17:26 08/08/2013

Phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô quy về một bộ

Hoài Ngân

Nội dung chính đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh.<br>
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh.<br>
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 6/8/2013 về đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, theo đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) sẽ là đầu mối trong các công việc này.
 
Văn bản này được ban hành với mục tiêu "bảo đảm quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước".

Bên cạnh đó, đây là cơ sở để "từng bước tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi, có khả năng dự báo trước trong trung và dài hạn để góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững".

Văn bản này cũng quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô với lộ trình phù hợp; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan trong việc phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện ngay trong năm 2013 quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành trong các lĩnh vực: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả.

Văn bản này cũng đưa ra 5 nội dung phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, phối hợp trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữa các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững.

Thứ hai, phối hợp trong việc đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế; trong việc tạo dựng và phát triển các thị trường: vốn, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học-công nghệ…; trong việc đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường và trong các vấn đề về kinh tế đối ngoại.

Thứ ba, phối hợp trong toàn bộ chu trình xây dựng và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm: xác định các mục tiêu của chính sách; đánh giá tác động và đưa ra các giải pháp, công cụ thực hiện mục tiêu chính sách; triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách và đánh giá, điều chỉnh chính sách.

Thứ tư, phối hợp trong việc xây dựng các phương án, giải pháp đối với các biến động kinh tế-xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là những biến động bất thường về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực.

Thứ năm, phối hợp trong việc xây dựng hệ thống thông tin, bao gồm: tạo lập hành lang pháp lý cho việc xây dựng cơ sở thông tin thống nhất cho hoạt động dự báo và tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo; xác định rõ các nội dung dự báo vĩ mô chủ yếu của bộ, cơ quan liên quan gắn với yêu cầu thông tin dự báo phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các bộ, cơ quan, địa phương.