15:24 23/03/2021

Quy hoạch đô thị sông Hồng: "Dải lụa" sẽ thành thương hiệu Thủ đô

Phan Dương

Việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến được phê duyệt vào tháng 6 tới là cơ hội tốt để đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự kiến, tháng 6/2021, Hà Nội sẽ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây đang được xem là vấn đề nóng của Hà Nội vì sau quy hoạch chung Thủ đô mở rộng, phải xây dựng quy hoạch phân khu đô thị. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ với VnEconomy xung quanh việc quy hoạch này.

Dự kiến, tháng 6/2021, Hà Nội sẽ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo ông, điều này mang lại ý nghĩa như thế nào đối với Thủ đô?

Dòng sông trong các đô thị của một số quốc gia trên thế giới đã trở nên nổi tiếng như sông Thames của Thủ đô London, sông Seine của Paris, sông Hàn của Seoul, sông Hoàng Phố của thành phố Thượng Hải. Ngay tại Việt Nam, nhắc đến sông Hàn là người ta biết tới Đà Nẵng, nói về sông Hương là nói tới cố đô Huế.

Hà Nội ngàn năm văn hiến mang trong lòng dòng sông Hồng được ví như dải lụa của Thủ đô. Từ lâu đã có nhiều nghiên cứu, bài viết về dòng sông này. Song trên thực tế, sông Hồng chưa bao giờ là dải lụa - trục cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp kết nối hai bờ. Con sông này chưa được khai thác đúng tầm của nó cả về cảnh quan, đất đai bên sông lẫn tiềm năng du lịch. 

Không những thế, hiện nay, khu vực dọc sông, nhất là tại các địa phận thuộc quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, việc xây dựng nhà cửa tự phát, lộn xộn, quay lưng ra sông, thiếu hạ tầng, mật độ dân số cao... đã tạo nên hình ảnh vô cùng nhếch nhác ở một phần diện tích bên bờ sông Hồng. Có thể nói, hoàn thiện quy hoạch phân khu sông Hồng là vấn đề nóng của Hà Nội vì sau quy hoạch chung Thủ đô mở rộng, phải xây dựng quy hoạch phân khu đô thị. Hiện thành phố đang chuẩn bị phê duyệt 4 quy hoạch phân khu và mới đây xem xét quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng.

Quy hoạch đô thị sông Hồng: "Dải lụa" sẽ thành thương hiệu Thủ đô - Ảnh 1Thực trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá đất lên cao không chỉ làm xáo trộn cuộc sống của người dân mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý để thực hiện quy hoạch sau này. Do đó, chính quyền địa phương phải có giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ. Có thể tính tới việc tạm dừng giao dịch cho đến khi có quy hoạch chi tiết.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến được phê duyệt vào tháng 6 tới là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. Hai bờ sông và bãi bồi hình thành các khu không gian công cộng. Khi đó, không chỉ người dân hai bên sông mà toàn bộ người dân Thủ đô cũng như du khách quốc tế có thể đến vui chơi, giải trí, ngắm cảnh. Đồng thời cũng có những khu vực phù hợp dành để tạo dựng nên các khu đô thị khang trang, hiện đại, thay cho các khu ở nhếch nhác bên sông hiện nay...

Được biết, quy hoạch này gần như khác biệt so với quy hoạch mà trước đây các chuyên gia Hàn Quốc đã lập cho Hà Nội trên kinh nghiệm làm quy hoạch sông Hàn của Thủ đô Seoul. Theo ông, phải chăng do quy hoạch của Hàn Quốc không còn phù hợp?

Từ năm 2005, Hàn Quốc đã muốn giúp Hà Nội làm quy hoạch hai bên bờ sông Hồng theo hướng trị thuỷ và phát triển đô thị. Lúc đó, Hà Nội chỉ có diện tích hơn 921km2 mà lại là thủ đô đa chức năng. Với hiện trạng như vậy, Hà Nội không đủ đất quy hoạch phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân. Các chuyên gia đô thị của Seoul đã có quy hoạch với ý tưởng sông Hồng là trung tâm của thành phố, bên 2 bờ sông xây dựng khá nhiều công trình cao tầng hướng ra sông. Qua đó, nhằm khai thác tối đa quỹ đất phục vụ quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ dòng chảy của 2 dòng sông khác nhau. 

Sông Hàn thì dòng chảy ổn định còn dòng chảy sông Hồng lại phức tạp, lũ lụt thường xuyên đe doạ, bên lở, bên bồi. Thời điểm đó chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng về dòng chảy sông Hồng qua Thủ đô Hà Nội nên công tác quy hoạch và quản lý xây dựng luôn bị động. Do đó, khi quy hoạch được đưa ra triển lãm tại Tràng Tiền để lấy ý kiến đóng góp, nhiều người cho rằng đồ án quy hoạch chưa nêu bật được vấn đề thổ nhưỡng, đặc biệt là dòng chảy sông Hồng. Việc xây dựng nhiều nhà cao tầng sẽ tạo bức tường, ngăn không gian, cảnh quan và luồng gió trong lành từ sông Hồng thổi vào đô thị...

Do việc mở rộng danh giới hành chính Thủ đô là yêu cầu bức thiết trong quá trình đô thị hoá, ngày 1/8/2008 Thủ đô chính thức mở rộng lên 3.344 km2, bao gồm cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh -Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình. Ngay sau đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng thuê tư vấn nước ngoài cùng với các chuyên gia trong nước lập quy hoạch chung Thủ đô mở rộng. 

Đến tháng 7/2011, quy hoạch chung được phê duyệt với mục tiêu: Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 257 phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ; Quy hoạch hệ thống đê điều sông Hồng và sông Thái Bình. Từ đó xác định dòng chảy đặc trưng của sông Hồng để làm căn cứ quy hoạch ven sông. Đây là cơ sở pháp lý đầy đủ cho đồ án phân khu đô thị sông Hồng (trước phương án của Hàn Quốc chưa có cơ sở này). 

Chính vì vậy, khi Thủ đô mở rộng với diện tích gấp 3,6 lần so với trước kia thì Hà Nội dư quỹ đất để phục vụ cho nhu cầu phát triển, mở mang, đặc biệt là đủ cơ sở để làm quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng như phương án Hà Nội đang xem xét để phê duyệt.

Vậy, quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng có cần thiết phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp không, thưa ông?

Thành phố mong muốn quy hoạch sông Hồng trở thành trục cảnh quan quan trọng của Thủ đô và giờ không còn giao các doanh nghiệp lớn đứng ra bỏ tiền làm quy hoạch mà giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì làm quy hoạch. Việc nghiên cứu của tư vấn độc lập trong nước có tham khảo ý kiến tư vấn nước ngoài, kế thừa quy hoạch cũ, đưa ra ý tưởng phù hợp với yêu cầu khai thác các chức năng quy hoạch của hai bên sông Hồng sẽ hiệu quả hơn so với giao cho các doanh nghiệp làm đồ án phân khu này.

Qua đó nhằm đưa sông Hồng trở thành trục cảnh quan quan trọng của Thủ đô, kết nối 2 bờ Bắc Nam, kết nối 13 cây cầu, kết nối các cây cầu với 4 đường vành đai, đường xuyên tâm của Hà Nội và những khu chức năng quan trọng... Quy hoạch đã được trình lên UBND Thành phố, tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và tuân thủ quy hoạch về phòng chống lũ.

Việc nghiên cứu của tư vấn độc lập trong nước có tham khảo ý kiến tư vấn nước ngoài, kế thừa quy hoạch cũ, đưa ra ý tưởng phù hợp với yêu cầu khai thác các chức năng quy hoạch của hai bên sông Hồng sẽ hiệu quả hơn so với giao cho các doanh nghiệp làm đồ án phân khu này.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam

Điều mà người dân quan tâm nhất đối với quy hoạch này là làm thế nào để khai thác hiệu quả đất đai hai bên sông. Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Đồ án quy hoạch đã tính đến dọc sông làm 2 đại lộ 6 làn xe xuyên từ Bắc xuống Nam, kết nối với hệ thống giao thông của quy hoạch chung Hà Nội. Các khu chức năng hai bên sông có cả nhà cao tầng và thấp tầng, được xây điểm xuyết, xen kẽ làm điểm nhấn đô thị. Các làng nghề truyền thống được cải tạo, nâng cấp để trở thành làng du lịch nổi tiếng. Đồng thời còn tính đến sắp xếp quy hoạch dân cư từng khu vực từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy. 

Hơn nữa, sau khi quy hoạch phân khu được duyệt, sẽ phải tiếp tục làm quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Trên cơ sở đó, người dân biết rõ quy hoạch sử dụng đất ở từng khu vực hai bên bờ sông. Ví như từ đê xuống bãi sông làm gì? Bãi phía Bắc, phía Nam, bãi giữa thì làm gì? Đâu là đất dành cho công viên, chỗ đỗ xe, khu thể thao, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của người dân Hà Nội, đâu là đất phát triển nhà ở...

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết, Hà Nội sẽ kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Đây là cả quá trình đô thị hoá lớn nhưng mang lại lợi ích về phát triển đô thị, văn hoá, kinh tế - xã hội lâu dài cho Thủ đô.

Ông có thể cho biết đến bao giờ quy hoạch mới được hiện thực hoá?

Tôi là người làm quy hoạch nhưng cũng không nghĩ các thành phố lớn ở Việt Nam phát triển nhanh như vậy. 

Trong 10 năm nay, bộ mặt kiến trúc Thủ đô đã thay đổi nhanh chóng. Các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư và xây dựng với tốc độ nhanh. Khi quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt, thì công tác triển khai thực thi quy hoạch này sẽ nhanh chóng. Hy vọng trong 5-10 năm nữa, trục cảnh quan, kiến trúc hai bên sông sẽ đạt được mục tiêu đề ra. 

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả đất đai thì phải khẩn trương triển khai công tác quy hoạch. Nhà nước phải có trách nhiệm đền bù, giải phóng mặt bằng, định cư cho người dân. Sau đó tiến hành thi công 2 tuyến giao thông dọc sông với đầy đủ điều kiện kỹ thuật hạ tầng để tạo quỹ đất, tiến hành đấu giá, đấu thầu. Quy hoạch phải công bố công khai để người dân, đặc biệt là người dân thuộc khu vực Hồ Tây, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... biết và chủ động ổn định cuộc sống. Khi thực hiện, các cơ quan chức năng phải hợp tác chặt chẽ nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu để có thể triển khai tốt quy hoạch này. Hà Nội cũng phải có cơ chế đặc thù để thực hiện quy hoạch mang tính quyết định cho sự hình thành trục không gian cảnh quan của Thủ đô.

Hiện nay quy hoạch chưa phê duyệt, nhưng đất đai 2 bên sông đã lên "cơn sốt". Tình trạng này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Tôi nhớ, trước kia, khi quy hoạch của Hàn Quốc được đưa ra lấy ý kiến, việc mua bán đất đai hai bên sông cũng đã nhộn nhịp. Tình trạng lấn chiếm ven sông cũng diễn ra khá phổ biến. Thực trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá đất lên cao không chỉ làm xáo trộn cuộc sống của người dân mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý để thực hiện quy hoạch sau này. Do đó, chính quyền địa phương phải có giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ. Có thể tính tới việc tạm dừng giao dịch cho đến khi có quy hoạch chi tiết. 

Tôi nghĩ, Hà Nội sẽ giao cho từng địa phương những trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý để không tiếp diễn tình trạng giao dịch bất hợp pháp hoặc lấn chiếm đất đai hai bên sông.