“Sân chơi" lĩnh vực gọi xe cạnh tranh khốc liệt, Gojek rút khỏi thị trường
Nền tảng gọi xe và giao đồ ăn Gojek chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam, từ bỏ nơi công ty phải vật lộn để đạt lợi nhuận…
Thương hiệu Gojek sẽ dừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9, công ty mẹ GoTo Group thông báo. Gojek Việt Nam cung cấp dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và chuyển phát nhanh, chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II, theo Yahoo Business.
Lý giải về quyết định này, Gojek cho biết đây là bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh, phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của GoTo. Đồng thời cho phép công ty tập trung vào một số hoạt động mang lại tác động đáng kể đến thị trường theo cách bền vững, phù hợp với cam kết tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.
“Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến toàn bộ nhân viên, người dùng, các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, những người đã đóng góp và là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Gojek tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành”, Gojek cho hay.
HÀNH TRÌNH TẠI VIỆT NAM CỦA GOJEK
Gojek gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi GoViet.
Cụ thể, tháng 9/2018, ứng dụng GoViet chính thức ra mắt thị trường Việt Nam, tham dự sự kiện này có sự xuất hiện của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Lúc này Gojek đóng vai trò là đối tác chiến lược, cung cấp công nghệ và tài chính cho GoViet.
Tháng 7/2020, GoViet công bố hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek trong chiến lược dài hạn nhằm tạo ra tác động tích cực lâu dài và thúc đẩy đổi mới cho khách hàng tại Việt Nam.
Một tháng sau, Gojek chính thức ra mắt ứng dụng Gojek tại Việt Nam với dịch vụ gọi xe (GoRide), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood). Theo tuyên bố, Gojek có khoảng 200.000 đối tác vào năm 2021, tuy nhiên trên thực tế con số này có thể thấp hơn rất nhiều.
Quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam của Gojek cho thấy sự khốc liệt của thị trường gọi xe công nghệ, khi một số thương hiệu nội địa ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo nhiều báo cáo, Gojek hiện không có lãi. Công ty phải cạnh tranh gay gắt với Grab Holdings Ltd. của Singapore và cắt giảm chi tiêu khi tăng trưởng người dùng suy giảm.
Mặc dù đã cắt giảm hàng nghìn việc làm và chi phí tiếp thị, nhưng GoTo vẫn chưa thể đạt thu nhập ròng dương. Kể từ khi ông Patrick Walujo tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành, lợi nhuận công ty có chút khởi sắc, tuy nhiên cổ phiếu lại giảm hơn 80% kể từ đợt chào bán công khai lần đầu năm 2022.
Công ty nhắc lại hôm 4/9 rằng họ hy vọng sẽ đạt mức thu nhập điều chỉnh tích cực trước lãi vay, thuế và khấu hao trong thời gian tới.
THẾ ĐỨNG CỦA BE, GRAB VÀ XANH SM
Theo khảo sát của Q&M, tại Việt Nam Grab là thương hiệu dẫn đầu thị trường với 42% người dùng lựa chọn. Be đứng thứ 2 với 32% và phổ biến trong giới trẻ, tiếp theo là XanhSM và Gojek lần lượt 19% và 7%.
Kết quả trên đã chứng minh dù gia nhập thị trường muộn hơn hai ông lớn Grab và Gojek, thế nhưng, cả Be và Xanh SM đều cho thấy khả năng cạnh tranh mạnh mẽ và là đối thủ đáng để các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài tại Việt Nam phải dè chừng.
Mới đây, ứng cử viên gọi xe Be Group đã thành công huy động 30 triệu USD nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trên thị trường từ gọi xe cho đến giao hàng. Tuy vậy, cạnh tranh khốc liệt khiến Be và một số đối thủ cạnh tranh phải xem xét lựa chọn của mình.
Trước đó, vào năm 2021, Be Group cũng rời khỏi Thái Lan và thôi quyền kiểm soát chi nhánh thương mại điện tử Tokopedia cho TikTok, trong một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD vì thua lỗ.
Về phần Xanh SM - người mới có mặt trên thị trường xe công nghệ vào đầu năm 2023 - nhưng tính đến cuối năm 2023, hãng đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ôtô và 15.000 xe máy điện cùng gần 40.000 nhân sự.
Nhờ chiến lược phát triển và lợi thế sẵn có, thị phần người dùng trung thành của XanhSM đã nhanh chóng bứt phá đạt 19%, gấp đôi đối thủ có 6 năm kinh nghiệm tại Việt Nam là Gojek (7%).
Đáng chú ý, sự khác biệt trong thói quen sử dụng ứng dụng giữa các nhóm tuổi cần được nhắc đến. Grab là lựa chọn phổ biến đối với nhóm khách hàng trên 30 tuổi, trong khi Be thu hút nhóm khách hàng trẻ, đặc biệt là Gen Z.