08:49 28/04/2008

Sẽ dập tắt “sốt” gạo trong một vài ngày tới

Các doanh nghiệp kinh doanh gạo đang xúc tiến đưa gạo về thị trường Tp.HCM để dập tắt ngay cơn “sốt giá” ở đây

Tranh nhau mua gạo tại một đại lý trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, Tp.HCM.
Tranh nhau mua gạo tại một đại lý trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, Tp.HCM.
Các doanh nghiệp kinh doanh gạo đang xúc tiến đưa gạo về thị trường Tp.HCM để dập tắt ngay cơn “sốt giá” ở đây.

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Nguyệt - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam - khi trao đổi với báo giới xung quanh việc bình ổn thị trường gạo hiện nay.

Giá gạo đã tăng gấp đôi trong mấy ngày qua và đang đứng ở mức cao chưa từng có tại Việt Nam. Liệu hiện tượng này có tiếp tục kéo dài không, thưa bà?


Tôi khẳng định hiện tượng “sốt” giá gạo tại thị trường nội địa sẽ được dập tắt trong một vài ngày tới, sau khi các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu tung hàng ra bán.

Ngay trong ngày 27/4, theo thông tin từ Tổng công ty Lương thực miền Nam, các thành viên của đơn vị này đã bắt đầu đưa gạo về cung ứng cho thị trường Tp.HCM và sẽ tiếp tục cung ứng trong những ngày tới theo nhu cầu của thị trường.

Tôi khẳng định không có chuyện thiếu gạo, bởi hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu trong VFA hiện đang có khối lượng tồn kho khá lớn, trong đó một số đơn vị sau khi cân đối với hợp đồng xuất khẩu thì lượng gạo tồn kho còn thừa lên tới 20.000-30.000 tấn.

Trong ngày 27/4, ngay sau khi có thông tin về căng thẳng nguồn cung và giá cả mặt hàng gạo tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã liên hệ với VFA và cam kết có thể cung cấp ngay cho những địa bàn có nhu cầu. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp tại Kiên Giang, An Giang... sẵn sàng cung cấp ngay hàng chục ngàn tấn gạo.

Riêng tại các địa phương khác ngoài Tp.HCM, nếu xuất hiện tình trạng găm hàng và làm giá của các doanh nghiệp cung ứng hay cơ sở kinh doanh gạo, các doanh nghiệp thành viên VFA cũng sẽ can thiệp để cung cấp hàng ngay, hạn chế việc tạo sự khan hiếm ảo trên thị trường.

Nếu các doanh nghiệp vẫn thừa gạo trong kho, vì sao thị trường nội địa lại xảy ra hiện tượng khan hiếm và tăng giá đột biến bất thường hiện nay?


Tình trạng căng thẳng không đáng có của thị trường gạo nội địa trong những ngày gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố như tin đồn, những thông tin vô căn cứ và đặc biệt là tình trạng đầu cơ cũng như găm hàng chờ giá.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là hiện tượng tham gia đầu cơ mặt hàng gạo của nhiều đối tượng.

Nhiều doanh nghiệp xưa nay chỉ kinh doanh một số mặt hàng nông sản như hạt tiêu hay hạt điều, rồi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và cả những “đại gia” từ Tp.HCM cũng đều đổ xô vào thu gom gạo, do nhận định đây là mặt hàng kinh doanh đạt lợi nhuận cao.

Các cơ sở xay xát và cả những doanh nghiệp tư nhân chuyên cung ứng gạo nhân cơ hội này găm hàng lại, không tiếp tục cung cấp cho thị trường. Nhiều gia đình trung nông sản xuất lúa tại khu vực ĐBSCL do nghe thông tin giá gạo thế giới và gạo trúng đấu giá ở mức cao nên cũng giữ gạo lại, chờ giá lên nữa mới bán.

Việc xuất khẩu gạo thời gian qua có ảnh hưởng gì đến nguồn cung của thị trường nội địa hiện nay hay không, thưa bà?


Theo số liệu tổng hợp của VFA, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới ký hợp đồng hơn 2,2 triệu tấn và giao được khoảng 1,1 triệu tấn gạo, cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm trước.

Như vậy, không thể nào cho rằng việc xuất khẩu gạo thời gian qua là yếu tố gây ảnh hưởng đến nguồn cung tại thị trường nội địa. Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu hiện nay còn một khối lượng tồn kho khá lớn, hơn 1,1 triệu tấn.

Với chỉ tiêu xuất khẩu 3,5-4 triệu tấn gạo trong năm 2008, liệu thị trường nội địa từ nay đến cuối năm có thiếu hụt gạo?


Tôi khẳng định chắc chắn là không bao giờ có chuyện này.

Trước hết, vụ đông xuân năm nay tại khu vực ĐBSCL trúng mùa rất lớn. Tổng sản lượng lúa vụ đông xuân tại khu vực ĐBSCL năm nay đạt 9,4-9,6 triệu tấn, tăng 300.000-500.000 tấn so với năm rồi. Vụ hè thu tới đây tại khu vực này dự kiến cũng có tổng sản lượng khoảng 7,3-7,5 triệu tấn. Tổng cộng sản lượng hai vụ này đạt 16,5-17 triệu tấn, tương đương 8,5-9 triệu tấn gạo.

Như vậy, so với con số chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay, lượng gạo còn thừa vẫn rất lớn.

Vào tháng sáu tới, vụ hè thu sớm tại ĐBSCL sẽ bắt đầu thu hoạch, rồi Thái Lan cũng thu hoạch lúa vào thời điểm này (chưa kể lượng gạo tồn kho của Thái Lan hiện lên tới 4 triệu tấn), nhiều khả năng giá gạo trên thị trường thế giới sẽ “hạ nhiệt”.

Do đó, việc đầu cơ gạo, găm hàng chờ giá của một số đối tượng hiện nay có thể sẽ gặp nhiều rủi ro.