Quy định chặt hơn về sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Đặc khu
Vấn đề người nước ngoài sở hữu về nhà ở được quy định chặt chẽ hơn cả các quy định hiện hành
Vấn đề người nước ngoài sở hữu về nhà ở được quy định chặt chẽ hơn cả các quy định hiện hành.
Đó là một trong những thông tin từ tài liệu phục vụ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14, về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo tài liệu này, sau khi tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, dự thảo luật đang tiếp tục được hoàn thiện các quy định với một số nội dung cơ bản sau đây.
Về quy hoạch, dự thảo luật quy định xây dựng một quy hoạch đặc khu đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Chính sách của Nhà nước nhấn mạnh việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt "theo hướng xanh - tri thức - bền vững, phát triển công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, bảo vệ môi trường thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, áp dụng phương thức quản lý khoa học tiên tiến, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại chất lượng cao; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt".
Về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, theo báo cáo đã và đang được tiếp thu chỉnh sửa theo hướng quán triệt thực hiện các nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; nghị quyết Trung ương 6 về xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, cạnh tranh thuận lợi thông qua thu hẹp các ngành, nghề cần thiết phù hợp về đầu tư kinh doanh có điều kiện gắn với yêu cầu thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư; cho phép lựa chọn áp dụng các quy định theo tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài.
Chính sách tại dự thảo cũng được chỉnh sửa theo hướng cho phép nhà đầu tư được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại toà án nước ngoài đồng thời có quy định chặt chẽ việc áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế và việc công nhận, cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh chủ quyền quốc gia, truyền thống văn hoá lịch sử, trật tự an toàn, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
Hướng chỉnh sửa chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn là đơn giản hoá thủ tục đầu tư kinh doanh tại đặc khu, phân quyền mạnh cho chủ tịch UBND đặc khu nhưng kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong việc xem xét, chấp thuận dự án đầu tư, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Nội dung thứ ba phần chính sách kinh tế - xã hội là tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nhà đầu tư trong tiếp cận đất đai, chính sách về đất đai chăt chẽ như pháp luật hiện hành áp dụng đối với khu kinh tế, riêng quy định về người nước ngoài sở hữu về nhà ở được quy định chặt chẽ hơn quy định hiện hành.
Thứ tư, xây dựng chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội, trong đó ưu tiên nguồn lực từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước và hỗ trợ có điều kiện từ ngân sách nhà nước và chỉ là "vốn mồi" do Quốc hội xem xét, quyết định để đầu tư xây dựng một số ít công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghệ cao, bền vững, hạ tầng xã hội cấp thiết và giữ gìn môi trường quan trọng của đặc khu.
Thứ năm, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung vào các dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu, trong đó ưu đãi cao nhất áp dụng đối với dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển mũi nhọn của từng đặc khu và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược, không miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư còn lại.
Thứ sáu, chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch thông qua cho phép bán hàng miễn thuế, thực hiện miễn thị thực có thời hạn và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài như đang thí điểm, cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đặc khu.
Thứ bảy, chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân và chính sách đãi ngộ có tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước đổi mới thay thế chế độ công chức biên chế suốt đời bằng chế độ công chức theo hợp đồng làm việc tại cơ quan, tổ chức của đặc khu.
Thứ tám, chú trọng các chính sách về lao động, an sinh xã hội, quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài, nhất là lao động phổ thông.
Về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu, thông tin từ báo cáo là chính quyền địa phương ở đặc khu gồm hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân được tổ chức tinh gọn, được phân quyền thực hiện nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên nhằm bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của người dân, nhà đầu tư, thẩm quyền quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội được tập trung cho chủ tịch UBND đặc khu, gắn với trách nhiệm cá nhân.
Bên cạnh các cơ chế giám sát theo quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo luật quy định cơ chế giám sát của cơ quan đại diện dân cử với hoạt động của bộ máy chính quyền đặc khu, tăng cường giám sát của các cơ quan của Quốc hội; công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Thủ tướng và các cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của chính quyền đặc khu.