11:30 10/11/2008

Quỹ đầu cơ cũng lỗ

Trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, các hedge fund (quỹ đầu cơ, quỹ phòng vệ rủi ro) cũng đang thua lỗ nặng

Theo dự báo của Economist, giai đoạn khó khăn của các hedge fund còn kéo dài vì nếu hiệu quả đầu tư không cao, khách hàng sẽ tiếp tục bỏ đi.
Theo dự báo của Economist, giai đoạn khó khăn của các hedge fund còn kéo dài vì nếu hiệu quả đầu tư không cao, khách hàng sẽ tiếp tục bỏ đi.
Mỗi khi nhắc đến các hedge fund (quỹ đầu cơ, quỹ phòng vệ rủi ro), người ta thường nghĩ đến chuyện làm giàu nhờ sự lên xuống bất thường của thị trường.

Thật ra, trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, các hedge fund cũng đang thua lỗ nặng không kém các loại quỹ khác.

Alfred W. Jones được xem là người chế ra từ “hedge fund” vào năm 1949, khi nghĩ ra cách vừa mua vừa bán chứng khoán để trung hòa sự biến động giá của từng chứng khoán riêng lẻ trên thị trường.

Từ đó đến nay đủ loại hedge fund ra đời, từ các quỹ vĩ mô toàn cầu (dựa vào sự lên xuống của cả một nước hay một loại ngoại tệ) đến các quỹ vi mô, chuyên tận dụng sự khác biệt rất nhỏ về giá trái phiếu hay sản phẩm phái sinh.

Bản chất của các hedge fund là phòng ngừa rủi ro trước - nhưng do chúng sử dụng công cụ bán khống để đạt mục tiêu phòng ngừa rủi ro đó nên chúng thường được xem là loại quỹ đầu cơ.

Hoạt động của chúng lại thường được che giấu dưới tấm màn bí mật, ít bị điều tiết bởi các quy định dành cho các quỹ đầu tư thông thường. Hiện toàn thế giới có chừng 7.000 hedge fund và từ năm 1990-2007, tài sản do các hedge fund quản lý tăng 50 lần lên đến 2.000 tỉ Đô la.

Theo Economist, giá trị tài sản này dự đoán sẽ giảm khoảng 30-40% và số quỹ có thể giảm còn một nửa. Theo hãng phân tích Hedge Fund Research, loại quỹ chuyên về trái phiếu công ty đã lỗ chừng 46%.

Trong các lần khủng hoảng trước đây, hedge fund bình an vô sự, như năm 1998, lúc quỹ Long-Term Capital Management sụp đổ, bình quân toàn ngành này vẫn có lời. Trong giai đoạn thị trường sụp đổ vì bong bóng dot.com (các công ty công nghệ thông tin), các hedge fund vẫn hòa vốn.

Lần này, các hedge fund gặp khó vì nhiều lý do. Trước hết, việc cấm bán khống (vay chứng khoán để bán) ở nhiều nước làm các quỹ không thể thực hiện các chiến lược đầu cơ như trước. Sau đó là việc các quỹ buộc lòng phải bán ra để duy trì tính thanh khoản làm giá cả sụt giảm hơn nữa.

Ngay cả ở những nước chưa cấm bán khống, sự trồi sụt bất thường với biên độ lớn của nhiều cổ phiếu làm các quỹ trở tay không kịp.

Ví dụ, mới tuần trước, các quỹ tiên đoán cổ phiếu hãng xe hơi Volkswagen sẽ sụt giảm mạnh, bèn vay cổ phiếu này để bán ra. Bất ngờ hãng Porsche quyết định nhảy vào mua Volkswagen, làm cổ phiếu của hãng tăng vọt trở lại. Các quỹ buộc lòng phải mua lại cổ phiếu Volkswagen với giá cao hơn nhiều so với trước và chịu thua lỗ nặng nề. Nhiều nhà phân tích cho rằng riêng với vụ này cũng đã làm một số quỹ phá sản.

Theo tin của AFP, các quỹ hoạt động ở châu Á thua lỗ nhiều nhất. Trừ Nhật Bản, các quỹ châu Á đã lỗ chừng 20% sau chín tháng đầu năm 2008 và riêng tháng 9/2008 đã mất 6% tài sản. AFP cũng trích lời một nhà phân tích cho rằng đã có chừng 150 quỹ phá sản.

Để hiểu vì sao các hedge fund chịu áp lực bán ra, chúng ta phải nhìn lại phương thức hoạt động của các quỹ. Mặc dù có nhiều loại quỹ, điểm chung của chúng là tính lệ phí thông qua hiệu quả hoạt động và khách hàng của chúng trước đây đa phần là các cá nhân hay tổ chức giàu có. Khi quy mô hoạt động của quỹ phát triển, quỹ thu nhận thêm nhiều khách hàng mới, không thuộc loại giàu đến nỗi bất kể sự thua lỗ trước mắt.

Các quỹ lại cạnh tranh nhau bằng cách không buộc khách hàng cam kết để tiền trong quỹ lâu dài. Hầu hết các quỹ cho phép rút vốn hàng quí và chỉ có những quỹ thật lớn mới đủ sức thu hút loại khách hàng cam kết chôn tiền vài ba năm.

Khi khách hàng thấy hiệu quả đồng vốn xuống thấp, nguy cơ thua lỗ tăng, đã có nhiều người rút vốn. Với tỷ lệ vay đầu tư trên vốn cao, chỉ cần có vài ba khách hàng lớn đòi vốn lại, các quỹ phải bán ra lấy tiền mặt và chịu cảnh giá giảm không gì cưỡng lại.

Theo Economist trích phân tích của hãng TrimTabs, khách hàng các hedge fund đã rút tổng cộng 40 tỉ Đô la trong tháng 9/2008, một mức kỷ lục. Và một khi nhận ra xu hướng này, các quỹ phải dự phòng tiền mặt nhiều hơn, càng làm áp lực bán ra mạnh hơn.

Theo Merrill Lynch, chỉ tính từ tháng 7 đến tháng 8/2008, tỷ lệ tiền mặt của các quỹ tăng từ 156 tỉ Đô la lên 184 tỉ Đô la, bằng cả 11% toàn bộ tài sản chúng đang quản lý.

Theo dự báo của Economist, giai đoạn khó khăn của các hedge fund còn kéo dài vì nếu hiệu quả đầu tư không cao, khách hàng sẽ tiếp tục bỏ đi. Quan trọng hơn, do cơ chế bù vào các khoản lỗ trước khi công ty quản lý quỹ được hưởng phí, dù hiệu quả đầu tư có tăng nhưng sẽ còn khá lâu các quỹ mới phục hồi mức lợi nhuận như trước.

Vì thế, người ta dự báo các quỹ nhỏ sẽ ra đi trước. Hiện nay loại quỹ quản lý dưới 500 triệu Đô la chiếm đến hai phần ba số lượng 7.000 hedge fund trên toàn cầu mặc dù họ chỉ quản lý chưa đầy một phần mười tổng tài sản các quỹ. Tương lai loại quỹ này ảm đạm nhất.

Một xu hướng nữa là khách hàng sẽ chuyển sang các quỹ lớn do chúng có chi phí điều hành thấp hơn, độ an toàn cao hơn. Các quỹ này đang tinh giản bộ máy, tìm cách giảm rủi ro cho các khoản đầu tư chỉ với tham vọng là còn trụ lại trong bối cảnh rất khó khăn trong năm tới.

Tâm lý của xã hội cũng không thuận lợi cho các hedge fund. Chắc chắn các nước sẽ sửa đổi luật lệ để khép chúng vào khuôn khổ nghiêm nhặt hơn. Trước mắt chúng là mồi ngon cho các phát biểu của chính khách tấn công vào các điểm yếu của hệ thống tài chính hiện hành.

Ngay cả khi lệnh cấm bán khống được tháo dỡ, các quỹ cũng phải cân nhắc kỹ khi tấn công vào cổ phiếu của các ngành quan trọng - cứ đánh cược vào sự suy giảm của các ngành nói riêng hay cả nền kinh tế nói chung, các hedge fund tiếp tục là đích nhắm cho mọi lời chỉ trích.

Vân Cầm (TBKTSG)