09:31 01/08/2012

Rắc rối quanh vụ Trung Quốc mua hãng dầu khí Canada

Hoài An

Vụ thâu tóm hãng dầu khí Nexen của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc đang vướng phải một loạt trở ngại

Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang tìm kiếm khoản vay 5 tỷ USD từ các ngân hàng nước ngoài để trợ lực cho kế hoạch thu mua hãng Nexen của Canada - Ảnh: Reuters.
Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang tìm kiếm khoản vay 5 tỷ USD từ các ngân hàng nước ngoài để trợ lực cho kế hoạch thu mua hãng Nexen của Canada - Ảnh: Reuters.
Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang tìm kiếm khoản vay 5 tỷ USD từ các ngân hàng nước ngoài để trợ lực cho kế hoạch thu mua hãng Nexen của Canada, hãng tin tài chính Bloomberg dẫn hai nguồn tin giấu tên cho hay sáng nay (1/8).

Theo các nguồn tin, hãng khai thác dầu khí xa bờ lớn nhất của Trung Quốc đang tìm kiếm một khoản vay bắc cầu cũng như nguồn tài chính dài hạn trong 3 - 5 năm để tăng sức cho kế hoạch thôn tính hãng dầu khí Nexen có giá trị lên tới 15,1 tỷ USD mà CNOOC đã công bố hồi cuối tháng trước.

Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ M&A nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tài sản của Nexen khá bao trùm, gồm các nhà máy sản xuất tại Biển Bắc, vịnh Mexico và Nigeria cũng như các mỏ dầu ở Long Lake, Alberta (Canada). Đây cũng là nơi Nexen hợp tác sản xuất dầu thô với CNOOC.

Khoảng 28% các cơ sở của Nexen được đặt tại Canada. Trong quý 2/2012, hãng dầu khí này cũng sản xuất được 207.000 thùng dầu/ ngày. Vì thế, việc mua lại Nexen sẽ giúp Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc nâng sản lượng hiện có lên thêm 20% và tăng dự trữ dầu mỏ của họ lên 30%.

Bloomberg hôm 23/7 cho biết, CNOOC chấp nhận trả 27,5 USD/ cổ phiếu ưu đãi của Nexen, cao hơn 60% giá chốt ngày 20/7. CNOOC sẽ dùng tiền mặt có sẵn và vay thêm bên ngoài để thanh toán. Thỏa thuận đi kèm khoản phí 425 triệu USD nếu hợp đồng bị chấm dứt vì bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên, thương vụ này cũng đang vướng phải khá nhiều trở ngại từ Canada và tại Mỹ. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hôm 27/7 đã nộp đơn lên tòa án liên bang tại thành phố New York kiện CNOOC, do nghi ngờ có việc sử dụng thông tin giao dịch nội gián để trục lợi từ thương vụ trên.

SEC cho rằng, công ty Well Advantage có trụ sở ở Hồng Kông và một công ty giấu tên ở Singapore kiếm được hàng triệu USD qua việc mua cổ phiếu của Nexen ngay trước khi có thông báo tặng thưởng cho các cổ đông và sau đó bán đi rất nhanh để kiếm lời khi cổ phiếu Nexen tăng tới 52% trong phiên 23/7.

Theo thông cáo của SEC, dù có khó khăn trong việc điều tra về các hoạt động bất hợp pháp được tiến hành ở Mỹ, nhưng SEC đã can thiệp một cách nhanh chóng để phong tỏa tài sản của các nhà đầu tư bị nghi ngờ và yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc giải trình về hoạt động này của họ.

Chưa hết, một ngày sau, hôm 28/7, Thượng nghị sĩ Charles Schumer đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đề nghị ngăn cản thương vụ M&A này. Ông đề nghị cơ quan trên chỉ ủng hộ, nếu Trung Quốc nới lỏng rào cản đầu tư nước ngoài và tuân thủ luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng ngày, tại Canada, báo Calgary Sun dẫn lời Giáo sư Paul Evans, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á (Canada), nhận định thương vụ Nexen sẽ châm ngòi tranh cãi về quan hệ Canada-Trung Quốc. Ông cho biết, nhiều ý kiến ở Canada đang lo ngại cách thức kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc.

Còn tờ Leader Post thì cho rằng, các nhà chức trách của Canada cần xét duyệt những dự án đầu tư nước ngoài một cách nghiêm ngặt hơn, vì đã có nhiều công ty nước ngoài dễ dàng thâu tóm các công ty Canada hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu như dầu khí, hóa chất, khai khoáng, nông lâm nghiệp...

Thỏa thuận thu mua Nexen là thương vụ đầu tư vào Canada thứ ba của CNOOC. Năm 2005, hãng này đã chi tới 120 triệu USD để thu mua 16,7% cổ phần tại Công ty dầu mỏ MEG Energy. Tháng 11 năm ngoái, CNOOC cũng đã tiến hành thâu tóm hãng dầu mỏ Opti Canada với giá 2,1 tỷ USD.

Yan Shi, nhà phân tích tại Công ty UOB Kay Han cho biết: “CNOOC vẫn luôn muốn mua lại các công ty nước ngoài vì dự trữ dầu mỏ trong nước đang thu hẹp”. Canada đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các công ty Trung Quốc tìm kiếm dầu khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.