15:36 24/11/2009

Nước Anh và nguy cơ “thập kỷ mất mát”

Kiều Oanh

Người ta cho rằng, rất có thể, “thập kỷ mất mát” từng diễn ra ở Nhật vào những năm 1990 có thể lặp lại ở xứ sở sương mù

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Với những tín hiệu khả quan gần đây, kinh tế Anh có thể đang dần phục hồi khỏi suy thoái. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, nền kinh tế nước này đang nằm dưới áp lực quá lớn của những “núi nợ” và những ngân hàng suy sụp.

Người ta cho rằng, rất có thể, “thập kỷ mất mát” từng diễn ra ở Nhật vào những năm 1990 có thể lặp lại ở xứ sở sương mù.

Nếu so sánh giữa kinh tế Anh hiện nay và kinh tế Nhật hồi thập niên 1990, có thể nhận thấy không ít điểm tương đồng. Giống như Nhật Bản trước đây, nước Anh hiện nay đã trải qua hơn một thập kỷ tăng trưởng bùng nổ nhờ hoạt động tín dụng tăng mạnh và những khoản đầu tư khổng lồ vào ngành địa ốc.

Bị ám ảnh bởi sự tương đồng này, các nhà hoạch định chính sách của Anh trong lần khủng hoảng và suy thoái này đã mạnh tay tung ra những biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ nhằm ngăn chặn tình trạng trì trệ trong cả tăng trưởng lẫn hoạt động của các nhà băng như những gì đã đeo đẳng kinh tế Nhật nhiều năm ròng.

Một số chỉ số kinh tế của Anh công bố gần đây đã cho thấy những tín hiệu tích cực: doanh số bán lẻ được cải thiện, tốc độ sa thải nhân công chậm xuống, xuất khẩu dần hồi phục. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những thống kê này có thể chỉ là tấm mặt nạ cho những vấn đề sâu xa hơn và mang nặng tính cơ cấu trong nền kinh tế Anh.

Ngoài khối lượng nợ gia tăng, nguồn thu từ thuế của Chính phủ Anh cũng đang co hẹp. Bên cạnh đó, lĩnh vực ngân hàng sau khủng hoảng vẫn chưa thể làm ăn có lãi từ việc cho vay các doanh nghiệp.

“Chúng tôi dự báo kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng 1% trong năm 2010 và 0,7% trong năm 2011. Về phương diện kỹ thuật thì đó là sự phục hồi kinh tế. Nhưng trên thực tế, nền kinh tế Anh vẫn còn rất yếu ớt”, ông Douglas McWilliams, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh tại London, cho biết.

Nhiều người cũng so sánh kinh tế Mỹ hiện nay với kinh tế Nhật ở thập niên 1990, nhưng các chuyên gia cho rằng, hợp lý hơn cả vẫn là so sánh kinh tế Anh hiện nay với kinh tế Nhật khi đó, nhất là khi xét tới mức độ đóng góp của lĩnh vực ngân hàng vào hai nền kinh tế này.

Tháng trước, một thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), ông Adam S. Posen, đã đề cập tới khả năng xảy ra  một thời kỳ trì trệ tăng trưởng “kiểu Nhật” trong nền kinh tế Anh.

 “Nước Anh đang có điểm tương đồng chẳng mấy dễ chịu với Nhật Bản trong hệ thống tài chính khi kinh tế Nhật bắt đầu phục hồi vào giữa thập niên 1990 và không đủ sức để duy trì sự phục hồi này”, ông Posen nói.

Ông nhận định: “Càng xem xét kỹ thì chúng ta càng thấy sự tương đồng này đáng ngại hơn, đặc biệt xét tới sự tập trung của ngành ngân hàng Anh trong một số ít những ngân hàng lớn, mà hầu hết đều là những nhà băng gặp rắc rối trong lần khủng hoảng này. Mặt khác, những kênh huy động vốn phi ngân hàng cho các doanh nghiệp không nằm trong lĩnh vực tài chính tại Anh cũng chưa phát triển tới mức đủ để đáp ứng nhu cầu”.

So với các nước trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), Anh là nước có thị trường trái phiếu doanh nghiệp - một kênh huy động vốn phi ngân hàng của các công ty - chiếm tỷ lệ thấp nhất so với GDP. Tại Anh, tỷ lệ này chỉ là 0,16%, so với mức 1,2% tại Mỹ.

Mặc dù hệ thống tài chính của Anh vẫn được ca ngợi là một trong những hệ thống tài chính phát triển nhất thế giới, nhưng con số thống kê trên đã khiến người ta phải bất ngờ. Con số này làm gia tăng khả năng những công ty khát vốn, đồng thời vẫn phụ thuộc vào những ngân hàng còn chưa thoát khỏi những tác động tai hại của khủng hoảng, có thể sẽ không tìm được đủ số vốn cần thiết. Thực trạng này rốt cục có thể dẫn tới suy thoái kép hoặc đình trệ tăng trưởng.

Hiện Chính phủ Anh vẫn đang tiếp tục thực hiện chương trình mua vào trái phiếu doanh nghiệp để duy trì thanh khoản cho kênh huy động vốn này. Tới thời điểm này, BoE đã chi khoảng 200 tỷ Bảng, tương đương 330 tỷ USD (khoảng 14% GDP hàng năm của Anh) để mua vào các loại trái phiếu.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, chính sách này của Chính phủ Anh sẽ đem tới những tác động bất lợi cho ngân sách công.

Tuần trước, Chính phủ Anh cho biết, chỉ riêng trong tháng 10, họ đã vay nợ thêm 11 tỷ Bảng, nâng tổng số nợ công vay trong vòng 6 tháng tính tới tháng 10 lên 86,9 tỷ Bảng, cao kỷ lục kể từ khi thống kê nợ chính phủ của nước này được thực hiện vào năm 1946. Với tốc độ vay nợ như vậy, chắc chắn mức dự báo vay nợ chính phủ 175 tỷ Bảng mà Chính phủ Anh đưa ra cho năm 2010 sẽ dễ dàng bị phá vỡ.

Một khi điều này xảy ra, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Anh sẽ lên tới 13% GDP, cao gần gấp đôi mức thâm hụt bình quân của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Với mức chi tiêu chính phủ vốn đã cao, thâm hụt ngân sách của Anh đến một thời điểm nào đó sẽ vượt ngưỡng 13% GDP, ảnh hưởng nghiêm trọng tới định mức tín nhiệm nợ công đã ít nhiều suy tổn của nước này. Các hãng định mức tín nhiệm Fitch và S&P đều cho rằng, Anh đang đứng trước nguy cơ bị đánh tụt hạng mức tín nhiệm nợ. Hiện Anh đang nằm trong số khoảng 20 quốc gia trên thế giới sở hữu định mức tín nhiệm AAA.

Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh đã cam kết sẽ giảm nợ quốc gia. Tuy nhiên, đảng này vẫn chưa đưa ra được những biện pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Đầu năm tới, bầu cử sẽ diễn ra ở Anh, và nhiều người lo ngại rằng, chính phủ mới của nước này sẽ không có nhiều thời gian để đưa tình hình kinh tế trở lại với trật tự cần thiết.

(Theo New York Times)