20:56 12/05/2007

“Phải điều tra chống liên kết độc quyền giá xăng”

Giá xăng bất ngờ tăng vừa qua khiến nhiều người khẳng định các doanh nghiệp đã móc ngoặc với nhau để làm giá

Mặc dù đến 0h ngày 7/5 các công ty kinh doanh xăng dầu mới bắt đầu tăng giá, nhưng ngay từ 12h ngày 6/5, nhiều cửa hàng xăng dầu dọc quốc lộ 13 (từ Tp.HCM đi Bình Dương) đã đóng cửa, ngưng bán để ghìm giá với lý do nêu ra là... “hết xăng” hoặc “cúp điện”. Trong ảnh: Cửa hàng xăng dầu Thành Phát tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương trùm trụ xăng, ngưng bán vì... hết xăng (Chụp lúc 14g ngày 6/5).
Mặc dù đến 0h ngày 7/5 các công ty kinh doanh xăng dầu mới bắt đầu tăng giá, nhưng ngay từ 12h ngày 6/5, nhiều cửa hàng xăng dầu dọc quốc lộ 13 (từ Tp.HCM đi Bình Dương) đã đóng cửa, ngưng bán để ghìm giá với lý do nêu ra là... “hết xăng” hoặc “cúp điện”. Trong ảnh: Cửa hàng xăng dầu Thành Phát tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương trùm trụ xăng, ngưng bán vì... hết xăng (Chụp lúc 14g ngày 6/5).
Giá xăng bất ngờ tăng vừa qua khiến nhiều người khẳng định các doanh nghiệp đã móc ngoặc với nhau để làm giá.

TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng: “Khi chưa thật có cạnh tranh, doanh nghiệp luôn có xu hướng dàn xếp làm giá; nên Nhà nước luôn phải sẵn sàng điều tra chống sự liên kết độc quyền nhằm móc túi người dân”.

Hơn 30 năm nghiên cứu thương mại, ông Nam tiết lộ nhiều cách người ta có thể làm giàu từ quyền định giá xăng dầu:

- Tăng giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn là chuyện của Nhà nước, bây giờ bỏ trợ cấp rồi nhưng Nhà nước vẫn bù nếu giá xăng dầu thế giới lên cao quá. Cơ chế thị trường mà vẫn giữ chính sách kiểu bao cấp như vậy thì người ta sẽ lợi dụng bao cấp để “ăn” theo kiểu thị trường. Nhiều chuyên gia nước ngoài bảo họ ngạc nhiên vì có nhiều cách mua được dầu giá thấp nhưng Việt Nam không ai cố làm, vì giá càng biến động càng dễ có khoản chênh lệch.

Có hay không việc mua 1 triệu lít nhưng đòi trợ giá 1,5 triệu lít thì công an phải vào cuộc; nhưng đơn giản nhất là việc người ta có thể tham nhũng thông tin. Một ông B. biết tuần tới sẽ tăng giá xăng, thế là ông ta đến “anh ký bán cho tôi 8.000 tấn”. Hàng cứ để kho, tuần sau giá lên, ông B. lại đến “anh ký mua lại cho tôi 8.000 tấn hôm trước, chênh lệch chia đôi”...

Chỉ như thế thôi thì mỗi lần tăng giá xăng, số tiền hai bên bỏ túi đã lên tới nhiều tỉ đồng rồi. Thanh tra giờ cứ đi thanh tra những cây xăng lẻ, không cho phép họ găm hàng trong khi họ chỉ găm được vài trăm lít, vài ngàn lít là cùng. Găm hàng ở đầu nguồn mới khủng khiếp. Sắp đến ngày tăng giá, cây xăng muốn gọi xe chở xăng về có dễ không? Không đâu!

Thả nổi muộn nhưng định hướng kém

Nhà nước vừa cho doanh nghiệp được quyền định giá xăng, lập tức giá xăng tăng vào giữa đêm. Có vẻ sự tăng quyền cho doanh nghiệp ở ta hay mang đến thiệt hại ngay cho dân?

Thế giới họ không làm vậy. Nhiều người cứ bảo bỏ trợ giá sẽ lo giá xăng tăng, ảnh hưởng đến sản xuất. Thực tế không đúng. Một trong những lợi ích lớn của việc doanh nghiệp được tự định giá xăng dầu là giá cả sẽ ổn định hơn! Hầu hết các nước đều cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu nhưng việc tăng giảm ở họ không đột ngột như ta. Vì sao? Với các mặt hàng nguyên liệu như xăng dầu, người ta có thể ước tính lượng tiêu thụ cả một năm.

Vì thế, thay vì hết thì nhập như ở ta, họ tính giá xăng dầu vào mùa đông (khi nhu cầu sưởi tăng) để mùa thu họ nhập, nếu dự tính tình hình thế giới sắp có biến động thì họ nhập ngay. Lúc giá dầu lên thì họ không nhập nữa.

Vì thế, đang bán 2 USD/lít chẳng hạn, bỗng giá tăng lên 3 USD/lít họ vẫn có thể chỉ tăng lên 2,3 hoặc 2,5 USD/lít thôi. Thế vừa có lãi vừa giữ được khách, lại tăng uy tín. Tất nhiên, chỉ khi phải cạnh tranh khốc liệt họ mới làm điều này.

Như ông nói thì Việt Nam toàn phải mua xăng giá đắt?

Chúng ta toàn ăn đong, mua bán theo quyết định hành chính. Sắp hết thì nhập. Đang cần kíp thì khó mà mua được giá rẻ. Điều này còn tạo khả năng làm giàu đến khủng khiếp cho những người có thể quyết định việc mua xăng dầu. Vì họ được quyền kiến nghị tăng giá, họ sẽ ước được thời điểm nào tăng. Khi có quyết định tăng giá thì thuyền chở dầu về.

Nhưng có trời mới biết là họ ký hợp đồng mua ở thời điểm nào! Mức chênh lệch trên hàng vạn tấn dầu là khủng khiếp.

Thưa ông, nhiều người cho rằng việc Nhà nước cho doanh nghiệp tự định giá xăng là hơi vội vã (trong khi chưa chuẩn bị đủ điều kiện) bởi giá xăng dầu liên quan đến toàn nền kinh tế?

Theo tôi, việc giao quyền định giá xăng dầu nay mới làm đã là quá muộn. Đáng ra chúng ta có thể làm từ chục năm trước. Lợi ích của việc này rất lớn, vừa giúp người dân mua được giá xăng rẻ nhất như cách làm của các công ty nước ngoài, lại tránh được giai đoạn nhạy cảm như hiện nay. Phải hiểu mục tiêu là để giá xăng dầu chạy theo cơ chế thị trường, chứ không phải trao quyền cho doanh nghiệp muốn định giá bao nhiêu thì định.

Sở dĩ có tình trạng doanh nghiệp “to” quá mức như hiện nay là vì Việt Nam mới chỉ có một số công ty được nhập xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm đến 60% thị phần. Để tình trạng như thế thì cạnh tranh hầu như không đáng kể. Không có cạnh tranh thì khó có giá thật thị trường. Khi thả nổi giá thì tất yếu quyền của Nhà nước rơi vào tay một vài cá nhân trong doanh nghiệp, trong bộ máy.

Mà theo thỏa thuận của ta, đến năm 2009 các doanh nghiệp nước ngoài mới được vào kinh doanh đầy đủ mặt hàng xăng dầu. Giá xăng theo thị trường một cách thật sự, theo tôi, chỉ có được khi có sự cạnh tranh đầy đủ vào năm 2009 hoặc sau nữa.

Như vậy trong ba năm tới, nền kinh tế vẫn phải chịu giá xăng dầu không thật và một số công ty, một số người có thể chi phối cả nền kinh tế qua giá loại nhiên liệu thiết yếu này?

Giá xăng có ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân, không bao giờ được để nó rơi vào tay một số người. Đúng ra nên tạo đủ lực lượng thị trường trước khi cho doanh nghiệp quyền định giá. Lực lượng đó phải nhiều tầm, nhiều cỡ, đủ thành phần thì mới hết tình trạng mấy ông lớn ngồi bàn với nhau xem giá bao nhiêu là đủ.

Nhà nước cứ nhận thức rằng cho nước ngoài vào thì doanh nghiệp trong nước dễ bị thanh toán (trong khi cho họ vào từ từ thì người dân có lợi). Vấn đề là phải đặt lợi của doanh nghiệp lên trên hay đặt lợi của người dân và nền kinh tế lên trên.

Chính sách cho doanh nghiệp định giá nhưng lại yêu cầu phải xin ý kiến các bộ là mâu thuẫn nhau, vừa tăng tính thị trường, lại vừa cản trở yếu tố thị trường?

Định hướng không tốt nên thực thi một biện pháp thị trường, anh vẫn phải “kéo” thêm một cái qui định cũ: phải xin phép. Tôi nghĩ chắc Nhà nước cũng nhận thức được: khi chuyển quyền định giá cho doanh nghiệp, trong khi vẫn khoanh vùng vài doanh nghiệp được quyền nhập dầu, sẽ rất dễ khiến họ liên kết tăng giá.

Theo tôi, tình huống hiện nay buộc tất cả chúng ta đi luẩn quẩn. Mà luẩn quẩn thì doanh nghiệp họ sẽ vẫy vùng vì họ có quyền và có lực làm như thế.

Vấn đề là với qui định như trên có khả năng móc ngoặc giữa quan chức hoạch định chính sách và doanh nghiệp để tăng giá?

Với cơ chế hiện nay thì có thể hiểu việc tăng giá xăng dầu hay không đang phụ thuộc vào ý chí của một số người có chức năng quản lý và sự khôn ngoan của các doanh nghiệp.

Một số nhà quản lý thì có thể đưa ra các lý do để khẳng định với Nhà nước rằng việc tăng giá là đúng. Và các doanh nghiệp, chi phí luôn tăng, họ phải tìm mọi cách để có lãi và lãi cơ bản phải dựa trên giá.

Ở đây không cần nói nhiều tự nhiên cũng hiểu nếu cơ chế giám sát không tốt rất dễ xảy ra sự liên kết ngầm. Sự liên kết này rất khó phát hiện bởi có rất nhiều lý do để tăng giá, như giá thế giới tăng, chi phí vận tải cao, thuế thấp, có thể tăng thuế trước...

Lối giám sát hành chính của Việt Nam lại không thật hiệu quả, nên dễ sinh tiêu cực như đã thấy ở nhiều chỗ.

Phải điều tra?

Hiện đã thấy rõ các doanh nghiệp đã tham khảo ý kiến nhau tăng giá xăng. Vậy việc cần làm của Nhà nước bây giờ là gì? Làm gì để người dân đỡ bị móc túi?

Phải hoàn thiện hành lang pháp lý để hạn chế độc quyền, thỏa thuận nâng giá. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển đồng bộ thị trường. Cách làm không khó, chỉ cần làm giống việc phá độc quyền của VNPT với Vietel và E-Mobile. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện vốn không đáng kể. Trước hết phải cổ phần hóa vừa để huy động vốn, vừa đưa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vào quĩ đạo thị trường.

Bản thân các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nhờ sự bảo hộ mới có vị thế hiện nay. Đến 2009, doanh nghiệp nước ngoài vào tình hình sẽ khó khăn hơn, nên cũng phải buộc doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam làm những nghiệp vụ kinh doanh hiện đại với các kiểu hợp đồng future, hợp đồng giao sau, hợp đồng bảo hiểm rủi ro về giá...

Các sở giao dịch năng lượng ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore đều có đó nhưng các công ty của ta đã tham gia đâu! Mà đây là công cụ rất phổ biến để chống lại biến động giá!

Ông vừa nói cơ chế hiện nay dễ sinh móc ngoặc giữa doanh nghiệp và công chức có quyền đồng ý cho tăng giá xăng. Cơ quan nào sẽ giám sát cả hai đối tượng này để ngăn chặn tình trạng móc ngoặc?

Giám sát chung giờ vẫn phải trông vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu có giao dịch ngầm thì các cơ quan này sẽ phát hiện. Tất nhiên, như tôi nói, để phát hiện sự móc ngoặc này không dễ. Chỉ có một loại giám sát hiệu quả nhất là giám sát xã hội. Nhưng muốn giám sát xã hội có hiệu quả thì Nhà nước phải tạo điều kiện cho xã hội.

Chứ như hiện nay, dù báo chí, dân nói ì xèo nhưng doanh nghiệp cứ im lặng mà làm, cuối cùng thượng đế kêu chán rồi cũng phải im.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới hiện nay, tăng 800 đồng/lít là chấp nhận được. Nhưng nếu cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu hành vi liên kết độc quyền nhằm trục lợi trong dài hạn, gây hại cho người tiêu dùng mà trong luật cạnh tranh gọi là “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” thì hoàn toàn nên điều tra.

Việt Nam chưa có tiền lệ nhưng nếu có một án phạt nặng dành cho hành vi liên kết độc quyền (công ty bị phạt và cá nhân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ có tác dụng răn đe rất tốt cho các hành vi độc quyền không lành mạnh về sau.