Sắp báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân sửa Luật Giáo dục
Tỷ lệ đồng ý với quy định về học phí, không thu học phí, cơ chế thu học phí tại điều 97 là 99,5%
Tại phiên họp tháng 2/2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 21 - 22/2 tới đây.
Sáng 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án tự chủ tài chính của Viện Nghiên cứu lập pháp giai đoạn 2019-2021.
Cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc cũng nằm trong nội dung buổi họp này.
Sáng ngày làm việc thứ hai, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Theo dự kiến, sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hộ cũng sẽ trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra dự án luật.
Từ dự kiến thông qua theo quy trình hai kỳ họp như đa số các dự án luật khác, Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được điều chỉnh tăng thời hạn thêm một kỳ họp nữa mới thông qua, tức là sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2019).
Tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, dù đã đồng ý rút ngắn thời gian thảo luận từ một ngày xuống nửa ngày song phiên thảo luận về dự án luật này vẫn có đến 63 đại biểu đăng ký phát biểu. Và những băn khoăn vẫn trải dài từ triết lý giáo dục cho đến chương trình thực nghiệm và nhiều vấn đề cụ thể khác của tất cả các cấp học.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị sau kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Chính phủ sẽ chủ động việc lấy ý kiến nhân dân trong khoảng tháng 1/2019, sau đó có báo cáo tổng hợp để gửi và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đầu tháng 1/2019, Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Vụ Pháp chế của Bộ đã tổng hợp góp ý từ các sở giáo dục và đào tạo về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo tổng hợp này, đã có 51 sở có ý kiến với số lượng 790.868 phiếu. Tham gia góp ý vào 31 nội dung được lấy ý kiến gồm cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhà giáo, cha mẹ học sinh và người học. Số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất là 96,5%.
Theo đó, tỷ lệ đồng ý với quy định về học phí, không thu học phí, cơ chế thu học phí tại điều 97 là 99,5%.
Khoản 1 điều 97 dự thảo luật quy định mức thu học phí được xác định theo lộ trình, tính đúng, tính đủ, chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo do Chính phủ quy định. Đồng thời tại khoản 3 điều này xác định chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định, phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo.
Khi thảo luận tại Quốc hội, một số vị đại biểu phân tích, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là tiền thuế của nhân dân đóng góp, theo lộ trình dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí tức là tiền túi của người dân thì có hợp lý không. Nhất là tình trạng lạm thu trong một số nhà trường còn rất phổ biến.
Hay, quy định về tiền lương của nhà giáo cũng được đến 94,3 ý kiến đồng tình, song theo một số vị đại biểu Quốc hội thì quy định này có bước thụt lùi so với luật hiện hành.