Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Bình: "Hãy hỏi tại sao người lao động muốn làm thêm"
"Đừng tiếp cận theo cách người lao động muốn làm thêm giờ mà hãy hỏi vì sao họ muốn làm thêm"
Góp ý về một số nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm, ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình lưu ý rằng, đừng tiếp cận theo cách người lao động muốn làm thêm giờ mà hãy hỏi vì sao họ muốn làm thêm.
"Phải biết thương người lao động"
Bày tỏ quan điểm về giờ làm thêm, ông Bùi Văn Phương cho rằng, tăng giờ làm thêm là xu thế đi ngược với sự tiến bộ. Ông nhấn mạnh, nghị quyết của Đảng cũng chỉ rõ, mỗi một bước về tăng trưởng kinh tế luôn đi liền với tiến bộ về mặt xã hội.
Do vậy, sẽ là vô lý nếu 30 năm nay, kinh tế tăng trưởng mà chúng ta không nghĩ đến giảm giờ làm, lại muốn tăng giờ làm thêm để đáp ứng nguyện vọng của một số doanh nghiệp thì đó là không phù hợp.
"Người lao động có thực sự muốn tăng giờ làm thêm hay không? Tôi xin nói là không ai muốn đâu, chỉ vì quá khổ, lương quá thấp mà buộc phải làm. Quan điểm của tôi là giữ như hiện hành", ông Bùi Văn Phương đề xuất và lưu ý rằng, đừng tiếp cận theo cách người lao động muốn làm thêm giờ mà hãy hỏi vì sao họ muốn làm thêm.
"Chúng ta phải biết thương người lao động, khi vẫn còn nhiều người vào miền Nam làm ăn một năm mới về quê được một lần, nhiều vợ chồng công nhân phải gửi con về quê cho ông bà trông…vậy tăng giờ làm thêm có phải là sự tiến bộ hay không", ông Bùi Văn Phương tiếp tục đặt câu hỏi.
Biết là tăng giờ làm thêm cũng phải căn cứ vào việc đảm bảo lợi ích của tất cả các bên, song vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình vẫn bảo lưu quan điểm, không nên chạy theo nhu cầu của một vài doanh nghiệp. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, nếu doanh nghiệp không cân đối được quyền lợi của người lao động một cách thỏa đáng thì sẽ bị đào thải, đây cũng là quy luật tất yếu của thị trường.
Đừng quyết định theo ý chủ quan của người làm chính sách
Nhìn nhận một vấn đề khác được sự quan tâm lớn của người dân là tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông Phương, qua thực tiễn các lần tiếp xúc cử tri và nắm bắt tâm tư, ý nguyện của người lao động, có thể nói rằng người lao động đang hết sức băn khoăn, thể hiện sự đồng tình chưa cao về tăng tuổi nghỉ hưu.
Ông đánh giá nhiều lý do mà ban soạn thảo đưa ra là chưa thực sự thuyết phục. Trước hết, việc cho rằng 60 năm qua, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam chưa tăng là "chưa thỏa đáng" bởi vì "quy định đã lâu nhưng còn phù hợp thì vẫn có thể thực hiện, còn quy định mới nhưng không phù hợp thì không nên áp dụng".
Với những lo ngại về việc thiếu lao động do quá trình già hóa dân số, vị đại biểu dẫn chứng rằng, thực tiễn cho thấy mỗi năm dân số tăng khoảng 1,2 triệu người và số lao động thất nghiệp thực tế vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, chính sách về dân số cũng đã được "cởi mở" hơn. Trước đây, quy định mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 – 2 con, nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng, nhưng đến nay chính sách đã nới rộng hơn bằng việc mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con. "Rõ ràng là vấn đề xử lý không còn khắt khe như trước nữa, nên lý do sợ thiếu lao động tương lai tôi nghĩ vẫn chưa thực sự thuyết phục", ông Bùi Văn Phương nhận định.
Ngoài ra, về góc độ bình đẳng giới, ông Bùi Văn Phương đánh giá, không phải lao động nữ mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu, nếu có thì đây là một bộ phận rất ít. "Việc cho phụ nữ nghỉ sớm hơn 5 tuổi là ưu việt của chế độ, sự chia sẻ của xã hội với phụ nữ vì những vất vả của nhiều thiên chức khác", ông Bùi Văn Phương nhấn mạnh và cho rằng đây cũng là ý nguyện của cử tri qua các lần tiếp xúc.
Đồng thời, thực tế chứng minh quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ 55 đối với người Việt Nam là phù hợp về tình hình sức khỏe, chúng ta không thể so sánh với tuổi nghỉ hưu của các nước khác, vì điều kiện lao động, thể lực của họ cũng hoàn toàn khác với Việt Nam.
Riêng về lý do tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm xã hội, ông Bùi Văn Phương tiếp tục không đồng tình, bởi chính vì lo ngại này nên Luật Bảo hiểm xã hội trước đó đã được sửa đổi theo tinh thần đóng hưởng thì không thể nói vỡ quỹ được.
Thừa nhận tăng tuổi hưu là vấn đề lớn, thậm chí ở các nước việc này còn dẫn đến những cuộc biểu tình rất rầm rộ để phản đối, do đó ông Bùi Văn Phương cho rằng phải xem xét từ thực tiễn, nguyện vọng của người lao động, chứ không nên quyết theo ý chủ quan của những người làm chính sách. "Tôi nói thẳng, người lao động không ai muốn tăng đâu, mà chính chủ doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng lao động già", ông Bùi Văn Phương nêu ý kiến.