16:47 03/05/2012

Phân cấp quản lý: “Đừng đổ hết lỗi cho địa phương”

Anh Minh

Chuyên gia nói cấp Trung ương phải chịu trách nhiệm trước tiên cho những hệ lụy từ phân cấp

Các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn vốn đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách Trung ương”.
Các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn vốn đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách Trung ương”.
Tình trạng 63 tỉnh thành là 63 “nền kinh tế” đang được xem là một hệ lụy của việc phân cấp quản lý mạnh mẽ cho các địa phương trong thời gian qua. Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính cấp Trung ương phải chịu trách nhiệm trước tiên cho tình trạng này thay vì đổ lỗi cho các tỉnh thành.

Đầu tháng 4/2012, Quảng Ninh đã chính thức công bố kế hoạch xây dựng sân bay Vân Đồn với diện tích gần 285 ngàn ha, tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng, công suất có thể đạt 5 triệu lượt khách mỗi năm.

Việt Nam hiện đã và đang xây dựng và mở rộng 22 sân bay dân dụng trong đó có 8 sân bay quốc tế, nên trước thông tin này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã bày tỏ sự lo ngại.

Theo ông Doanh, ngoài sân bay, Việt Nam cũng đang xây dựng 20 cảng biển quốc tế, 18 khu kinh tế biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp. Trong thời gian từ 2001 đến 2010 đã quyết định thành lập mới 307 trường đại học, học viện, hiện nay Việt Nam có tổng cộng 409 trường đại học, học viện, trường cao đẳng, bình quân mỗi tỉnh có 6 trường.

Vẫn theo chuyên gia này, trong khi dư luận thường quy trách nhiệm cho các địa phương về tình trạng phân tán trên, cho rằng “các địa phương được quyền tự chủ rất lớn về quy hoạch phát triển, phân cấp đất, quyền quyết định xây dựng các cơ sở hạ tầng trong tỉnh, tuy là cần có sự đồng ý của cấp trên.

Tuy nhiên, trên thực tế tất cả các dự án đầu tư kể trên đều được quyết định từ Trung ương chứ không phải do địa phương tự quyết định.

“Có thể xác định đầu tư công là một sản phẩm của cơ chế xin-cho, trong đó cả hai phía “xin” và “cho” đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm, có hiện tượng “đi có, về có, đi không, về không” và cũng có hiện tượng “gửi dự án”. Hệ quả là đầu tư công rất kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20-30%”, ông Doanh nói.

“Rõ ràng sự kém hiệu quả của đầu tư công nằm ở quy hoạch, kế hoạch, quy trình quyết định đầu tư, tức là ở thể chế và bộ máy. Nếu không có thay đổi trong thể chế và bộ máy, rất khó có thể tái cấu trúc đầu tư công”, ông kiến nghị.

Vẫn chuyện phân cấp, nhưng soi chiếu vào vấn đề cắt giảm đầu tư công, vị chuyên gia này nói rằng cuối năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo đã cắt giảm 3.400 tỷ đồng, song trong báo cáo của Chính phủ ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4/2012 vừa qua, chi đầu tư công đã tăng 23% và có nhiều ý kiến cho rằng cắt giảm vừa qua chủ yếu là cắt giảm trên giấy.

Trong khi đó, thông tin chưa chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay cả nước hiện có 66.000 dự án đầu tư công với nhu cầu vốn khoảng 220.000 tỷ VND, trong số đó khoảng 70% số dự án do các địa phương quản lý và quyết định đầu tư tuy có cần sự chấp thuận của trung ương. Điều đặc biệt đáng lo ngại là quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và khả năng huy động vốn trong khi các tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư về kinh tế-xã hội chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc pháp lý.

Cùng quan điểm này, TS. Võ Đại Lược thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nói rằng từ 2006 đến nay phần lớn dự án đầu tư công đều được phân cấp cho ngành và địa phương, dẫn tới hệ quả là việc quyết định đầu tư công đã tách rời việc bố trí vốn. Hiện nay các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn vốn đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách Trung ương”.

“Không ít địa phương tận dụng các chuyến công du của lãnh đạo cấp cao tới địa phương để xin dự án - xin vốn. Hệ quả là các dự án do các địa phương quyết định quá nhiều, nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn hẹp và bị dàn trải. Không ít dự án bị thiếu vốn, thực hiện cầm chừng, kéo dài thời gian kết thúc, chậm đưa vào sử dụng, do vậy hiệu quả ngày càng bị giảm thiểu”, ông Lược nói.

Giải pháp cơ bản cho việc đổi mới cơ chế phân cấp và quản lý đầu tư công của Việt Nam cho giai đoạn phát triển trước mắt, vẫn theo ông Lược, là phải xây dựng một cấp quản lý vùng có các quyền quyết định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng, quyết định quy hoạch và xây dựng các kết cấu hạ tầng của vùng, quy hoạch và xây dựng các đô thị, các khu công nghiệp, các trường đại học trong phạm vi vùng..

Ông Lê Đăng Doanh cũng dẫn phát biểu trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm 2011 – 2015.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng bí thư cũng nhấn mạnh rằng cần “khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hay từ chối hoặc cắt giảm các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư công; khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường; cũng như tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, nợ xây dựng cơ bản lớn, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp.”

Theo ông Doanh, có thể coi phát biểu trên là “một bước đúc kết về đầu tư công và cần tổ chức thực hiện theo một lộ trình hợp lý”!