08:56 13/07/2009

Sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu

Lê Châu

Hạn chế nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu cũng là hoạt động trọng tâm để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 39% kế hoạch, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Để đạt chỉ tiêu tăng 3% với 64,68 tỷ USD thì 6 tháng cuối năm xuất khẩu cả nước phải đạt trên 37 tỷ USD, tức mỗi tháng phải đạt gần 6,2 tỷ USD. Đây là mục tiêu rất cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương thì cũng không nên quá lo lắng về triển vọng xuất khẩu vì Việt Nam vì  hiện vẫn giữ được mức khá so với các nước trong khu vực.

6 tháng cuối năm là một chặng đường quá chông gai đối với xuất khẩu, thưa ông?

Từ cuối 2008 đến 6 tháng đầu năm 2009, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng mạnh đến tình hình xuất nhập khẩu. Sức mua trên thị trường quốc tế giảm kéo giá cả hàng hóa giảm theo, các doanh nghiệp  xuất khẩu gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng và ký kết các hợp đồng.

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong năm tới và nhiều năm tiếp theo. Hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hóa cùng chủng loại của các nước châu Á như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chủ lực có xu hướng giảm. Các nhà nhập khẩu khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để nhập khẩu hàng hóa.

Thuận lợi về giá nhìn chung cũng không còn, giá hàng hóa tiếp tục đứng ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường giảm. Tuy nhiên, theo tôi cũng không nên quá lo lắng về triển vọng xuất khẩu vì Việt Nam hiện nay tuy giảm mạnh về xuất khẩu nhưng vẫn giữ được mức khá so với các nước trong khu vực.

Xuất khẩu của chúng ta chỉ giảm 10,1% trong khi Trung Quốc giảm trung bình 23%, Thái Lan giảm 23% trong 5 tháng đầu năm, Nhật Bản giảm 37% trong tháng 4, tháng 5.

Theo ông, các chính sách cho xuất khẩu hiện nay đã đủ mạnh chưa?

Theo tôi, các chính sách của Chính phủ hiện nay đang tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có những thuận lợi nhất định về chi phí đầu vào. Vấn đề là doanh nghiệp cần tận dụng được những thuận lợi đó để vượt qua thời kỳ khó khăn này. Riêng Bộ Công Thương cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp  để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là đẩy mạnh công tác thị trường ngoài nước và đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại  gắn với nhiệm vụ tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó sửa đổi bổ sung, quyết định 279 về chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006-2010 theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp được tiếp cận các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường ngoài nước cũng như mời các doanh nghiệp nước ngoài vào khảo sát, giao thương tại Việt Nam.

Một tầm nhìn dài hạn cho xuất khẩu, theo ông là gì?

Các chính sách dài hơi hơn cần được tính đến là thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng sản xuất do bị hạn chế về cơ cấu (diện tích, năng suất, thời tiết...) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng.

Trong đó đặc biệt chú ý đến các mặt hàng nông - lâm - thủy sản. Tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu cũng như giải quyết nhiều công ăn việc làm như các sản phẩm chế biến: dệt may, giầy dép, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, dây cáp điện... Rà soát và phát hiện các mặt hàng có khả năng sản xuất nhưng không hoặc chưa bị hạn chế về thị trường như đồ nhựa các loại, sản phẩm cơ khí và va li, túi xách, mũ, ô dù...

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí...

Tập trung khai thác theo chiều sâu, chiều rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường trọng điểm đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Vệt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những quy định không phù hợp. Vận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA); gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn nhằm giảm nhập siêu của cả nước.

Về phía doanh nghiệp, cần tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Về phía Nhà nước, chủ động rà soát và điều chỉnh những cơ chế chính sách chưa phù hợp theo hướng mở; không tăng thuế nhập khẩu các mặt hàng là đầu vào sản xuất nói chung và xuất khẩu nói riêng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội giảm giá do suy thoái của thị trường thế giới tạo một mặt bằng chung với thị trường thế giới và kích thích sản xuất, tiêu dùng.

Các giải pháp hạn chế nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu cũng là hoạt động trọng tâm của năm 2009 để bảo đảm ổn định nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong nước và xuất khẩu, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và GDP.