10:35 13/01/2011

Sau trứng gà, đến thịt lợn Đức nhiễm dioxin

Diệp Anh

Sau trứng, vụ tai tiếng nhiễm dioxin tại Đức đã lan sang thịt lợn và hàng trăm gia súc sẽ phải bị tiêu hủy

Nhiều nước đã cấm nhập trứng và thịt lợn từ Đức - Ảnh: Getty.
Nhiều nước đã cấm nhập trứng và thịt lợn từ Đức - Ảnh: Getty.
Sau trứng, vụ tai tiếng nhiễm dioxin tại Đức đã lan sang thịt lợn và hàng trăm gia súc sẽ phải bị tiêu hủy. Hôm qua (12/1) Trung Quốc đã lệnh ngưng nhập thịt lợn và trứng từ Đức, sau khi các xét nghiệm tuần trước cho thấy nồng độ dioxin tăng cao hơn mức cho phép 77 lần.

Không những ngăn thịt lợn và trứng, Trung Quốc còn cấm cả các sản phẩm có chứa thịt lợn và trứng từ Đức. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã ngưng nhập thịt lợn từ quốc gia châu Âu này.

Tại Việt Nam, báo An ninh Thủ đô dẫn lời ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Việt Nam không nhập khẩu thịt lợn từ Đức.

“Với trứng gia cầm, Việt Nam không cho nhập khẩu mà chỉ cho nhập bột trứng để chế biến thực phẩm. Còn thịt, Việt Nam không nhập từ Đức, mà chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Australia, Brazil…”, ông Sơn nói.

Do vậy, theo ông Sơn, người tiêu dùng không nên lo lắng trước thông tin trên. Ngoài ra, theo ông Sơn, Việt Nam cũng chỉ nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Đức mà không nhập thức ăn chăn nuôi thành phẩm.

Trong khi đó, dioxin chỉ được phát hiện trong thức ăn chăn nuôi thành phẩm, có thể trong quá trình chế biến, nhà sản xuất đã thêm vào. Bởi vậy, có thể loại trừ khả năng thức ăn chăn nuôi trong nước nhiễm dioxin.

Hôm qua, Đức đã tiến hành tiêu hủy 140 con lợn sau khi các chuyên gia thú y phát hiện hàm lượng độc tố dioxin cao hơn mức bình thường trên mẫu thịt của một con lợn đang mổ thuộc một nông trang chuyên sử dụng thức ăn gia súc của hãng Harles&Jentzsch.

Theo người phát ngôn cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Đức, đây là lần đầu tiên nước này phát hiện thịt lợn bị nhiễm dioxin. Các xét nghiệm đối với thức ăn động vật tại hãng Harles&Jentzsch cho thấy, hàm lượng dioxin cao gấp 77 lần mức cho phép.

Công ty Harles&Jentzsch bị nghi đã sử dụng mỡ dùng vào công nghiệp có chứa dioxin để chế ra 3.000 tấn mỡ dùng để sản xuất 150.000 tấn thức ăn nuôi gia súc, cung cấp cho toàn nước Đức. Kết quả phân tích cho tới nay cho thấy, bị ảnh hưởng nặng nhất là các trại nuôi gà đẻ và nuôi lợn, vì thức ăn của chúng chứa tỷ lệ mỡ rất cao.

Sở Nông nghiệp bang Lower Saxony, nơi phần lớn thức ăn nhiễm dioxin được bán ra, đã cấm 5.000 trang trại được bán sản phẩm ra ngoài.

Các nhà khoa học mới chỉ phát hiện ra trứng gà nhiễm dioxin tại 10 trang trại. Toàn bộ sản phẩm tại các trang trại trên đã bị tiêu hủy. Khoảng 3.000 trang trại cho đến nay đã được dỡ bỏ lệnh cấm, song còn 1.635 trang trại vẫn đang trong tiến trình kiểm tra và chưa được phép bán sản phẩm ra thị trường.

Theo hãng tin BBC, hôm 10/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Ilse Aigner cho biết, thiệt hại từ vụ này là “vô cùng, không chỉ về tài chính mà còn cả lòng tin của người tiêu dùng nữa”. Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, hiện Nga cũng đã tăng cường kiểm tra thịt nhập từ Đức, trong khi Slovakia đã ngưng bán trứng và thịt gà Đức.

Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu giải thích, dioxin vốn tìm thấy ở mức thấp trong nhiều thực phẩm, không gây ra vấn đề sức khỏe ngay lập tức, nhưng nếu thường xuyên thì có thể tạo ra nhiều loại tác hại khác nhau, bao gồm cả ung thư.