó, Phó chủ tịch Hiển hỏi một số người bán hàng ở chợ về nguồn hàng, câu trả lời nhận được là mua ở Trung Quốc, nhưng chỉ biết người bán, còn không biết xuất xứ hàng hoá thế nào.

Cầm trên tay quả bưởi có nhãn ghi rõ địa chỉ cung cấp và số điện thoại liên hệ được bày bán cùng hàng loạt quả được cho là “mua của Trung Quốc”, không nhãn mác, Phó chủ tịch Hiển nói, nếu có chuyện gì thì truy xuất nguồn gốc thế nào.

Phản ánh từ tổ công tác số ba (cùng đoàn giám sát) tại cửa khẩu Hữu Nghị, chợ Giếng Vuông cũng cho thấy còn nhiều vấn đề nan giản, khi mà chợ còn tạm bợ, thú y thực hiện đóng dấu tại chợ chứ chưa kiểm soát được từ cơ sở giết mổ. Vi phạm nhiều, xử lý chưa nghiêm, kiểm soát chưa tốt cũng là nhận xét từ một số thành viên của đoàn giám sát.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển dẫn lại lời một vị trong buổi họp ở Tân Thanh giải thích là thị trường Trung Quốc khá dễ tính, nên hoa quả Việt xuất khẩu nhiều, và nếu mình chặt với họ quá, thì họ cũng khó với mình. “Liệu có vì dễ người dễ ta mà để dân cả hai nước tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn không?”, ông Hiển đặt vấn đề.