09:34 23/05/2011

Quy hoạch sân golf đến 2020: “Lạc” lớn hơn “bia”

Anh Quân

Một số địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung 12 sân golf mới vào quy hoạch

“Đương nhiên không thể so sánh với một ha đất nông nghiệp với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm...”
“Đương nhiên không thể so sánh với một ha đất nông nghiệp với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm...”
Sau khi rà soát và loại bỏ 76 dự án không phù hợp về điều kiện hình thành, tiêu chí xây dựng… ra khỏi quy hoạch, đưa số sân golf đến năm 2020 xuống con số 90, gần đây một số địa phương “vòng lại” xin ý kiến Thủ tướng bổ sung nhiều dự án mới, đưa tổng số dự án sân golf lên 124.

Khó giữ đúng quy hoạch

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước chỉ còn  90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố, gắn với các vùng, địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.

Cho đến thời điểm này, tính riêng trong số dự án trong quy hoạch kể trên đã có 24 sân golf đang hoạt động; 25 sân khác đang trong giai đoạn xây dựng; 13 sân mới ở dạng được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 23 sân khác được chấp nhận chủ trương đầu tư và 5 sân bị đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.

Kết quả rà soát 90 sân golf nằm trong quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, diện tích lúa đã giảm từ 28% xuống còn 2% và hoàn toàn không có đất lúa 2 vụ; đất lâm nghiệp có rừng chủ yếu được sử dụng cho mục đích du lịch sinh thái (chiếm 97% tổng diện tích đất lâm nghiệp)…

Như vậy, bước đầu quy hoạch đã giải quyết được các vấn đề liên quan đến việc không sử dụng đất lúa, đất mầu làm sân golf mà dư luận quan tâm lâu nay.

Tuy nhiên, quá trình rà soát của Bộ cũng phát hiện những vấn đề nảy sinh mới. Đáng lưu ý là có tới 27 sân golf (thuộc 13 tỉnh) nằm ngoài danh mục quy hoạch sân golf và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Trong số này, có 5 dự án sân golf đang triển khai xây dựng; 5 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền trước khi có Quyết định 1946 của Thủ tướng.

Trong khi đó, từ sau khi Quyết định 1946 được ban hành cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhận được tờ trình của các địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung 12 sân golf khác vào quy hoạch.

Như vậy, nếu tính cả số sân golf đã có trong quy hoạch (85 sân, đã trừ 5 sân đưa ra khỏi quy hoạch), số sân nằm ngoài quy hoạch (27 sân), và số sân đề nghị bổ sung mới (12 sân), tổng số các dự án sân golf dự kiến có thể lên đến 124.

Đứng trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một báo cáo ban hành hôm 17/5 về tình hình thực hiện quy hoạch sân golf theo tinh thần Quyết định 1946 nói trên, đã buộc phải đưa ra ba phương án xử lý trình lên Chính phủ.

Ngoài phương án đề nghị giữ đúng quy hoạch, 2/3 kịch bản khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng thêm số sân golf đến năm 2020.

“Lạc kèm bia”


Ngay cả với các dự án sân golf trong quy hoạch, chưa phải đã hết các vấn đề cần quan tâm. Trong 90 dự án sân golf trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực tế phần sân golf không nhiều mà chủ yếu là kiểu “lạc kèm bia”, mà phần “lạc” ở đây là bất động sản, thực tế lại lớn hơn “bia”.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf thuần túy, 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chỉ là một dự án thành phần.

Bộ này cũng lưu ý nhiều dự án chiếm đất lớn như Tam Nông (Phú Thọ) có diện tích hơn 2 nghìn ha, trong đó diện tích để xây dựng sân golf chỉ có gần 172 ha; dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) tổng diện tích hơn 1.200 ha nhưng sân golf chỉ chiếm 222 ha; dự án khu du lịch - đô thị sinh thái Quan Sơn (Hà Nội) diện tích hơn 1.700 ha, sân golf chỉ có trên 161 ha…

Trong tổng số trên 15.650 ha đất đã có quyết định thu hồi, thuộc 59 dự án sân golf, diện tích đất sử dụng cho mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái, giải trí, trung tâm thương mại chiếm 51%; có 8% khác được dành cho xây dựng nhà ở; chỉ có 41% là đất quy hoạch sân golf.

Xét về quy mô vốn và cơ cấu đầu tư, tổng vốn đăng ký của 90 dự án sân golf trong quy hoạch đạt gần 24,5 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký của phía nước ngoài khá cao, tới 20,5 tỷ USD;  vốn trong nước chỉ chưa đầy 4 tỷ USD. Trong khi đó, số dự án 100% vốn của nhà đầu tư trong nước lên tới 41 dự án, chưa kể 28 dự án khác là liên doanh.

Báo cáo không nói phần vốn điều lệ thực tế đến đâu, tuy nhiên một vài số liệu khác cho thấy, số vốn sử dụng cho các dự án sân golf rất có thể sẽ được huy động từ người mua bất động sản của các dự án này.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dẫn một điểm đáng quan tâm, ở một số địa phương nhiều dự án có diện tích đất dành cho quy hoạch sân golf lớn nhưng vốn đầu tư lại nhỏ, suất đầu tư tính trên diện tích một ha thấp.

Các trường hợp cụ thể được nêu là sân golf Đạ Ròn và Bảo Lộc (Lâm Đồng) với số vốn đăng ký lần lượt là 18 triệu USD/750 ha và 18 triệu USD/254 ha; sân golf Phong Nha và suối Bang (Quảng Bình) tương ứng là 8 triệu USD/400 ha và 11 triệu USD/820 ha…

Trong khi đó, Bộ lưu ý rằng vẫn có nhiều chủ đầu tư năng lực tài chính kém, dự án đã được chính quyền địa phương giao đất từ lâu nhưng chậm triển khai do thiếu vốn…

Với 24 dự án sân golf đang hoạt động, thống kê tại báo cáo cho biết, tổng vốn đầu tư được giải ngân mới đạt 75,62 triệu USD; thu hút được trên 8.000 lao động và nộp ngân sách năm 2010 khoảng 505 tỷ VND, theo số liệu chưa đầy đủ.

“Đương nhiên không thể so sánh với một ha đất nông nghiệp với thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, vì đất xây dựng sân golf chủ yếu là đất đồi, đất cát ven biển, không hoặc chiếm một tỷ lệ rất thấp đất nông nghiệp, nhất là đất lúa”, Bộ này lưu ý.

Cũng theo báo cáo, hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf hoặc dự án có mục tiêu sân golf hiện nay chủ yếu là từ việc kinh doanh bất động sản và bán thẻ hội viên. Bộ cũng lưu ý rằng, việc kinh doanh dựa trên thu phí chơi golf, khoảng 100 USD/ngày/lượt, thì hiệu quả chưa cao.