09:39 20/11/2011

Phát triển khu kinh tế: “Nói nhẹ nhàng là chưa thành công”

Nguyên Hà

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát triển các khu kinh tế hiện nay đang gây lãng phí lớn

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế khảo sát tại Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) - Ảnh: Hải Hà.
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế khảo sát tại Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) - Ảnh: Hải Hà.
"Dù không thành công song giữ nguyên được 18 khu kinh tế như hiện nay mà không đẻ thêm ra cái nào là may mắn lắm rồi, vì tư duy nhiệm kỳ ăn vào máu thịt rồi, hàng trăm năm nữa không đổi được...".

"Anh nói thế tức là việc tái cơ cấu nền kinh tế không làm được à?".

"Được, được nhưng phải có giải pháp mạnh hơn nhiều, vấn đề là phải “tái cơ cấu” cái đầu của chúng ta trước, nếu không thì có “giời” mà làm được…".

Đây là một đoạn đối thoại tại hội thảo tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - những vấn đề đặt ra cho các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do UNDP tài trợ.

Diễn ra vào thứ Bảy (19/11) tại Hải Phòng, song hội thảo đã thu hút sự tham gia của khá nhiều chuyên gia kinh tế và các vị đại biểu Quốc hội cũng như đại diện các khu kinh tế.

Không thành công, nhiều lãng phí, lực cản sẽ là không nhỏ song giảm số lượng để tăng hiệu quả là hết sức cần thiết… là những thông điệp mạnh mẽ được thống nhất rất cao tại đây.

Đặt trong sự so sánh tương đối với nhiều quốc gia khác, 18 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đang thiếu từ thể chế đến nguồn lực và trình độ quản lý.

Lấy ví dụ ngay từ khu kinh tế đầu tiên được thành lập là Chu Lai, TS. Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, nơi đây không có chính sách mới được thử nghiệm, cũng chưa thu hút được sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài, chưa là động lực phát triển của miền Trung.

Như thế cũng có nghĩa là chưa đạt được các mục tiêu quan trọng nhất của một khu kinh tế, ông Vũ Thành Tự Anh đánh giá.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, điều kiện mở rộng khu kinh tế là phải có cảng nước sâu và sân bay vô hình trung đã kích thích việc xin mở sân bay và cảng biển. Và cuộc đua rất gay gắt này đã dẫn đến tình trạng quy hoạch treo lớn nhất từ trước đến giờ.

Trong khi đó, việc hết sức cấp thiết, theo ông Vũ Thành Tự Anh là một hệ thống đánh giá chính xác hiệu quả của các khu kinh tế này thì lại chưa có.

“Rất nghi ngờ” vào khả năng thành công của các khu kinh tế, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh cần có sự tham gia của khu vực tư nhân vào sự phát triển của mô hình này.

Cũng không có mấy đánh giá lạc quan, theo TS. Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, bí quyết thành công của các khu kinh tế chính là thể chế hiện đại, song theo thể chế hiện hành của Việt Nam thì các khu kinh tế đang được ưu đãi bằng các xã khó khăn nhất.

Ban quản lý các khu kinh tế không có quyền tự chủ và đề xuất thể chế mới, trong khi thể chế nội địa thì có rất nhiều vấn đề. Bởi vậy, nếu không có luật về khu kinh tế thì 10 năm nữa, theo ông Lược, đây vẫn là những địa chỉ gây lãng phí lớn về đất đai và hiệu quả đầu tư vẫn thấp.

Ông Lược kiến nghị tạm dừng việc ra quyết định xây dựng các khu kinh tế mới. Những nơi nào đã có quyết định thành lập nhưng chưa thực hiện cũng phải tạm dừng lại. Đồng thời thu hẹp diện tích những khu kinh tế hiện có, chuyển thành các khu công nghiệp.

Đề xuất phát triển khu kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2020, quan điểm của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên là phải chọn 2 - 3 khu kinh tế biển để đầu tư dứt điểm trong giai đoạn 2012 - 2015. Tiêu chí để chọn các khu này phải gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Cụ thể ở phía Bắc chọn khu vực Hải Phòng là trung tâm phát triển kinh tế biển với điểm nhấn là cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và toàn bộ các địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên là khu vực hậu cần.

Phía Nam chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm điểm đột phá với công nghiệp dầu khí làm mũi nhọn, cùng với các cảng của thành Tp.HCM sẽ là cửa ngõ của cả vùng Đông Nam Bộ, vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Khu vực miền Trung sẽ chọn khu Dung Quất, Chu Lai làm cửa ngõ đột phá với cửa ngõ nối quốc tế là cảng Đà Nẵng.

Có chung nhận định là Việt Nam đang có quá nhiều khu kinh tế và khu công nghiệp, TS. Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Phải xem lại hiệu quả chứ không phải cứ mở ra mãi, nhất là trong khi đang thu hep tín dụng thì vấn đề bức thiết là tăng hiệu quả chứ không  phải số lượng”.

Một cách làm thông minh và thông thái hơn, trong đó có việc phải tránh chính trị hóa các quyết định về đầu tư hạ tầng tại các khu kinh tế, là lời khuyên được vị chuyên gia nước ngoài này đưa ra.

Chia sẻ với nhiều ý kiến tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện trạng các khu kinh tế sau 10 năm “nói nhẹ nhàng là chưa thành công, nói nặng là chẳng thành công”.

Nguyên nhân cốt lõi, theo ông Lịch là tư duy phát triển dàn hàng ngang, cả nước có 63 nền kinh tế dẫn đến hệ quả lớn nhất là nguồn lực hữu hạn bị phân tán.

Giả sử một con tàu từ Tp.HCM ra Côn Đảo mất 1.000 lít xăng, song số xăng này lại đem chia năm xẻ bảy và mỗi con tàu chỉ chạy  được một đoạn thì hết xăng nằm chờ đó, ông Lịch ví von.

Ông đề nghị báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế về nội dung này cần nói rõ là “không thành công” trong phát triển các khu kinh tế. Phải thể hiện rõ là sẽ chọn khu nào để phát triển tiếp, nếu cần đưa Quốc hội quyết, bố trí ngân sách luôn để làm đồng bộ cả hạ tầng, thể chế và nhân lực, đồng thời công khai thông tin để dân hiểu.

“Đau khổ nhất là chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang, quy hoạch treo, vừa mất đất vừa không tạo việc làm, vì thế phải đề nghị thật mãnh mẽ việc giảm bớt các khu kinh tế, có thể mất lòng nhưng vì cái chung”, ông Lịch phát biểu.

Đồng tình quan điểm chỉ nên để lại 3 - 4 khu kinh tế, song Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá nói rằng ông “nghi ngờ lành mạnh” về khả năng thực hiện.

Vì Việt Nam vẫn tư duy kinh tế theo nhiệm kỳ và đơn vị hành chính, cả nước đều là công thần cho nên khó mà “cắt” được ở địa phương nào. “Giữ nguyên 18 khu đã là tốt, không đẻ ra nữa là may lắm rồi”, ông Bá nói.

Nhận định phát triển các đặc khu kinh tế không còn nhiều tác dụng nữa, ông Bá đặt câu hỏi, tại sao không hình dung cả đất nước mình là một khu kinh tế mở?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa 12 Hà Văn Hiền cho rằng, tái cơ cấu đầu tư, trong đó có các khu kinh tế, suy cho đến cùng là nâng cao hiệu quả đầu tư. Vì vậy “linh hồn” của báo cáo giám sát phải làm rõ được  nguyên nhân vì sao sau gần 10 năm hoạt động nhiều khu kinh tế phát triển chậm và kém như vậy.