16:39 10/04/2018

Sacombank, Eximbank và một khác biệt

Minh Đức

Sacombank và Eximbank có câu chuyện riêng, với những kế hoạch khác biệt

Sacombank và Eximbank từng có vị thế lớn và mạnh trong hệ thống nhiều năm trước.
Sacombank và Eximbank từng có vị thế lớn và mạnh trong hệ thống nhiều năm trước.

Từ hơn chục năm trước, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là những điển hình của vị thế ngân hàng thương mại cổ phần bên cạnh nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Nhưng, những năm gần đây, cả Eximbank và Sacombank đều có những câu chuyện riêng, với điểm chung sa sút và khó khăn.

Trong năm 2017, qua đại hội đồng cổ đông thường niên, những xáo trộn nội bộ tại Eximbank có phần dịu xuống. Họ đã có được sự đồng thuận nhất định để hướng tới triển vọng phục hồi các hoạt động.

Nhưng, bước sang 2018, Eximbank liên tiếp gặp sự cố rủi ro tiền gửi của khách hàng với giá trị lớn. Kết luận cuối cùng còn chờ phán quyết của tòa, còn hiện tại chúng gây ảnh hưởng không mong muốn, có thể niềm tin người gửi tiền có phần cân nhắc hơn.

Thế nhưng, theo nghị quyết vừa thông qua, Hội đồng Quản trị Eximbank đặt chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn năm nay lên tới 26% so với 2017. Chỉ tiêu này có là thách thức khi đặt trong bối cảnh những sự cố trên, hay sự tự tin? Chỉ tiêu, thông thường, được xác định ở mức độ an toàn và khả thi.

Với chỉ tiêu tăng trưởng huy động cao đó, nhưng Eximbank từ đầu năm đến nay vẫn chưa có biểu hiện cạnh tranh vượt trội về lãi suất so với nhiều thành viên khác, xét trên biểu niêm yết.

Cụ thể, ở biểu huy động VND thông thường, lãi suất cao nhất họ áp 8%/năm với các kỳ hạn dài 24 và 36 tháng. Còn biến số cạnh tranh để thực hiện chỉ tiêu trên vẫn còn ở phía trước.

Nhìn sang Sacombank. Đầu tuần này họ đưa ra chương trình huy động mới: phát hành chứng chỉ tiền gửi mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm với lãi suất 8,5%/năm.

Thoạt tiên, mức lãi suất cao nhất của Sacombank cao hơn hẳn Eximbank. Nhưng khác biệt ở bản chất kỳ hạn và công cụ huy động. Mức 8,5%/năm với kỳ hạn dài, thông thường được tính theo mức bình quân của một nhóm ngân hàng điển hình trong hệ thống cộng thêm mức chênh để thu hút.

Khác biệt lớn hơn là ở mục đích huy động. Sacombank huy động kỳ hạn rất dài, 7 năm tương ứng với 84 tháng. Công cụ chứng chỉ tiền gửi tạo chủ động cho nhà phát hành, bán được đến khối lượng tính toán thì dừng và qua đó chủ động với chi phí.

Trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, nguồn vốn huy động có kỳ hạn trên 5 năm được tính vào vốn cấp 2, một cấu phần để cân đối hệ số an toàn vốn (CAR). CAR mỏng nếu ngã thì đau, muốn đệm dày lên phải tăng vốn. Thông thường, khi khó hoặc không thể gia tăng vốn cấp 1, do bối cảnh thị trường hoặc do vấn đề nội tại, thì vốn cấp 2 có độ co giãn và linh hoạt hơn.

Như trên, mức lãi suất như 8,5%/năm là mức chi phí huy động khá đắt đỏ so với mặt bằng lãi suất các kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng hiện nay, hoặc tính theo từng năm và sau đó có thể điều chỉnh. Khi ngân hàng chấp nhận mức độ chi phí đó, cân đối tài chính có thể đang đứng trước áp lực.

Sacombank đang trong giai đoạn tự tái cơ cấu theo đề án đã được các cấp phê duyệt. Trong đó có các cơ chế hỗ trợ để giãn việc xử lý lượng tài sản tồn đọng có vấn đề. Lượng tài sản này càng lớn, nếu quá sức cân đối thì ăn mòn vào vốn tự có. Để bù đắp hoặc gia cố vốn tự có, tăng vốn cấp 1 khó khăn thì phải dựa vào tăng vốn cấp 2 - trong giới hạn cho phép.

Như trên, Eximbank và Sacombank đang có những sắc thái huy động vốn khác nhau. Cả hai cùng gắn với bối cảnh và điều kiện khác nhau. Tựu trung, hai ngân hàng thương mại cổ phần có vị thế lớn và mạnh trên thị trường trước đây đều đang có những khó khăn, mà chưa tăng tốc được như nhiều thành viên khác từng có vị thế thấp hơn trong quá khứ.