10:10 28/10/2020

Quân đội huy động trên 250.000 người ứng phó bão số 9

An An

Hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên

Thông tin từ Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quân đội đã huy động 254.980 người và 2.294 phương tiện các loại, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 9.

Bộ Quốc phòng cũng đã thành lập 2 đoàn công tác do đại diện lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn, trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa.

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã thành lập đoàn công tác do Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, sẵn sàng ứng phó với bão số 9 của các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.

Đồng thời, Bộ cũng thành lập 2 đoàn tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống bão số 9. Đoàn 1 do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tại Đà Nẵng. Đoàn 2 do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn, đi kiểm tra tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 phương tiện với 229.290 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 9 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ thuộc bộ chỉ huy quân sự tại các địa phương đang tích cực phối hợp với chính quyền hỗ trợ người dân hoàn tất các công tác chuẩn bị ứng phó trước khi bão số 9 đổ bộ. 

Sau khi đi thị sát công tác phòng, chống bão số 9 tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ Quốc phòng cử tàu hải quân ra cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển. Hiện nay, 2 tàu kiểm ngư đang khẩn trương tiếp cận vùng biển tàu BĐ 98658 TS gặp nạn. 

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay (28/10), sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, bão số 9 đã giảm đi 01 cấp.

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 100-210mm.

Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Quân đội huy động trên 250.000 người ứng phó bão số 9 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 7-9m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Mưa lớn: Ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 150-250mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.