Ông Trần Đình Thiên: Có điều rất lạ sau 30 năm phát triển kinh tế thị trường
30 năm kinh tế thị trường phát triển rực rỡ, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp 8% GDP
30 năm kinh tế thị trường phát triển rực rỡ, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp 8% GDP, TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói về điều rất lạ của nền kinh tế Việt Nam.
Đăng đàn đầu tiên trong Toạ đàm doanh nhân trẻ 25 năm cùng khát vọng Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức chiều 22/12, ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tư nhân.
30 năm trước Việt Nam chỉ có hợp tác xã, xí nghiệp quốc doanh chứ không có doanh nghiệp, càng không có doanh nhân trẻ, đó là điều bất thường trong lịch sử, ông Thiên nói.
Năm 1986 là năm chín muồi để đổi mới, tinh thần đổi mới chỉ có một câu là "nền kinh tế nhiều thành phần", thực chất là cho phép tư nhân đứng ra cứu nền kinh tế và tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn, bài học này còn phải suy ngẫm tiếp, chuyên gia Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Hơn một lần nhấn mạnh vai trò "cứu tinh" của kinh tế tư nhân, song TS Trần Đình Thiên cho rằng, với sứ mệnh đó kinh tế tư nhân đáng lẽ phải được coi là lực lượng vô cùng quan trọng. "Vậy mà 30 năm sau đổi mới vai vế vẫn không rõ ràng , vai trò chủ đạo vẫn là lực lượng khác, được ưu ái nhiều không phải doanh nhân trẻ hay doanh nghiệp tư nhân mà là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", ông Thiên bình luận.
Tổng kết lại thực lực của nền kinh tế nhìn từ phía doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng có thực trạng rất lạ, rất bất thường. Đó là đóng góp vào GDP của hộ gia đình đang chiếm 32%, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 27-28%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 20% còn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ đóng góp chưa đến 8%.
Nền kinh tế bình thường nếu yếu thì khu vực này cũng đóng góp đến 60-70%, nếu mạnh thì đến 80-90%, còn của Việt Nam 30 năm phát triển kinh tế thị trường rực rỡ mà chỉ có 8%, ông Thiên nhấn lại.
Hộ gia đình nhìn chung là nhỏ bé mà đóng góp lại là chủ yếu, khu vực nhà nước yếu và kém hiệu quả, đó là cấu trúc có vấn đề phải rất suy nghĩ, cấu trúc như thế có cạnh tranh, hội nhập được không? Sau khi đặt vấn đề, ông Thiên nhìn xuống hội trường, nơi có hơn 400 doanh nhân trẻ tiêu biểu mà nói rằng: doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản linh hồn là doanh nghiệp trẻ, cấu trúc trên là bài toán rất lớn và sứ mệnh tìm lời giải đặt lên vai lực lượng doanh nhân trẻ.
Đề cập sự cần thiết phải có một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp Việt, ông Thiên cho biết 15 năm trước ông đã đề xuất ghi vào văn kiện Đại hội Đảng một câu là có chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp Việt.
Nhưng mà ghi thế thôi, ta có thực tế là ý hay thì ghi vào hết nhưng làm thì rất chậm hoặc không làm, ông Thiên bình luận.
Theo vị chuyên gia đang là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì vấn đề then chốt cho các doanh nghiệp trẻ là một chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Phải đặt ra câu hỏi tại sao 30 năm mà doanh nghiệp trẻ Việt Nam chỉ phát triển được như vậy, cơ chế thế nào, doanh nhân trẻ vẫn "nhanh mắt nhanh tay" hay đặt mình vào trò chơi lớn, ông Thiên gợi mở vấn đề.
Tự xếp mình vào số ít những người "quyết chiến" vì sự phát triển của khu vực tư nhân, ông Thiên cho biết chuẩn bị Đại hội Đảng tới đây, ông sẽ đặt lại câu chuyện trên và hy vọng sẽ định hình lại một chiến lược mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Cứ trói buộc và phân biệt thế này thì doanh nghiệp không thể lớn và không muốn lớn. Trói buộc thành lợi ích mà gỡ ra thì đau đớn xót xa lắm chứ không phải dễ đâu", ông Thiên nói.
Những vấn đề được chuyên gia Trần Đình Thiên đặt ra nhận được sự quan tâm trong phần thảo luận tiếp theo.
Theo doanh nhân Phương Hữu Việt, người từng làm Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam hơn 10 năm trước thì lý do để doanh nghiệp Việt không lớn được là luật không bình đẳng.
Thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp FDI bình quân chung chỉ 11%, còn doanh nghiệp Việt Nam thì trung bình 29%, chênh nhau như thế làm sao sống được, ông Việt phát biểu.