Qua thời kỳ "trăng mật", các startup công nghệ Trung Quốc bắt đầu chật vật gọi vốn
Thời kỳ phát triển bùng nổ của startup công nghệ Trung Quốc chắc chắn đang khép lại
Triển vọng của các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ ở Trung Quốc đang xấu đi, thể hiện qua việc ngay cả những startup "hot" nhất cũng đang vấp phải thách thức lớn trong việc gọi vốn.
Năm nay, dòng vốn đầu tư mạo hiểm cạn dần khiến ba startup công nghệ lớn của Trung Quốc phải hoãn hoặc hủy kế hoạch huy động vốn. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy thời kỳ bùng nổ của startup công nghệ Trung Quốc đã bắt đầu đi tới hồi kết, hãng tin Bloomberg cho hay.
Full Truck Alliance, một startup có sự hậu thuẫn của tập đoàn Nhật Bản SoftBank, đã hủy kế hoạch huy động tới 1 tỷ USD tiền vốn và hiện đang tập trung vào cải thiện kết quả kinh doanh.
SenseTime Group, startup được định giá cao nhất thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), cho biết hiện tại không có kế hoạch huy động vốn hay mục tiêu huy động vốn nào. Vài tháng trước, SenseTime được cho là có ý định huy động khoảng 3 tỷ USD.
Và Royole Corp., công ty đầu tiên trên thế giới bán thiết bị công nghệ đeo trên người có thể bẻ cong linh hoạt, vẫn chưa tìm được nhà đầu tư tiềm năng nào cho đợt gọi vốn 1 tỷ USD bắt đầu từ nhiều tháng trước, nguồn thạo tin cho hay.
Ngành công nghệ của Trung Quốc đã phát triển mạnh trong thập kỷ qua, trở thành nguồn sản sinh tài sản nhanh nhất và lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Làn sóng công nghệ của Trung Quốc đã tạo ra những công ty nổi tiếng từ Alibaba tới Tencent và ByteDance, đồng thời thu hút nhiều tỷ USD vốn đầu tư từ những "ông lớn" như SoftBank.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2019, sau khi Mỹ đặt ra những biện pháp hạn chế khiến giới đầu tư giảm lạc quan vào nền kinh tế Trung Quốc, theo đó khiến dòng vốn đầu tư chảy vào ngành công nghệ nước này yếu dần.
Thời kỳ sinh sôi nảy nở với hơn 100 "kỳ lân" (những startup công nghệ được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) không còn sôi động như trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 7 "kỳ lân" Trung Quốc xuất hiện, so với con số 30 trong cả năm 2018.
"Tinh thần đầu cơ ngự trị ở Trung Quốc mấy năm qua đã nguội đi trong năm nay", nhà phân tích Michael Norris thuộc công ty tư vấn AgencyChina nhận xét. "Những vụ đầu tư lớn của SoftBank thường được xem như sự phê chuẩn đối với các công ty được rót vốn, nhưng năm nay, các công ty như Uber và WeWork đã chứng minh một điều rằng SoftBank không phải lúc nào cũng chọn đúng".
Chưa ai dự báo về một vụ sụp đổ kiểu bong bóng dotcom, bởi một số startup công nghệ Trung Quốc như Beijing Kuaishou Technology vẫn săn vốn với mức giá chào bán đắt đỏ, hay Megvii vẫn có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tuy nhiên, thời kỳ phát triển bùng nổ của startup công nghệ Trung Quốc chắc chắn đang khép lại. Cách đây 2 năm, các nhà đầu tư còn chấp nhận để các startup thua lỗ triền miên, đặc biệt trong lĩnh vực gọi xe, nhưng giờ đây, họ yêu cầu các startup phải đưa ra được mô hình kinh doanh và chiến lược có thể mang lại lợi nhuận.
Dòng vốn ào ạt đổ vào các startup công nghệ Trung Quốc những năm trước, mà đỉnh điểm là những khoản đầu tư từ quỹ Vision Fund của SoftBank, chảy ngày càng chậm lại.
Các startup Trung Quốc năm nay mới huy động được 32,5 tỷ USD trong các thương vụ đầu tư mạo hiểm, so với 111,8 tỷ USD trong cả năm 2018, theo số liệu của công ty tư vấn Preqin. Tính đến giữa tháng 9, các công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc mới huy động được 9,9 tỷ USD, bằng khoảng 1/3 so với mức 25 tỷ USD của cả năm 2018.
Hãng xe điện NIO là một ví dụ điển hình về những thách thức mà các "kỳ lân" công nghệ Trung Quốc đang đối mặt. Thành lập năm 2014, hãng này đến nay đã thua lỗ gần 6 tỷ USD.
Vốn cạn, các startup phải xoay đủ cách. Cổ đông của Luckin Coffee, công ty từng đặt mục tiêu cạnh tranh với Starbucks ở Trung Quốc, dùng cổ phiếu thế chấp để vay vốn. NIO phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi để huy động vốn.
Theo giới thạo tin, những công ty dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn như vậy thường chỉ vay được 0,2 USD cho mỗi 1 USD cổ phiếu.