14:33 14/04/2010

Quyết toán ngân sách: “Bộ trưởng không chi nhưng vẫn phải giải trình”

Minh Thúy

Bộ trưởng Bộ Tài chính không nén được những “than thở” khi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.
Vốn là người khá kiệm lời và điềm tĩnh, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã không nén được những “than thở” khi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008.

Cùng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/4, bên cạnh báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008 của Chính phủ là bản báo cáo dài 30 trang về kết quả kiểm toán và 11 trang báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Và, tâm tư của vị “tư lệnh” ngành tài chính lại bắt nguồn từ bản báo cáo cuối cùng.

Mặc dù, số liệu mà cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội phê chuẩn hoàn toàn khớp với đề nghị của Chính phủ: tổng thu cân đối 548.529 tỷ đồng; tổng chi 590.714 tỷ đồng; bội chi 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% GDP.

Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cũng khẳng định: “Số liệu tại bản báo cáo của Chính phủ hoàn toàn có thể tin cậy được”.

Tuy nhiên, “một số vấn đề nổi lên khi xem xét quyết toán” được nhấn mạnh tại báo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, theo đó: chất lượng xây dựng dự toán chưa cao; nhiều khoản thu chi chưa sát với thực tế làm cho công tác điều hành gặp khó khăn. “Đây là tồn tại được Quốc hội nêu ra trong nhiều năm, nhưng chậm được khắc phục”.

Một số con số được lấy làm dẫn chứng: chi ngân sách Trung ương tăng 13,5%; chi ngân sách địa phương tăng 13,8%; Đà Nẵng chi tăng 124%, Tp.HCM tăng 61,2% so với dự toán Trung ương giao…

Cũng theo ủy ban này, số chi chuyển nguồn sang năm sau và số kết dư ngân sách địa phương có xu hướng tăng cao, trong khi ngân sách Trung ương bội chi ngày một lớn gây ảnh hưởng chung đến hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm “là một dạng của lãng phí, làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, cần được xem xét và có biện pháp khắc phục”, báo cáo viết.

Nhấn mạnh trách nhiệm của Quốc hội trước nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, ý nghĩa lớn nhất khi xem xét quyết toán là rút kinh nghiệm từ những hạn chế của năm 2008 ra sao để các năm sau làm tốt hơn.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng nêu một thực tế là nhiều khi đại biểu “bấm nút rồi vẫn lăn tăn” trước những con số chi tiêu “lằng nhằng”. Vì, trên thực tế thì không phải khoản chi nào cũng “ngon lành đẹp đẽ” cả, trong khi chưa thể kiểm toán được hoàn toàn.

Không nhiều ý kiến thảo luận, nên Bộ trưởng Ninh có thêm thời gian “giãi bày”.

Theo Bộ trưởng, một số nội dung tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách “về hiện tượng là đúng nhưng nếu khái quát lên thành vấn đề thì nên phân tích kỹ hơn, chứ nếu không thì chỉ thấy sai phạm nhiều quá”. Ví dụ, số chi chuyển nguồn sang năm sau lớn là đúng, nhưng việc này luật cho phép, vậy thì không biết nên nhìn nhận là ưu điểm hay nhược điểm.

“Nhận định như báo cáo thì hình như sai hết, dễ làm cho dư luận nghĩ là điều hành lộn xộn”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết “anh em địa phương tâm tư lắm” khi cơ quan thẩm tra đưa ra nhận định: “Khi lập dự toán một số chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước còn ở mức thấp chưa phản ánh hết khả năng thu. Nguyên nhân không chỉ dễ đạt dự toán, mà còn nhằm để tăng số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương. Bởi, “nói thế là hoàn toàn không đúng”.

Riêng chuyện dự báo không chính xác về giá dầu thì Bộ trưởng “nhận khuyết điểm ngay” vì “cả thế giới dự báo sai chứ có phải mình mình dự báo sai đâu”.

“Ngân sách của chúng ta không giống ai cả, chỉ còn duy nhất Việt Nam là ngân sách lồng ghép, cộng cả địa phương vào quyết toán, thế nên chi ở tận xã mà cứ bắt Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình”,  Bộ trưởng nói.

Ông cũng cho biết là đã có văn bản yêu cầu các địa phương gửi kèm giải trình lên bộ để gửi kèm với báo cáo quyết toán khi Quốc hội xem xét nhưng họ không làm. “Hiệu lực của Bộ trưởng Bộ Tài chính kém lắm, nên mình không chi nhưng cứ phải giải trình”.

Kỷ luật tài chính, một trong những nguyên nhân làm nên nỗi niềm của vị “tư lệnh” ngành tài chính hôm nay cũng đã từng là vấn đề được mổ xẻ tại nhiều phiên họp, qua nhiều kỳ họp của Quốc hội. Nhiều vị đại biểu đã lên tiếng đề nghị “Quốc hội phải quản ngân sách thật chặt”, tránh điều hành theo kiểu phong trào, đảm bảo đúng quy trình và công khai, minh bạch.

Kết thúc phiên họp sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm, mục tiêu lớn nhất khi xem xét báo cáo quyết toán không phải nhằm phê phán mà nhằm quản lý tốt hơn tiền và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Quốc hội tin vào báo cáo của các cơ quan, nhưng “cũng không thể tin hẳn được, nên vẫn cần có sự kiểm tra chéo lẫn nhau và cần thiết phải mở rộng phạm vi kiểm toán”, Phó chủ tịch nói.