11:02 28/08/2009

Sang Nga sống chui, về Việt Nam "nằm vạ"

Vũ Quỳnh

Ra nước ngoài phải sống chui, 39 lao động từ Nga trở về đã đến "nằm vạ" ở trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước

Người lao động đến cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị giúp đỡ.
Người lao động đến cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị giúp đỡ.
Chiều 27/8, 39 lao động của Thái Nguyên, đi làm việc ở Nga về đã tập trung về sân trụ sở Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) “nằm vạ” với hy vọng sẽ được sự tác động của cơ quan quản lý Nhà nước, giúp họ được thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên sản xuất Thương mại và xuất khẩu lao động (Vinahacoop).

Trước đó 1 ngày, tại trụ sở Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam), 36 lao động từ Nga về nước trước thời hạn cũng  khăn gói chầu chực để chờ giải quyết quyền lợi.

Sang Nga sống chui

39 lao động có mặt trước trụ sở Cục Quản lý lao động ngoài nước chiều 27/7 đã than thở "phải sang Nga sống chui" khi trao đổi với phóng viên về thời gian làm việc tại Nga theo hợp đồng mà Vinahacoop đã đưa họ đi.

Theo hợp đồng, người lao động đã ký với ông Trần Duy Long, quốc tịch Việt Nam là Phó giám đốc Công ty TNHH ELIT-TRIED (có sự chứng nhận của bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Vinahacoop) tại thành phố Ivanteevka có thời hạn 3 năm, trong đó ghi rõ mức thu nhập bình quân từ 48-50 triệu đồng/người/năm (đã trừ chi phí sinh hoạt).

Tuy nhiên, theo phản ánh của 39 lao động, họ bắt đầu xuất cảnh từ tháng 5/2008. Sang đến Nga, tháng đầu họ không có lương vì phải “thử việc”, tháng thứ hai và ba bị trừ lương và được giải thích là tiền đó được trả cho công ty môi giới Việt Nam. Bắt đầu từ tháng thứ tư trở đi, công ty bên Nga không có việc.

Anh Đặng Xuân Trực, thị xã Sông Công cho biết, 13 tháng sống tại Nga (tháng 4/2008 đến hết tháng 5/2009), họ phải sống chui lủi, không có công ăn việc làm, bị cảnh sát đuổi bắt nhiều lần. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động bên đó hàng tháng lại mang sổ ra bắt công nhân phải ký nợ các khoản sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Chị Ngô Thị Khai ở Võ Nhai thì không giấu nổi sự phẫn nộ khi nhớ lại những ngày ở Nga. “Suốt ngày nơm nớp lo chạy cảnh sát, đến bữa ăn no cũng không được. Lần thì chạy lên nóc nhà cao tầng, lần phải chạy ra sau vườn để trốn sự truy đuổi của cảnh sát Nga. Nhiều người đã bị nhốt ở đồn cảnh sát mấy giờ liền".

Sở dĩ phải sống chui lủi ở Nga, theo người lao động là do họ đã bị Vinahacoop lừa, đưa sang Nga làm việc với thời hạn visa 3 tháng. Sau 10/7/2008, visa hết hạn, họ đã không được làm thủ tục gia hạn visa để được cư trú và làm việc hợp pháp tại Nga nên phải sống chui lủi.

Những lao động có mặt tại Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm, mặc dù không có việc làm, phải sống chui lủi nhưng phải rất nhiều lần gửi đơn thư cầu cứu, họ mới được doanh nghiệp đưa về nước.

Về Việt Nam "nằm vạ"

Trước tình hình trên, tháng 4/2009, Thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh Thái Nguyên, đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động các huyện đề nghị các bên giải quyết theo hướng thương lượng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã hơn 3 tháng rồi nhưng công ty vẫn làm ngơ.

Chị Hoàng Thị Thảo, ở Đồng Hỷ cho biết, sau nhiều lần liên lạc với công ty, thậm chí kéo lên trụ sở công ty tại Hà Nội nhưng lãnh đạo công ty này luôn tránh mặt. "Phải kéo đến nằm vạ tại  Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng là cực chẳng đã, chúng tôi chỉ muốn nhờ cơ quan quản lý can thiệp, để công ty giải quyết quyền lợi cho chúng tôi", chị Thảo nói.

Về phía doanh nghiệp, trong chiều hôm qua, đại diện Vinahacoop đã trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước thương lượng với người lao động và đưa ra mức hỗ trợ, đền bù là 500 USD. Tuy nhiên, 39 lao động cho rằng, số tiền đó quá ít so với chi phí họ phải bỏ ra. 

“Đấy là chưa kể đến việc chúng tôi đã và đang phải trả lãi số tiền vay để đi xuất khẩu lao động ở Nga, chúng tôi cũng không có tiền để xoay sở công ăn việc làm khác", một lao động bức xúc.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cho đến chiều hôm qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc này.