13:56 29/11/2019

Ra mắt bản hướng dẫn nhận biết, ngăn chặn “quấy rối tình dục trong truyền thông”

Tùng Dương

Cục Báo chí đã ra mắt bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông- nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên"

Trung tâm lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra mắt bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông- nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên".
Trung tâm lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra mắt bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông- nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên".

Theo nghiên cứu "Phụ nữ và Báo chí ở Việt Nam" do Viện Đào tạo Báo chí Thuỵ Điển (FOJO) thực hiện năm 2018 thì tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo nữ ở mức cao, trên 27% người được khảo sát. Trong khi đó, cơ chế hướng tới mục tiêu xử lý các vấn đề này còn chưa triệt để.

Quấy rối tình dục trong lĩnh vực truyền thông là một vấn nạn phổ biến toàn cầu. Một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2013-2014 cho biết, có 48% nhà báo nữ đã từng trải qua một số hình thức bị quấy rối tính dục trong công việc; 83% thừa nhận rằng họ không tố cáo những hành vi này.

Quấy rối tình dục có ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài, mang đến những tổn thương lớn cho những ai liên lụy bao gồm cả nạn nhân, người vi phạm, cơ quan báo chí và lớn hơn là xã hội.

Để góp phần xây dựng môi trường báo chí chuyên nghiệp, lành mạnh, ngày 29/11, Trung tâm lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra mắt bản hướng dẫn "Quấy rối tình dục trong truyền thông- nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên".

Theo bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí, đây được coi là tài liệu tham khảo hữu ích cho cơ quan báo chí và truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường an toàn, hiệu quả hơn.

Được biết, Trung tâm lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí sẽ tổ chức buổi tập huấn tại Hà Nội và Tp.HCM dành cho lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí cả nước. Bản hướng dẫn cũng sẽ được chuyển đến các cơ quan báo chí.

Bản hướng dẫn này được thiết kế cho cả cơ quan báo chí và nhân viên trong ngành truyền thông phòng tránh, giải quyết những vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi công sở. Bản hướng dẫn làm rõ hơn khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, thực trạng vấn đề quấy rối tình dục trong truyền thông; hướng dẫn cho cơ quan báo chí phòng chống quấy rối tình dục, khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại về quấy rối tình dục... ; đồng thời, cũng chỉ ra rằng bất kỳ hành vi (thể xác, lời nói, tiếng động, cử chỉ) liên quan đến tình dục mà không được mong đợi và người kia nhận thấy bị xúc phạm thì đều bị coi là quấy rối tình dục.

Ví dụ về thể xác như: hôn khi chưa có sự đồng ý từ phía bên kia; có những động chạm không mong muốn, dò dẫm hoặc vuốt ve nơi riêng tư của người khác; có những hành vi tiếp xúc thể xác không mong muốn hoặc có hành động bạo lực đến cơ thể người khác; mát xa cổ không mong muốn; cầm tay người khác dù họ không mong muốn; có đề nghị để thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân dù người khác không mong muốn.

Các hành vi như gạ gẫm hẹn hò hoặc thân mật thể xác lặp lại nhiều lần; có những bình luận cá nhân và xúc phạm về cách ăn mặc và ngoại hình người khác; tạo âm thanh hôn, kêu, bập môi; huýt sáo (có hành vi bỡn cợt), trò đùa không phù hợp về tình dục, nhìn chằm chằm hoặc liếc, nháy mắt, tặng quà không mong muốn; công khai xem phim tình dục... đều có thể coi là hành vi quấy rối tình dục. Hướng dẫn cũng chỉ ra một số tình huống quấy rối tình dục cụ thể ở cơ quan báo chí.