09:06 23/02/2009

Sản xuất công nghiệp không cần phải giải cứu?

Kiều Oanh

Là một lĩnh vực quan trọng và đang rơi vào khủng hoảng, nhưng sản xuất công nghiệp có lẽ không cần được giải cứu

Việc hỗ trợ cho ngành sản xuất công nghiệp không thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng - sự sụt giảm nhu cầu, không chỉ đối với hàng công nghiệp, mà tất cả mọi loại hàng hóa khác.
Việc hỗ trợ cho ngành sản xuất công nghiệp không thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng - sự sụt giảm nhu cầu, không chỉ đối với hàng công nghiệp, mà tất cả mọi loại hàng hóa khác.
Chỉ có 0 USD, chưa tính tiền nhiên liệu và xếp dỡ - đây là mức báo giá rẻ nhất hiện nay dành cho khách hàng nào đó muốn vận chuyển bằng đường biển một container từ miền Nam Trung Quốc sang châu Âu. Vào mùa hè năm 2007, khách phải trả 1.400 USD cho chuyến vận chuyển này.

Những chuyến tàu chở hàng trống một nửa mới chỉ là một trong số những dấu hiệu cho thấy sự lao dốc của lĩnh vực sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Công nghiệp trong vòng xoáy khủng hoảng

Tại Đức, số đơn đặt hàng máy công cụ trong tháng 12/2008 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm 2007. Một nửa trong số trên dưới 9.000 công ty xuất khẩu đồ chơi của Trung Quốc đã phá sản. Xuất khẩu máy tính notebook của Đài Loan trong tháng 1 này đã giảm 1/3. Tại Mỹ, số xe hơi được lắp ráp trong tháng 1/2009 thấp hơn 60% so với số lượng của tháng 1/2008.

Từ năm ngoái, sức công phá toàn cầu của cuộc khủng hoảng tài chính đã trở nên rõ nét. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn chưa được cảm nhận hết, một phần là do cuộc khủng hoảng này mới chỉ được nhìn nhận ở tầm quốc gia. Trên thực tế, ngành sản xuất công nghiệp của thế giới đã bị rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng.

Tại Mỹ và Anh, sản lượng công nghiệp trong quý 4/2008 nhất đã giảm tương ứng 3,6% và 4,4% so với 3 tháng liền trước, tương đương mức giảm 13,8% và 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều người đổ lỗi sự sụt giảm này cho Phố Wall, nhưng trên thực tế, ở những quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu, sụt giảm trong sản xuất công nghiệp còn tồi tệ hơn ở Mỹ và Anh. Những nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng ở các quốc gia vay nợ để chi tiêu như Mỹ.

Ở Đức, sản lượng công nghiệp quý 4/2008 giảm 6,8%; ở Đài Loan, mức giảm là 21,7%; còn ở Nhật, con số này là 12%. Điều này lý giải tại sao, GDP của các nền kinh tế này đang trượt dốc nhanh chóng. Sản lượng công nghiệp vốn thường hay biến động, nhưng thế giới chưa từng chứng kiến tốc độ co lại mạnh mẽ tới vậy, và trên phạm vi rộng tới vậy, từ cú sốc dầu lửa của thập niên 1970.

Sản xuất công nghiệp đang chao đảo ở Đông Âu, Brazil, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ… Hàng ngàn nhà máy ở miền Nam Trung Quốc đã đóng cửa. Hàng triệu công nhân ở những nhà máy này đã không trở lại sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch vừa qua.

Vì sao không nên cứu?

Sau khi ra tay giải cứu ngành tài chính, chính phủ các nước đang bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải cứu cả ngành sản xuất công nghiệp.

Hai lĩnh vực này có tầm quan trọng không kém gì nhau. Sản xuất công nghiệp vẫn là một lĩnh vực thu hút nhiều lao động, đặc biệt ở những khu vực sản xuất công nghiệp tập trung hàng đầu thế giới như Detroit - thủ phủ của công nghiệp xe hơi Mỹ, Stuttgart - trung tâm công nghiệp của Đức, hay Quảng Châu - nơi xuất xưởng của phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Sự đổ vỡ của một hãng công nghiệp lớn như hãng xe hơi General Motors (GM) của Mỹ có thể sẽ là một đòn hiểm đánh vào niềm tin của người lao động đối với tương lai của chính họ trong bối cảnh niềm tin vốn đã là một thứ xa xỉ giữa lúc kinh tế tăng trưởng giật lùi này.

Vậy việc dành cho ngành sản xuất công nghiệp sự hỗ trợ đặc biệt có phải là điều đúng đắn mà chính phủ các nước nên làm?

Câu trả lời ở đây là “không”, cho dù sản xuất công nghiệp đang đối đầu với nhiều thách thức lớn chưa từng có. Có hai lý do cho câu trả lời này.

Thứ nhất, các chương trình của chính phủ, vốn chậm chạp trong khâu thiết kế và điều chỉnh, là quá cồng kềnh để giải quyết những khó khăn vô cùng đa dạng và thường xuyên thay đổi của các ngành sản xuất công nghiệp.

Một trong số những khó khăn này là sự cạn kiệt của nguồn tài chính cho hoạt động ngoại thương. Không ai có thể dự đoán chính xác tình trạng này khi nào mới kết thúc. Một vấn đề khác là nhiều công ty đang trong quá trình giảm lượng hàng tồn kho. Ở Trung Quốc, một lượng lớn hàng tồn kho khổng lồ đã được tích trữ trước khi diễn ra Olympic Bắc Kinh. Vấn đề hàng tồn kho chỉ là một vấn đề tạm thời, nhưng cũng không ai có thể biết vấn đề này có ảnh hưởng lớn đến đâu và kéo dài bao lâu.

Thứ hai, việc hỗ trợ cho ngành sản xuất công nghiệp không thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng - sự sụt giảm nhu cầu, không chỉ đối với hàng công nghiệp, mà tất cả mọi loại hàng hóa khác. Do công suất của lĩnh vực công nghiệp là quá lớn, nhất là trong ngành sản xuất ôtô, một số doanh nghiệp tất yếu phải đóng cửa cho dù chính phủ có bơm cho họ bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

Vậy làm thế nào các chính phủ có thể biết họ nên cứu công ty nào, và thế nào là quy mô hợp lý của một ngành sản xuất?

Điều này do chính người tiêu dùng quyết định. Việc cấp tiền cho những ngành “giỏi” kêu than nhất và có những tay vận động hành lang cừ nhất sẽ là không công bằng và phí phạm.

Dịch chuyển nhu cầu từ những ngành nghề may mắn được cứu, từ những lĩnh vực không may không được hỗ trợ, sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng thêm nghiêm trọng. Sự ưu ái của chính phủ một nước đối với một ngành nhất định nào đó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột bảo hộ ở nước khác, đồng thời có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn ở nước đó bị kìm hãm do các nguồn lực bị bó trong những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.

Không cứu công nghiệp, nhưng phải cứu ngân hàng

Một số người cho rằng, sản xuất công nghiệp là một lĩnh vực đặc biệt, vì phần còn lại của nền kinh tế phụ thuộc vào lĩnh vực này. Trên thực tế, nền kinh tế đúng hơn là một mạng lưới trong đó mọi lĩnh vực có quan hệ ràng buộc qua lại với nhau, và một nhà sản xuất bất kỳ đồng thời cũng là một người tiêu dùng. Điểm quan trọng cần phân biệt không phải là đâu là sản xuất và đâu là dịch vụ; mà đâu là những công việc hiệu quả và không hiệu quả.

Một số nhà sản xuất chấp nhận điều này, nhưng ngay lập tức đưa ra một lập luận khác. Họ cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ đe dọa những ngành công nghiệp có năng suất và trình độ tay nghề cao. Ngày nay, mỗi mắt xích trong chuỗi phân phối đều phụ thuộc lẫn nhau.

Các hãng xe hơi lấy ví dụ, chiếc Camaro mới của GM bị đe dọa ngừng sản xuất khi một nhà cung cấp chuyên sản xuất linh kiện nhựa đúc của hãng bị phá sản. Ngành công nghiệp ôtô lập luận, sự đổ vỡ của GM đồng nghĩa với một mối đứt gãy vĩnh viễn trong chuỗi cung cấp của khu vực Bắc Mỹ. Họ cho rằng, sự hỗ trợ của chính phủ có thể cứu những doanh nghiệp tốt để những doanh nghiệp này trỗi dậy trong tương lai.

Mặc dù một số chuỗi cung cấp có những điểm then chốt mà sự đứt đoạn của chúng có thể dẫn tới sự đứt gẫy của cả chuỗi, lập luận cho rằng chính phủ phải cứu ngành này, ngành kia xem ra là rất yếu.

Có một quy tắc là, những nhà cung cấp có nhiều khách hàng, và những khách hàng có nhiều nhà cung cấp chắc chắn sẽ bền vững hơn trong trường hợp họ chỉ phụ thuộc vào một nhóm lớn duy nhất nào đó.

Thực tế ở Trung Quốc cho thấy, sự đi xuống của nhu cầu hiện nay đã dẫn tới sự dư thừa công suất, cho phép các khách hàng có thể nhanh chóng tìm cho mình nhà cung cấp mới trong trường hợp nhà cung cấp của họ phá sản. Trong trường hợp điều này là khó khăn, chẳng hạn như khi nhà cung cấp phá sản có độ chuyên môn hóa đặc biệt cao, hoạt động quản lý tốt trong doanh nghiệp có lẽ hiệu quả hơn sự hỗ trợ của nhà nước.

Quản lý tốt ở đây có nghĩa là, những doanh nghiệp tốt nhất biết cách theo dõi chặt chẽ nhà cung cấp của họ, và mua linh kiện từ nhiều nguồn, tnay vì chỉ một nguồn, cho dù việc này khiến họ phải mất nhiều tiền hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ những nhà cung cấp bị đuối sức bằng cách giúp họ huy động vốn, hoặc thậm chí là đầu tư cho họ.

Đến đây, nhiều người đặt ra một câu hỏi khác: nếu như giải cứu một ngành nào đó là lãng phí, vậy tại sao lại cần phải cứu ngành ngân hàng? Chắc chắn, chính phủ các nước làm điều này không phải vì lợi ích của các lãnh đạo nhà băng, cũng không phải vì tiền cứu trợ của chính phủ sẽ tạo ra một hệ thống ngân hàng hiệu quả.

Phần lớn các kế hoạch giải cứu ngân hàng và kích thích kinh tế đều nhằm vào gốc rễ của những vấn đề mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Chính phủ cứu ngân hàng, cho dù có những ngân hàng không đáng được cứu, để khơi thông và duy trì dòng chảy tín dụng cho các doanh nghiệp mọi lĩnh vực. Các gói kích cầu nhằm mục đích tăng nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế.

Còn trước cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các chính phủ có lẽ không cần đi tới các kế hoạch giải cứu ngành. Nhiệm vụ cấp bách mà các chính phủ nên làm có thể là tiếp tục tăng chi tiêu và thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng.

(Theo Economist)