"Phải tránh việc cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp"
Cơ quan quản lý và các chuyên gia cho rằng, vẫn còn tình trạng chung chung, hình thức trong việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp
"Trong kiểm tra chuyên ngành hay điều kiện kinh doanh, chúng ta cứ nêu ra cụm từ chung chung như vậy rất khó khăn cho đơn vị thực hiện. Doanh nghiệp nói là rất nhiều câu từ thế này đôi khi chúng tôi bị bẫy. Nếu thích, vui vẻ thì qua, mà không thích, không vui thì bắt luôn cũng được. Cần phải tránh việc cài cắm này".
Phát biểu trên được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và rà soát, cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh còn bất cập, chồng chéo, ngày 28/2.
"Không được bỏ cái nọ, mọc cái kia"
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, theo yêu cầu của Chính phủ, 11 Bộ phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 50% thủ tục kiểm tra. Trong đó nhiều nhất là Bộ Y tế có 802 mặt hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông có 143 mặt hàng, Tài nguyên và Môi trường có 110 mặt hàng, Bộ Giao thông vận tải có 128 mặt hàng…
Còn các điều kiện kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật, với 3.571 điều kiện kinh doanh cho 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 13 Bộ. Trong đó nhiều nhất là Bộ Công Thương (1.215 điều kiện, đã cắt giảm 675), Bộ Y tế (853 điều kiện), Bộ Giao thông vận tải (498), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (345), Bộ Tài chính (447), Xây dựng (280), Thông tin và Truyền thông (250), Giáo dục và Đào tạo (241)…
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ phải gương mẫu cắt bỏ các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức.
"Việc cắt giảm, sửa đổi và bãi bỏ phải thực chất chứ không sửa đổi, bãi bỏ theo kiểu cơ học, không mang tính sửa câu chữ, không mang tính bỏ cái nọ, mọc cái khác", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, bên cạnh một số bộ làm tốt thì một số bộ có đưa ra vấn đề về cắt giảm các thủ tục chuyên ngành nhưng chưa có giải pháp cụ thể và thể chế hóa nên chưa thực hiện được.
Đáng chú ý, dù đã liên tục được rà soát nhưng đến nay thực tế vẫn còn khá nhiều điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định như đưa ra cụm từ "phải phù hợp", "phải đủ", "phải sạch sẽ", "phải thuận tiện", "phải có trình độ tay nghề tốt", "phải có đạo đức tốt"…
"Trên thì thảm đỏ, dưới lại rải đinh"
Nêu ý kiến sau đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS.Trần Đình Thiên, cho rằng việc đề xuất để bỏ nhiều nhưng thực sự bỏ và triển khai trên thực tế thế nào để cho doanh nghiệp được hưởng lợi là cả vấn đề.
"Do vậy, ngoài việc các bộ tự đề xuất ra thì phải chuyển sang cắt giảm thực sự, từ cắt giảm thực sự chuyển sang ban hành các điều kiện thực thi để xã hội có thể chuyển hóa được", ông Thiên nhận xét.
Ông Thiên cũng đánh giá trong những việc đã làm, phần đưa các sản phẩm ra khỏi danh mục kiểm tra là tốt hơn nhưng cắt giảm thủ tục hành chính rất chậm, hầu như chưa đáng kể, chỉ một số bộ làm được.
"Tại sao lại chậm, ở đây có vấn đề gì về lợi ích không? Có câu chuyện thủ tục hành chính không tốt vẫn được duy trì hay không?", ông Thiên đặt câu hỏi.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu vấn đề về sự phối hợp của các bộ, ngành với địa phương, "tránh việc đá bóng lên đá bóng xuống".
"Tôi đi địa phương nhiều, có tình trạng trên trải thảm đẹp lắm nhưng dưới lại "rải đinh" nhiều. Đến tỉnh nào cũng nói kiên quyết phải nhổ từng cái đinh một, nhổ đến cái đinh cuối cùng nhưng đinh đóng rồi khó nhổ lắm và còn phụ thuộc trên có cho nhổ đinh hay không. Chúng ta cứ hì hục gỡ những cái do chúng ta tạo ra và coi đó là thành tích vĩ đại thì không được. Không làm được là nguy hiểm, còn làm được là bình thường. Phải làm được", ông Thiên nói.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay kết quả đạt được là rất tích cực nhưng chưa đều. Có bộ rất nhanh, rất tốt như Bộ Công Thương đã bãi bỏ được hơn 600 điều kiện kinh doanh nhưng còn phần lớn đang dừng lại ở "có phương án". Một bộ phận khác mới dừng lại ở "ý tưởng" chứ chưa có phương án cụ thể...
"Ở đâu lãnh đạo bộ, đặc biệt là bộ trưởng quyết liệt, sát sao, có kế hoạch thì ở đó có kết quả rõ ràng, rất nhanh. Có nghĩa là các bộ trưởng vào cuộc cũng chưa đồng đều. Sự chần chừ trong cải cách, thay đổi ở nội bộ các bộ còn rất lớn", ông Cung nhận xét.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cho biết ngay sau buổi kiểm tra sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trước hết phải xử lý được vấn đề kiểm tra chồng chéo giữa các bộ. Đồng thời sẽ báo cáo Thủ tướng đồng ý chủ trương một nghị định sửa nhiều nghị định để cắt giảm các điều kiện kinh doanh và ban hành theo trình tự rút gọn.
Tổ công tác đề nghị sau buổi kiểm tra, các Bộ xây dựng phương án chính thức, rõ ràng cho từng vấn đề, từ ngày 15/3 Tổ sẽ làm việc với từng Bộ.
"Mỗi tháng sẽ kiểm tra ít nhất 4 đơn vị, lần này xuống tận huyện, tận địa phương. Bởi rào cản không phải chỉ ở trên Bộ mà còn ở nhiều ngóc ngách khác", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý các cộ không được xây dựng phương án cắt giảm hình thức, bởi các buổi kiểm tra sẽ có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời, việc cắt giảm phải thực chất, "tránh tình trạng gom nhiều điều kiện kinh doanh lại làm một, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp".